2.1.1.1 Quy định về quyền làm việc của lao động tàn tật
Điều 23 Tuyên ngôn toàn cầu về Quyền con người (được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1948) có nêu: “Mọi người đều có quyền có việc làm, được tự do lựa chọn việc làm, quyền được hưởng các điều kiện làm việc tiêu chuẩn, phù hợp và được bảo vệ khỏi bị thất nghiệp. Tất cả mọi người, không phân biệt đối xử, có quyền được hưởng mức trả công bình đẳng cho một công việc tương đương. Bất cứ ai làm việc đều có quyền được hưởng mức trả công tiêu chuẩn, phù hợp và được đảm bảo cho người đó và gia đình họ tồn tại xứng đáng với nhân phẩm của mình …”. [27, tr.4]
Hiệp ước quốc tế về Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESR) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16 tháng 12 năm 1966, theo đó các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc công nhận mọi người đều có quyền có việc làm, trong đó có quyền có cơ hội được kiếm sống bằng việc làm do tự do lựa chọn hay chấp nhận và cam kết bảo vệ quyền đó. Các biện pháp cần được thực hiện nhằm thực thi một cách đầy đủ quyền này bao gồm hướng nghiệp, dạy nghề và việc làm có năng suất. Các quốc gia thành viên của Hiệp ước cũng cam kết đảm bảo trả công bình đẳng đối với công việc có giá trị tương đương mà không biết đối xử dưới bất kỳ hình thức nào, đảm bảo điều kiện làm việc an toàn và lành mạnh, đảm bảo cơ hội thăng tiến đến mức độ phù hợp, một cách bình đẳng đối với tất cả mọi người, không phụ thuộc vào bất kỳ điều kiện nào khác ngoài kinh nghiệm và năng lực công tác [27, tr.5].
Hội nghị quốc tế về quyền con người họp tại Viena năm 1993, khi trực tiếp bàn về người khuyết tật đã nhấn mạnh trong tuyên ngôn Viena và Chương
35
trình hành động rằng “Mọi người đều bình đẳng từ khi sinh ra và có quyền được sống và hưởng hạnh phúc, quyền được học tập và có việc làm, sống độc lập và được chủ động tham gia vào tất cả các mặt của xã hội. Mọi phân biệt đối xử trực tiếp hoặc đối xử một cách kỳ thị đối với người khuyết tật sẽ vi phạm quyền của người đó”. Hội nghị quốc tế kêu gọi Chính phủ thông qua hoặc điều chỉnh luật pháp nhằm đảm bảo người khuyết tật được hưởng tất cả các quyền này [27, tr.8]
Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 13 tháng 12 năm 2006 được xem là một Công ước toàn diện và đầy đủ nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền và nhân phẩm của người khuyết tật, trong đó công nhận quyền được có việc làm của người khuyết tật, trên cơ sở bình đẳng với những người lao động khác, điều này bao gồm quyền có cơ hội kiếm sống từ việc làm được tự do lựa chọn hoặc chấp nhận trong môi trường làm việc mở, được hòa nhập và có khả năng tiếp cận. Các quốc gia thành viên cũng cam kết thực hiện các biện pháp thích hợp để bảo vệ và thúc đẩy thực hiện quyền có việc làm.
Bên cạnh hệ thống pháp luật quốc tế tương đối đầy đủ và toàn diện, pháp luật trong nước, tại Bộ luật lao động quy định: “Nhà nước bảo hộ quyền làm việc của người tàn tật và khuyến khích việc thu nhận, tạo việc làm cho người tàn tật…” (khoản 1 Điều 125).
Quyền có một công việc để nuôi sống bản thân là một quyền đương nhiên được toàn thể cộng đồng công nhận và đã được pháp luật ghi nhận đối với tất cả mọi người nói chung và người tàn tật nói riêng. Quyền làm việc của lao động tàn tật là tiền đề tạo cơ hội cho lao động tàn tật có việc làm, có cơ hội tiến thân, tự lập trong cuộc sống, không phải dựa dẫm vào gia đình, người thân, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với lao động tàn tật trong điều kiện nền kinh tế có nhiều chuyển biến.
