2.3.2.1 Về ký kết thoả ước lao động tập thể
Khi chưa có Bộ luật lao động Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/CP Ngày 26 tháng 12 năm 1992 quy định về thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT).
Trong Bộ luật lao động năm 1994 (sửa đổi, bổ sung 2002), tại Điều 44 quy định: “Thoả ước lao động tập thể (sau đây gọi tắt là thoả ước tập thể) là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động và sử dụng lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động. Thoả ước tập thể do đại diện của tập thể lao động và người sử dụng lao động thương lượng và ký kết theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và công khai”. Tại Điều 54, về Thương lượng và ký kết thoả ước tập thể ngành được áp dụng tương tự. Sau khi ký thoả ước tập thể các bên phải gửi đăng ký cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký - Điều 47, cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có quyền tuyên bố thoả ước lao động tập thể vô hiệu từng phần hoặc toàn bộ theo quy định tại khoản 1 và 2 điều 48.
Trong những năm qua tổ chức đại diện cho người lao động, cơ quan quản lý lao động đã có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế để tăng cường kỹ năng thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể. Cụ thể như:
Tổng LĐLĐVN và Viện Friedrich Ebert Stiftung của CHLB Đức - Văn phòng Hà Nội, đã tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng thương lượng, xây
dựng, ký kết và thực hiện thoả ước lao động tập thể cho 30 cán bộ công đoàn tại TPHCM. Các cán bộ công đoàn được học các kỹ năng như: Thu thập thông tin, thành lập tổ soạn thảo, lấy ý kiến chuyên gia, lấy ý kiến tập thể NLĐ, thành lập tổ đại diện thương lượng; được trang bị các kiến thức như tâm lý trong thương lượng, chiến lược và chiến thuật thương lượng, giải quyết mâu thuẫn trong thương lượng... Mục đích của chương trình này nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, trong đó đảm bảo lợi ích các bên trên cơ sở thoả thuận giữa NLĐ và NSDLĐ.
Tổng LĐLĐVN phối hợp với Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Hà Nội tổ chức, “Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm Việt Nam-Trung Quốc về thương lượng tập thể và quan hệ lao động”.
Bộ LĐTBXH Việt Nam và dự án “Trợ giúp thực thi Luật Lao động và thúc đẩy quan hệ lao động hài hoà tại Việt Nam” do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ thông qua USAID tổ chức hội thảo "Cách tiếp cận mới về thương lượng tập thể (TLTT)”. Điều được khẳng định tại hội thảo là một TƯLĐTT tốt có thể xây dựng: Các tiêu chuẩn lao động như tiền lương, giờ làm và các điều kiện làm việc; các quy trình giải quyết nhanh chóng và hiệu quả các khiếu nại của NLĐ và người sử dụng lao động; một diễn đàn để NLĐ và NSDLĐ có thể thể hiện quan điểm của mình và cùng nhau tham gia vào quá trình cải thiện mối quan hệ tại nơi làm việc. Theo đó thì TLTT có hiệu quả nhất khi tất cả các bên liên quan đều mạnh.
Tổng LĐLĐVN và ILO tổ chức Hội thảo “Tăng cường vai trò đại diện của công đoàn và thương lượng tập thể” với đại diện ILO và cán bộ công đoàn đến từ 20 Liên đoàn lao động tỉnh, 15 công đoàn ngành Trung ương.
Một nghiên cứu cho thấy ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc thương lượng và ký kết
TƯLĐTT đạt tỉ lệ thấp và chất lượng còn hạn chế. Trong đó có nguyên nhân do pháp luật lao động hiện hành quy định chưa cụ thể về trình tự TLTT; chưa quy định cụ thể về đối tượng, nội dung, thời gian thương lượng nên việc đàm phán thương lượng ở khá nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI chưa thực chất, mang nặng hình thức. Mặt khác, vai trò của công đoàn cấp trên cơ sở và cơ quan lao động trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các bên trong quá trình thương lượng cũng chưa được quy định; các quy định về chế tài xử phạt đối với việc thương lượng và ký kết TƯLĐTT không đủ mạnh để bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện... Thực trạng trên cho thấy sự cần thiết phải tăng cường vai trò đại diện của tổ chức công đoàn và TLTT. Đây là những nội dung hoạt động quan trọng của các cấp công đoàn hiện nay.
