Sự ghi nhận pháp lý

Một phần của tài liệu Những vấn đề pháp lý đặt ra từ cơ chế ba bên trong lĩnh vực lao động ở Việt Nam (Trang 33 - 39)

Các quy định về cơ chế ba bên trong quan hệ lao động ở nước ta được ghi nhận ngay trong Hiến pháp, văn bản pháp lý cao nhất của Nhà nước. Tại Điều 10 Hiến Pháp 1992 quy định : “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trong quy định trên nói về Công đoàn, đề cập tới việc Công đoàn tham gia cùng các tổ chức khác với nhiệm vụ là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như vậy ở một ý nghĩa nào đó thì có sự hiện diện của cơ chế ba bên, sự hiện diện đó có thể là việc cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế để bảo vệ quyền lợi của người lao động...việc bảo vệ này được thực hiện bằng nhiều hoạt động cụ thể được quy định trong chức năng, nhiệm vụ của công đoàn.

Trong luật tổ chức Chính phủ năm 1992, 2001 cũng đề cập tới sự phối hợp ba bên, tại điều Điều 39 Luật Tổ chức Chính phủ 2001 quy định : sự phối hợp giữa Chính phủ với Ban chấp hành Tổng liên đoàn lao động Việt Nam trong việc xây dựng quy chế, mối quan hệ công tác như, xây dựng quy chế cụ thể về mối quan hệ công tác và trong quá trình Chính phủ thực hiện nhiệm vụ về chính trị, kinh tế xã hội..., đồng thời cũng quy định việc Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam được mời tham dự các phiên họp khi Chính phủ bàn

về các vấn đề có liên quan và được thông báo thường xuyên về tình hình kinh tế xã hội và các chủ trương, công tác lớn của Chính phủ. Luật cũng quy định việc Chính phủ gửi dự thảo các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định Ban chấp hành Tổng liên đoàn lao động Việt Nam để tham gia ý kiến, Chính phủ và các thành viên Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết và trả lời các kiến nghị của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Như vậy có thể thấy rõ những nội dung của cơ chế ba bên được quy định khá rõ trong luật Tổ chức Chính phủ, những nội dung này được thể hiện như việc chia sẻ thông tin giữa Chính phủ với công đoàn, việc lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn bản pháp luật, việc giải quyết các kiến nghị của công đoàn.

Tại Luật Công đoàn năm 1990, quy định khá cụ thể mối quan hệ giữa các bên trong vấn đề phối hợp với nhau để cùng thống nhất những vấn đề chung, như công đoàn đại diện và tổ chức người lao động tham gia với Nhà nước xây dựng và thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chính sách, cơ chế quản lý kinh tế, chủ trương, chính sách liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động. Như vậy thấy rằng việc quy định mối quan hệ giữa các bên và những vấn đề đặt ra trong mối quan hệ có sự thống nhất trong các văn bản của luật Tổ chức Chính phủ và luật Công đoàn.

Đối với Liên minh hợp tác xã (một trong những đại diện của người sử dụng lao động trong pháp luật việt Nam). Tại Điều 45 Luật Hợp tác xã năm 2003 cũng quy định nhiều nội dung về vai trò của Hợp tác xã trong lĩnh vực lao động, trong đó có mối quan hệ với các bên.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, tại Điều 4 về Tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định, việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức khác, cơ quan nhà nước và cá nhân có quyền tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản quy

phạm pháp luật. Như vậy có thể hiểu trong các tổ chức này thì cũng có sự tham gia của tổ chức công đoàn, Liên minh các hợp tác xã…tham gia vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói chung, quy định pháp luật lao động nói riêng.