Mặc dù có luật quốc gia, khu vực và luật quốc tế hiện hành cùng các văn bản pháp luật khác, bên cạnh đó còn có các hoạt động của các cơ quan quốc tế và nỗ lực của các tổ chức phi chính phủ, lao động tàn tật trên toàn thế giới vẫn
36
tiếp tục thường xuyên phải gánh chịu những vi phạm về quyền con người. Đây là một thực tế không thể chối cãi. Trong lĩnh vực việc làm, các số liệu thống kê sẵn có đã chỉ ra rằng tỷ lệ người lao động tàn tật không có việc làm đang có xu hướng gia tăng cao hơn so với người lao động khác. Khó khăn khi tham gia vào môi trường thể chất bao gồm việc đi lại, nhà ở, nơi làm việc, nguy cơ mất các lợi ích khi bắt đầu làm việc, cùng với những định kiến vẫn còn ở nhiều tổ chức sử dụng lao động, đồng nghiệp, cộng đồng đã làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã rất khó khăn. Điều này không có nghĩa là chưa hề có sự cải thiện. Phát triển đáng kể trong hệ thống luật pháp về chống phân biệt đối xử ở trong nước một số năm trở lại đây là rất đáng khuyến khích.[27, tr.12-13].
2.2.1.2 Nhóm các quy định về học nghề và việc làm cho lao động tàn tật
Điều 27 Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật đặc biệt dành cho công việc và việc làm. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về khuyết tật trên mọi lĩnh vực liên quan đến mọi hình thức việc làm. Kêu gọi các quốc gia thành viên mở ra các cơ hội cho người khuyết tật tại nơi làm việc, cả ở khu vực công cộng cũng như tư nhân. Để thực hiện điều này, Công ước đã xúc tiến tiếp cận người khuyết tật với các công việc được tự do lựa chọn, các chương trình hướng dẫn nghề và kỹ thuật cơ bản, cũng như phục hồi chức năng nghề nghiệp, chương trình trở lại công việc và duy trì công việc. Các điều khoản đề cập đến người khuyết tật tìm kiếm việc làm, những vấn đề việc làm và những người bị thương tật trong quá trình làm việc và những người muốn quy trì việc làm. Công ước cũng ghi nhận rằng đối với nhiều người khuyết tật ở các nước đang phát triển, tự tạo việc làm hay kinh doanh nhỏ có thể là giải pháp đầu tiên, và trong một số trường hợp là giải pháp duy nhất. Công ước kêu gọi các quốc gia thành viên thúc đẩy những cơ hội như vậy. Các quốc gia thành viên cũng được kêu gọi đảm bảo cho người khuyết tật không bị rơi vào hoàn cảnh nô lệ hay công việc lao động rẻ mạt và được bảo vệ trên nền tảng bình đẳng cơ bản như mọi người khỏi lao động bắt buộc hay lao động cưỡng bức.
37
Pháp luật Việt Nam, đảm bảo quyền có việc làm của lao động tàn tật được thực hiện trên thực tế, Nhà nước ta đã có các biện pháp, chính sách để bảo vệ và thúc đẩy thực hiện quyền có việc làm của lao động tàn tật.
Bộ luật lao động quy định: “...Hàng năm, Nhà nước dành một khoản ngân sách để giúp người tàn tật phục hồi sức khoẻ, phục hồi chức năng lao động, học nghề và có chính sách cho vay với lãi suất thấp để người tàn tật tự tạo việc làm và tự ổn định đời sống” (Khoản 1 Điều 125).