Khẳng định đối thoại và TƯLĐTT là chìa khóa để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, mang tính bền vững ở doanh nghiệp.
Đối thoại xã hội ba bên khác với thương lượng tập thể giữa NLĐ và người sử dụng lao động, nhưng thương lượng tập thể và đối thoại xã hội ba bên có thể bổ trợ cho nhau. Ở Việt Nam cơ chế đối thoại, hợp tác tại nơi làm việc của Việt Nam còn nhiều yếu kém. Cơ chế đối thoại xã hội ba bên ở cấp trên doanh nghiệp cũng kém phát triển và chưa có vai trò xứng đáng. Tình trạng người sử dụng lao động chưa nắm bắt kịp thời nhu cầu, nguyện vọng của NLĐ và ngược lại, NLĐ lại không hiểu hết chính sách và tình hình doanh nghiệp cũng như nghĩa vụ, quyền lợi của mình còn rất phổ biến. Chính tình trạng không chia sẻ thông tin, tham vấn, đối thoại giữa các bên quan hệ lao động đã góp phần dẫn tới tranh chấp lao động. Tuy nhiên cũng cần thấy là năng lực và tính đại diện của các đối tác xã hội tham gia vào cơ chế đối thoại xã hội ở các cấp còn hạn chế.
Tỷ lệ doanh nghiệp thương lượng và ký TULĐTT so với tổng số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đạt tỷ lệ thấp có khoảng 30% số DN thực hiện
TUTLTT. ; chất lượng TULĐTT chưa cao. Vấn đề thương lượng TULĐTT gặp khó khăn vì công đoàn luôn ở thế yếu trong thương lượng. Đa số thoả ước tập thể được ký kết hầu như không qua thương lượng; vì chưa có đối tác thật sự trong thương lượng nên đã ảnh hưởng không ít tới chất lượng TULĐTT.
Thoả ước lao động tập thể được quy định khá rõ trong pháp luật lao động, tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng và ký kết thoả ước lao động tập thể hiện nay còn thấp, số doanh nghiệp đã ký kết thoả ước lao động không nhiều một phần là do phía người sử dụng lao động không mặn mà trong việc ký thoả ước tập thể, bên cạnh đó thì Công đoàn, đại diện người lao động trong nhiều doanh nghiệp cũng chưa thể hiện được vai trò của mình, một trong những lý do là người đứng đầu công đoàn nhiều nơi bị chi phối bởi chủ doanh nghiệp nên khó thực hiện được tốt vai trò của mình. Tính đại diện của công đoàn nhiều nơi còn kém, khả năng đàm phán còn thấp nên việc ký kết thoả ước lao động tập thể trong doanh nghiệp còn thấp.
Ở Việt Nam, Bộ luật Lao động hiện hành đã quy định về Thoả ước lao động tập thể ngành (Điều 54). Tháng 4/2010 ngành dệt may Việt Nam là ngành đầu tiên ký kết thảo ước lao động tập thể sau một thời gian dài đàm phán ký kết. Tiếp sau ngành Dệt may sắp tới theo đúng lộ trình, là thỏa ước lao động tập thể ngành Cao su sẽ được ký kết. Đây là hai bản thoả ước lao động tập thể cấp ngành đầu tiên được kỳ vọng là sẽ bảo vệ được quyền lợi của người lao động ở 2 ngành thu hút một lượng lao động lớn, giảm được tối đa đình công. Theo số liệu của ngành dệt may trên trang http// www.cand.com.vn thì với ngành dệt may tới nay đã có 69 doanh nghiệp trên khoảng 2.600 doanh nghiệp ngành dệt may đăng ký tham gia thực hiện thỏa ước với tổng số lao động là 90.266 người. Như vậy số lao động tham gia vào thoả ước này mới chiếm khoảng 50% trong tổng số gần 200.000 lao động của ngành dệt may. Việc đại diện chủ sử dụng và người lao động cùng ký kết
bản thoả ước này đã đưa ra một hình thức thương lượng mới trên quy mô lớn, thay vì chỉ ở quy mô doanh nghiệp như trước đây. Việc chủ sử dụng tự nguyện tham gia vào thoả ước này, có nghĩa là tự nguyện cam kết đảm bảo việc làm, đảm bảo tiền lương cho người lao động theo thoả ước sẽ góp phần giảm các cuộc đình công tự phát trong ngành dệt may.