3. Ý nghĩa khoa học của đề tài
1.3. Một số đặc điểm dịch tễ học của vi rút LMLM
1.3.1. Nguồn dịch
1.3.1.1. Nguồn dịch thiên nhiên
Trong tự nhiên, nhiều loài động vật hoang dã cảm thụ bệnh và có thể trở thành nguồn bệnh cho vật nuôi. Các loài nhai lại hoang dã như bò rừng (Bison bonasus), trâu rừng (yak), lạc đà, nhiều loài sơn dương, hoẵng, những loài hươu khác nhau (như hươu Dama, hươu đỏ), nai, đều nhiễm vi rút LMLM. Hoẵng nhiễm vi rút LMLM có biểu hiện triệu chứng điển hình, hươu Sira biểu hiện ít trầm trọng hơn, hươu hoang dã (Fallowdeer) và hươu ved chỉ biểu
hiện dưới dạng ẩn tính. Các loài nhai lại cảm thụ này đóng vai trò quan trọng trong dịch tễ học của bệnh [19].
1.3.1.2. Nguồn dịch gia súc mang trùng
Thú mang trùng được coi là vấn đề quan trọng nhất trong dịch tễ học của bệnh LMLM hiện tại. “Thú mang trùng” được định nghĩa là thú mà ở đó vi rút sống có thể phân lập được 28 ngày sau khi nhiễm bệnh. “Thú mang trùng” không chỉ có nghĩa là hoang thú mà cả động vật nuôi; trong thực tế có khoảng trên 50% bò, dê, cừu phơi nhiễm với vi rút LMLM trở thành “thú mang trùng”, bất luận chúng đã hoặc chưa được “bảo vệ” bằng vắc xin. Sự hình thành trạng thái mang trùng phụ thuộc vào chủng và type huyết thanh của vi rút LMLM. Thời gian mang trùng phụ thuộc vào loài nhiễm bệnh và có tính cá thể.
Vấn đề về động vật mang trùng đặc biệt quan trọng khi cân nhắc sử dụng văc xin để khống chế một ổ dịch, bởi vì vắc xin không ngăn chặn được sự nhiễm vi rút (bò đã được tiêm văc xin vẫn nhiễm bệnh và mang trùng) và các phương tiện chẩn đoán hiện tại chưa đảm bảo chắc chắn 100% phát hiện hết các trường hợp động vật mang trùng.
1.3.2. Động vật cảm thụ
Bệnh LMLM chủ yếu là của loài nhai lại và lợn. Loài vật ăn thịt ít mắc bệnh hơn. Ngựa, loài một móng và người không cảm nhiễm bệnh [12], [25].
Trâu và bò là những loài dễ mắc bệnh nhất [19], trong đó bò có tỷ lệ nhiễm và mức độ bệnh trầm trọng hơn trâu, sau đó đến lợn, cừu, dê. Trong số các giống bò, bò lai được nuôi dưỡng tốt, khoẻ mạnh thường dễ nhiễm bệnh hơn. Bệnh thường xảy ra ở trâu bò rồi lây sang lợn (trừ chủng vi rút chỉ nhiễm cho lợn) [6], vi rút LMLM chủng Cathay chỉ gây bệnh cho lợn.
Động vật nhỏ (tiểu gia súc) như cừu có tỷ lệ cảm nhiễm thấp và giữ vai trò quan trọng trong việc mang trùng. Cừu có thể mang trùng tới năm tháng và duy trì sự nhân lên với mức độ thấp của vi rút. Vi rút thường cư trú ở vùng hầu của gia súc.
1.3.3. Đường xâm nhập
Đường hô hấp: Đường xâm nhập chính của vi rút là đường hô hấp, vi rút vào vùng hầu ở trong các tế bào của màng nhầy họng rồi lan sang các tế bào lân cận, các hệ thống lưu thông và hệ lâm ba dẫn tới các tế bào, cơ quan khắp cơ thể.
Đường tiêu hóa: Khi mầm bệnh theo thức ăn, nước uống xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, chúng nhân lên trong lớp thượng bì của ống tiêu hóa làm thành mụn nước sơ phát, sau đó theo hệ thống máu và lâm ba đến khắp cơ thể.
Da: Da nguyên lành không để vi rút đi qua, khi có vết xây xát gia súc có thể nhiễm vi rút. Tại những xây xát hoặc vết thương ở da, nhất là vùng vú thường xuất hiện mụn nước sơ phát; vùng da tổn thương cũng là nơi vi rút xâm nhập vào cơ thể.
1.3.4. Cơ chế sinh bệnh
Vi rút LMLM phổ biến lây lan theo đường hô hấp, vi rút sinh sôi qua vùng hầu. Ngoài đường hô hấp ra, bệnh có thể nhiễm qua da, vết thương da và niêm mạc. Khi vi rút theo thức ăn, nước uống xâm nhập vào cơ thể hoặc qua các tổn thương ở da, trước tiên nó nhân lên trong lớp thượng bì của ống tiêu hóa hoặc của da, gây thủy thũng một số tế bào thượng bì, làm thành mụn nước sơ phát nhưng khó nhận biết vì con vật vẫn khỏe mạnh [12].