Sau đó, Pháp lệnh về người tàn tật ra đời năm 1998 đã khẳng định “Hàng năm, Nhà nước dành một khoản ngân sách và vận động xã hội để trợ giúp người tàn tật phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề…”. Pháp lệnh cũng xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đối với người tàn tật và chính sách ưu đãi đối với người tàn tật. Cụ thể là: Nhà nước, các cơ sở dạy nghề, các tổ chức kinh tế đạo điều kiện thuận lợi cho người tàn tật được lựa chọn nghề, học nghề, tự tạo việc làm, làm việc tại nhà phù hợp với sức khỏe và khả năng lao động của mình. Người tàn tật học nghề được giảm hoặc miễn học phí, được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của Chính phủ”.
Nghị định số 81/CP ngày 23 tháng 11 năm 1995 đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 116/2004/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2004 quy định chi tiết về người tàn tật thì học nghề, bổ túc nghề tại các cơ sở dạy nghề do Nhà nước quản lý được hưởng các chế độ sau: Được giảm 50% mức học phí đối với người mà khả năng lao động bị suy giảm từ 31% đến 40%; được miễn nộp học phí đối với người mà khả năng lao động bị suy giảm từ 41% trở lên. Trong thời gian học nghề, bổ túc nghề, người tàn tật bị suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên nếu không hưởng lương, sinh hoạt phí hoặc học bổng thì hàng tháng được hưởng trợ cấp xã hội từ Ngân sách Nhà nước là 100.000 đồng.
Thông tư liên tịch số 19/2005/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BKHĐT hướng dẫn thi hành Nghị định số 81/CP ngày 23 tháng 11 năm 1995 đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 116/2004/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2004 hướng dẫn chi tiết như sau: Riêng đối với người tàn tật thuộc đối tượng có công với
38
cách mạng được hưởng ưu đãi theo quy định tại Thông tư số 26/1999/TTLT/ BLĐTBXH-BTC-BGDĐT ngày 2/11/1999 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - Giáo dục và Đào tạo, Thông tư số 23/2001/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 6/4/2001 của Liên Bộ Tài chính – Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi trong giáo dục và đào tạo; Người tàn tật học nghề ngắn hạn (dưới 1 năm) được hỗ trợ một phần tiền ăn, ở, đi lại trong thời gian học nghề từ nguồn kinh phí dành cho dạy nghề hàng năm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo. Mức hỗ trợ tối đa không quá 540.000 đồng/học viên/tháng (trong đó: chi hỗ trợ dạy nghề cho cơ sở dạy nghề tối đa không quá 300.000 đồng/học viên/tháng; chi hỗ trợ ăn ở, đi lại cho học viên: 240.000 đồng/tháng cho mỗi học viên trong quá trình học nghề ngắn hạn); cá nhân hoặc nhóm lao động là người tàn tật, tự tạo việc làm có nhu cầu về vốn để sản xuất - kinh doanh - dịch vụ được xem xét vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Qũy Quốc gia về việc làm, Quỹ việc làm dành cho người tàn tật và nguồn vốn cho vay xoá đói, giảm nghèo. Mức vay, thời hạn vay, lãi suất vay vốn và thủ tục cho vay thực hiện theo quy định của các Quỹ trên.
Những quy định trên cho thấy Nhà nước đã có những chính sách rất cụ thể về việc trợ giúp lao động tàn tật học nghề. Học nghề là điều kiện thiết yếu để lao động tàn tật có thể thực hiện ước mơ, nguyện vọng là tìm được việc làm phù hợp với sức khỏe, dạng tật của mình. Chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động tàn tật là chính sách thiết thực, có ý nghĩa to lớn đối với lao động tàn tật.
Lao động tàn tật được hỗ trợ học nghề giúp cho họ có điều kiện tiến sát hơn việc thực hiện quyền có việc làm của mình, bằng cách tự tạo việc làm hoặc làm thuê, giao kết hợp đồng lao động. Trong trường hợp tự tạo việc làm, lao động tàn tật được Nhà nước cho vay với lãi suất thấp. Đây là một chính sách quan trọng nằm trong hệ thống các chính sách đối với lao động tàn tật.
39