Nghị định 145/2004/NĐ-CP ngày 14/7/2004 quy định chi tiết thi hành Bộ luật lao động về việc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và đại diện của người sử dụng lao động tham gia với cơ quan Nhà nước về chính sách, pháp luật và những vấn đề có liên quan đến quan hệ lao động. Đây là văn bản pháp luật quy định rõ nhất về cơ chế ba bên trong lĩnh vực lao động ở Việt Nam, từ việc tham gia ý kiến của các bên trên nguyên tắc, hợp tác, dân chủ, bình đẳng, khách quan và tôn trọng ý kiến, quyền lợi của các bên nhằm bảo đảm hài hoà lợi ích của các bên và phát triển quan hệ lao động lành mạnh, góp phần vào sự phát triển bền vững nền kinh tế đất nước (điều 2). Về những nội dung, tham gia ý kiến, cũng được quy định khá rõ, như việc tham gia ý kiến, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về lao động, đề xuất các biện pháp giải quyết các cuộc đình công liên quan đến nhiều người lao động (điều 3), hình thức tham gia ý kiến bằng văn bản, tổ chức hội nghị các bên (điều 4). Đây là cơ sở pháp lý quan trong để cơ chế ba bên được vận hành trên thực tế.

Thông tư liên tịch của Bộ lao động – thương binh và xã hội - Tổng liên đoàn lao động Việt Nam số 04/2006/TTLT-BLĐTBXH-TLĐLĐVN ngày 21/6/2006 Hướng dẫn thi hành khoản 3 Điều 1 Nghị định số 145/2004/NĐ- CP ngày 14/7/2004 của Chính phủ quy định việc tham gia ý kiến của đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động với cơ quan Nhà nước ở cấp tỉnh trong quan hệ lao động. Thông tư này quy định một cách cụ thể về đại diện của các bên tham gia cơ chế ba bên cấp tỉnh gồm, cơ quan Nhà nước là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; đại diện người lao động là Liên đoàn lao động tỉnh; đại diện người sử dụng lao động là Chi nhánh hoặc Văn

phòng đại diện của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã cấp Tỉnh. Về phạm vi, nội dung, nguyên tắc tham gia ý kiến và trách nhiệm trong việc tham gia ý kiến của các bên được quy định tương tự trong Nghị định 145.

Bộ luật lao động của nước Cộng hoà xã hội chủ nghiã Việt Năm 1994, sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007 có nhiều điều quy định việc tham khảo ý kiến ba bên trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật về lao động như điều 57, 95, 106, 132, 150, 156, 158, 164, 181. Tại Bộ luật lao động năm 1994 quy định, người sử dụng lao động có quyền cử đại diện để thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể trong doanh nghiệp hoặc thoả ước lao động tập thể ngành; có trách nhiệm cộng tác với công đoàn bàn bạc các vấn đề về quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động (Điều 8); Chính phủ quyết định và công bố mức lương tối thiểu chung, mức lương tối thiểu vùng, mức lương tối thiểu ngành cho từng thời kỳ sau khi lấy ý kiến Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và đại diện của người sử dụng lao động (Điều 56); Chính phủ công bố thang lương, bảng lương để làm cơ sở tính các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền lương khi làm thêm giờ, làm đêm, ngừng việc, nghỉ hàng năm và các trường hợp nghỉ việc khác của người lao động sau khi lấy ý kiến Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và đại diện của người sử dụng lao động (Điều 57). Như vậy với tư cách là Bộ luật quy định những vấn đề cơ bản của lĩnh vực lao động, thì Bộ luật lao động cũng đã có rất nhiều quy định cụ thể nêu lên những vấn đề trong quan hệ ba bên, là cơ sở để các bên vận dụng trên thực tế để xây dựng môi trường lao động, quan hệ lao động hài hoà ổn định…

Nghị định số 8/1998/NĐ-CP ngày 22/1/1998 của Chính phủ ban hành Quy chế thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, khoản 5 điều 4 quy định : “Ban lãnh đạo của Hiệp hội có quyền đại diện đề xuất các

kiến nghị, biện pháp với các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp thành viên và góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh”.

Công văn số 2021/VPCP-PC ngày 27/5/1998 của Văn phòng Chính phủ quy định : “Khi Chính phủ họp bàn về các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động thì Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam được mời dự (ở địa phương cũng tương tự); hoặc khi bàn các văn bản liên quan đến doanh nghiệp đều phải lấy ý kiến các doanh nghiệp thông qua phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam ”.

