3. Ý nghĩa khoa học của đề tài
1.4. Miễn dịch trong bệnh LMLM
Sau khi vi rút LMLM xâm nhập vào cơ thể động vật, chúng nhân lên, phá huỷ tế bào vật chủ gây sốt và tạo miễn dịch. Cả miễn dịch dịch thể và miễn dịch trung gian tế bào đều xuất hiện trong bệnh lở mồm long móng, trong đó vai trò của miễn dịch trung gian tế bào đặc biệt quan trọng.
Ở những con vật tiếp xúc với kháng nguyên lần đầu, đáp ứng miễn dịch thường chậm và ở mức thấp. Khi tiếp xúc kháng nguyên lần thứ hai và những lần sau đó, đáp ứng miễn dịch xảy ra sớm hơn và ở mức cao hơn (miễn dịch thứ phát). Đặc điểm về thời gian và mức độ đáp ứng miễn dịch chính là cơ sở khoa học của việc tiêm phòng nhắc lại nhằm tạo miễn dịch chắc chắn cao và kéo dài.
Trong tiêm phòng, kháng thể đặc hiệu tồn tại ở mức cao, kéo dài 4 - 6 tháng ở bò (đối với lợn, thời độ dài miễn dịch ngắn hơn), sau đó giảm dần, con vật lại mẫn cảm với căn bệnh. Tác dụng bảo hộ kháng vi rút LMLM chủ
yếu dựa vào kháng thể trung hòa. Tuy nhiên kháng thể trung hòa đơn độc không phải lúc nào cũng có khả năng khống chế sự lây nhiễm bệnh LMLM; một số con vật đã được tiêm vắc xin có rất ít hoặc không có kháng thể trung hòa nhưng vẫn có sức đề kháng chống lại căn bệnh [48].
Gia súc nhiễm bệnh thường có đáp ứng miễn dịch cao hơn và kéo dài hơn so với đáp ứng miễn dịch do vắc xin. Sau khi lành bệnh, con vật có miễn dịch kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm hay vài năm. Miễn dịch có thể truyền cho con qua sữa đầu và kéo dài 3 tháng.
* Miễn dịch chéo: Hiện tại, có 7 type vi rút LMLM (O, A, C, Asia1, SAT1, SAT2 và SAT3). Các vi rút này khác nhau về kiểu gene (dựa trên so sánh trình tự VP1) và đặc tính huyết thanh học serotype. Những type này lại phân chia thành nhiều type phụ (subtype) khác nhau bởi những đặc tính miễn dịch học (cấu trúc kháng nguyên, độc lực…). Các type/subtype vi rút này đều gây bệnh LMLM với những triệu chứng lâm sàng giống nhau [21], [25].
Giữa các type, do không có sự đồng nhất về đặc tính kháng nguyên, chúng không có miễn dịch chéo. Gia súc đã mắc bệnh do 1 serotype không có miễn dịch bảo hộ với type khác. Miễn dịch bảo hộ chéo chỉ tồn tại giữa một số subtype của cùng 1 type [25], [51].
Trong thực tế có những trường hợp con vật đã bị bệnh lại có thể ”tái phát”, hiện tượng này do vi rút các type khác nhau có mặt ở cùng một ổ dịch. Con vật lành bệnh với 1 type nhưng mắc bệnh lại do type khác. Đối với 3 typ O, A, C, trong một ổ dịch có thể có sự kết hợp của các type này, nhưng thông thường chỉ một type chiếm ưu thế. Đây chính là cơ sở khoa học cho việc lựa chọn vắc xin phù hợp chủng nhằm tránh trường hợp gia súc đã được tiêm phòng nhưng vẫn mắc bệnh do không có miễn dịch đặc hiệu với chủng lưu hành, đồng thời hạn chế kinh phí dành cho việc sử dụng văc xin không phù hợp chủng. Để có thể sử dụng vắc xin một cách có hiệu quả, cần phải thường xuyên giám sát dịch tễ, tăng cường khả năng chẩn đoán và định type vi rút LMLM.