Tổn thương do vi rút gây ra tại cửa vào không gây triệu chứng bệnh (thời kỳ nung bệnh); thời gian nung bệnh rất khác nhau phụ thuộc vào độc lực của vi rút, số lượng vi rút và đường xâm nhập, thời gian nung bệnh ngắn 2 - 3 ngày, có khi lên tới 10 - 14 ngày, những trường hợp liều gây nhiễm thấp thời gian nung bệnh đối với chu kỳ đầu tiên có thể dài hơn [22].
Sau khi nhân lên ở vùng cửa vào và những hạch lâm ba lân cận, vi rút vào máu và được đưa đến các vị trí thứ cấp [12]. Do tính hướng thượng bì, vi rút hầu như rất ít nhân lên ở các phủ tạng; vi rút phát triển chủ yếu trong
những tế bào thượng bì của niêm mạc và da, chủ yếu là những tế bào thượng bì non, gây sưng hạch, tổn thương (mụn nước) các biểu mô quanh miệng (mõm lợn), chân, vú và gốc sừng. Ngoài ra mụn nước cũng phát triển ở những nơi ít nhìn thấy như, trên trụ dạ cỏ, âm hộ, vùng bẹn… vi rút có thể qua đường tuần hoàn của con mẹ xâm nhập vào phôi thai và có thể gây sảy thai. Vào giai đoạn cuối bệnh (cuối giai đoạn sốt), vi rút có thể tiếp tục nhân lên ở những tế bào đang phân chia vùng mô lân cận, và gây nên các mụn nước thứ phát.
Mụn nước xuất hiện ở cả chiều sâu của thượng bì. Do áp lực của nước ở trong mụn, mụn nước phát triển to ra, nhô lên. Cùng với phản ứng viêm, bạch cầu di động đến làm cho dịch lâm ba của mụn nước màu trong trở nên đục và không bao giờ sinh mủ khi không có vi khuẩn kế phát. Khi mụn vỡ, những vết tích ở thượng bì được lấp đầy nhanh chóng. Mụn nước chỉ lở loét khi mồm, chân bị nhiễm vi khuẩn sinh mủ, gây hoại tử, xây xát gây nên bệnh lý cục bộ, ăn sâu vào trong, có khi gây bại huyết làm con vật suy yếu hoặc chết.
1.3.5. Chất chứa vi rút
Nước rãi: Độc lực của vi rút xuất hiện rất sớm trong nước dãi (10 giờ sau khi nhiễm vi rút). Sự xuất hiện vi rút trước khi sốt trong nước dãi có thể do sự nhân lên của vi rút ở cửa vào. Số lượng vi rút cường độc trong nước dãi đạt cao nhất khi các mụn nước ở miệng vỡ, kéo dài đến ngày thứ 10-14 ngày sau khi có triệu chứng và biến mất sau 5 tuần [15]. Vi rút được thải ra ngoài qua nước dãi lẫn nước mụn và mảnh thượng bì của mụn bị vỡ ra trên niêm mạc lưỡi và miệng. Vi rút trong nước dãi tồn tại đến 2 ngày ở 37°C, 3 tuần ở 20°C, 5 tuần ở 4°C.
Mụn nước: Vi rút có nhiều nhất trong nước của mụn tiên phát dưới 5 ngày, mụn không còn vi rút sau khi hình thành mụn thứ phát. Hàm lượng vi rút cao nhất là trong nước mụn và thành mụn, 1 ml dịch mụn nước có chứa 108
TCID50 ở ngày thứ 2-3 sau khi có triệu chứng và giảm rõ rệt sau 4-5 ngày [17].
Máu: Vi rút LMLM xuất hiện trong máu của động vật cảm thụ vào thời
kỳ sốt, thường từ giờ thứ 18 sau nhiễm vi rút và có thể kéo dài 3-5 ngày. Máu chứa ít vi rút hơn ở mụn nước, khoảng 105
TCID50/ml máu tại thời điểm cao nhất [15].
Các chất thải tiết khác: Vi rút LMLM cũng được thải ra môi trường ngoài trong các chất/dịch bài tiết như nước tiểu, phân, sữa, nước mũi, nước mắt và tinh dịch. Số lượng vi rút cường độc trong các chất bài tiết này thấp hơn ở nước dãi. Độc lực của vi rút có trong chúng cùng một lúc với độc lực của vi rút có trong máu, cao nhất vào ngày thứ 2 và thứ 3 sau khi thú nhiễm vi rút và mất đi vào ngày thứ 4 hoặc thứ 5, ngoại trừ ở nước tiểu.
Mô, tổ chức khác như: tim, da, tuyến tuỵ, tuyến giáp, trong mật và các hạch lâm ba cũng chứa một lượng lớn vi rút trong suốt giai đoạn bệnh cấp tính [15]. Sản phẩm động vật và phụ phẩm, chất thải: Các thú sản, sản phẩm sữa, thịt, máu, xương, da, lông, móng, sừng đều chứa vi rút độc, rác thải của nhà bếp, nước rửa đun không kỹ cũng làm phát tán vi rút [16]. Vi rút có thể giữ nguyên hoạt tính trên lông gia súc đến 4 tuần [15].
Chất thải, vật dụng chăn nuôi: tường, nền, máng ăn, chất lót chuồng, rơm cỏ, nước rửa chuồng, các đồ vật và dụng cụ đều có thể chứa vi rút và trở thành nguồn cơ giới truyền lây vi rút.