Con đường và phương thức truyền lây

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ và xác định type vi rút gây bệnh lở mồm long móng ở trâu, bò tại tỉnh Lai Châu (Trang 37 - 39)

3. Ý nghĩa khoa học của đề tài

1.3.6. Con đường và phương thức truyền lây

Phương thức truyền bệnh LMLM rất đa dạng. Vi rút gây bệnh LMLM có thể lây truyền trực tiếp giữa con mắc bệnh và con khoẻ khi nhốt chung hoặc chăn thả chung trên đồng cỏ. Vi rút từ nước bọt, dịch mụn nước, các chất bài xuất, bài tiết của con vật mắc bệnh xâm nhập vào con khoẻ. Bệnh cũng có thể truyền lây gián tiếp thông qua thức ăn, nước uống, máng ăn, máng uống, nền chuồng, dụng cụ chăn nuôi, thú y, sản phẩm chăn nuôi; phương tiện vận chuyển, tay chân, quần áo người chăn nuôi bị nhiễm vi rút.

Bệnh lây truyền trực tiếp từ đàn này sang đàn khác, từ địa phương này sang địa phương khác do sự di chuyển của con vật nhiễm bệnh đến đàn chưa có bệnh là hình thức lây truyền chủ yếu. Do nhu cầu giao lưu, buôn bán động vật, sản phẩm động vật của các tỉnh, các vùng và các nước ngày càng phát triển, cùng với sự chênh lệch về giá cả đã thúc đẩy sự vận chuyển bất hợp pháp, tư thương đã tìm mọi cách để vận chuyển gia súc ra khỏi vùng dịch để kiếm lời. Người chăn nuôi vì không rõ nguồn gốc hoặc tham giá rẻ đã mua về nuôi, từ đó mầm bệnh phát tán khắp nơi [15].

Chó, mèo, gà, chim muông, hoang thú, côn trùng không mắc bệnh nhưng có thể truyền bệnh theo con đường cơ học từ nơi này đến nơi khác. Những con vật đó khỏi bệnh nhưng vẫn mang vi rút trong móng chân, máu, nước tiểu là nguồn gốc gây ra các ổ dịch mới. Gió cũng là một yếu tố quan trọng trong việc làm lây lan bệnh qua không khí.

Ngoài ra, vi rút có thể truyền từ mẹ sang bào thai. Bê sinh ra mắc bệnh thường chết nhanh [18].

Thời điểm lây lan: vi rút xuất hiện trong nước bọt trước khi xuất hiện

các triệu chứng và tăng cao khi vỡ các mụn nước ở miệng; vi rút có mặt trong các chất thải tiết khác như nước tiểu, phân cũng đồng thời với sự xuất hiện mụn nước. Mọi chất thải tiết và không khí đều mang vi rút. Như vậy, vi rút được lan truyền ngay khi động vật chưa có triệu chứng và khả năng lây truyền tăng cao khi mụn nước vỡ. Sau 4 ngày kể từ lúc mụn nước vỡ ra, khả năng lây nhiễm giảm hoặc không còn, trừ khi vi rút còn tồn tại trên da, lông, một vài con vật giữ được mầm bệnh như một vật mang trùng trong thời gian dài [19].

Phạm vi lây lan: Tốc độ gió, hướng gió là những yếu tố quan trọng

trong việc lây lan qua không khí. Trong hoàn cảnh thuận lợi, vi rút có thể lan xa 100 km nhờ gió. Truyền lây vi rút trong không khí là kiểu truyền lây “không kiểm soát được”, đáng sợ hơn nhiều lần so với các phương thức truyền lây “kiểm soát được” như sự tiếp xúc trực tiếp với gia súc mắc bệnh hoặc gián tiếp qua con người hay các vật dụng khác.

Mùa truyền lây: Ở vùng nhiệt đới, bệnh LMLM thường ở thể nhẹ, ít

chết. Đặc điểm bệnh này có thể do ảnh hưởng của khí hậu. Trong sức nóng nhiệt đới, những chất, những bộ phận chứa vi rút bị tiêu diệt nhanh, làm giảm mức độ truyền lây. Cũng có thể chính vì lý do nhiệt độ này, bệnh LMLM ở Việt Nam và các nước nhiệt đới khác bệnh lây lan quanh năm, nhưng thường phổ biến hơn vào mùa xuân, mùa mưa phùn, đất ẩm ướt, ánh nắng dịu của mùa đông.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ và xác định type vi rút gây bệnh lở mồm long móng ở trâu, bò tại tỉnh Lai Châu (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)