Quyết định 68/2007/QĐ-TTg ngày 17/5/2007 của Thủ tướng chính phủ về việc thành lập Uỷ ban quan hệ lao động, quy định, việc thành lập Ủy ban Quan hệ lao động, uỷ ban này có chức năng tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng quan hệ lao động lành mạnh; xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan, tổ chức liên quan trong việc phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, đình công. Quyết định cũng đã quy định cụ thể nhiệm vụ của Ủy ban Quan hệ lao động là, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, cơ chế, chính sách liên quan đến quan hệ lao động; những biện pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện chủ trương, chính sách về quan hệ lao động. Quyết định cũng quy định về cơ cấu của Ủy ban Quan hệ lao động, gồm thành phần Chủ tịch Ủy ban là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch là Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Ủy viên của Ủy ban, là đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Với việc ban hành quyết định này, thì Ủy ban Quan hệ lao động được coi là cơ quan ba bên trong

quan hệ hợp tác ba bên, đây là sự ghi nhận một cách rõ nét vai trò, vị trí của quan hệ ba bên trong lĩnh vực lao động ở Việt Nam. Tuy nhiên uỷ ban này nhiệm vụ mới chỉ được ghi nhận ở việc tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, cơ chế, chính sách liên quan đến quan hệ lao động; những biện pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện chủ trương, chính sách về quan hệ lao động. Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận, đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định ở Việt Nam.

Nghị định 18/CP Ngày 26 tháng 12 năm 1992 của Chính phủ Ban hành quy định về thoả ước lao động tập thể có ghi nhận, thoả ước lao động tập thể là sự thoả thuận bằng văn bản giữa đại diện tập thể người lao động và người sử dụng lao động về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của hai bên trong quan hệ lao động. Nghị định 18/CP cũng quy định về phạm vi được áp dụng, ở các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế kể cả doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang có quan hệ lao công ăn lương có tổ chức Công đoàn, tổ chức của người lao động hoặc ban đại diện của tập thể người lao động. Về thành phần đại diện cho hai bên ký kết thoả ước tập thể được quy định rõ ràng, đại diện của mỗi bên ngang nhau và do hai bên thoả thuận. Về đại diện thương lượng của tập thể người lao động là Ban chấp hành công đoàn cơ sở đối với nơi có trên 50% số người lao động trong doanh nghiệp là đoàn viên công đoàn. Về đại diện thương lượng của người sử dụng lao động là, Giám đốc doanh nghiệp, người được Giám đốc doanh nghiệp uỷ quyền hoặc theo điều lệ tổ chức của doanh nghiệp.

Có thể nhận thấy từ văn bản có tính pháp lý cao nhất là Hiến pháp cho tới các văn bản quy phạm pháp luật của Việt nam có rất nhiều quy định về việc thực hiện cơ chế ba bên ngay trong điều 10 của Hiến pháp ta đã thấy điều đó, các văn bản luật và dưới luật cụ thể hoá Hiến pháp càng quy định chi tiết hơn như mối quan hệ, những lĩnh vực vận dụng cơ chế ba bên như tại điều 39

Luật tổ chức Chính phủ quy định khá rõ về sự tham gia của đại diện các bên trong việc soạn thảo chính sách pháp luật lao động, khi bàn về những vấn đề liên quan. Bên cạnh đó cũng có thể nhận thấy các quy định về chức năng nhiệm vụ của mỗi bên đại diện cũng đều đề cập tới mối quan hệ ba bên như là một việc tất yếu trong quá trình thực hiện vai trò của các bên. Như vậy về mặt pháp lý có sự ghi nhận của Nhà nước về cơ chế ba bên trong lĩnh vực lao động.

Một phần của tài liệu Những vấn đề pháp lý đặt ra từ cơ chế ba bên trong lĩnh vực lao động ở Việt Nam (Trang 33 - 39)