Tổ chức đại diện của những người sử dụng lao động: Trong hệ thống chủ thể của quan hệ lao động, người sử dụng hoặc đại diện của họ có một vị trí, vai trò rất quan trọng, là một chủ thể không thể thiếu trong các quy định của luật lao động. Với chức năng, nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động. Việc xác lập các tổ chức đại diện người sử dụng lao động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự do liên kết.
Đại diện của người sử dụng lao động là vấn đề đã được đề cập đến trong các văn bản pháp luật ngay từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Sau này, trong những năm tồn tại nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, do vấn đề nhận thức về giai cấp và đấu tranh giai cấp thời kỳ này mà vấn đề đại diện của người sử dụng lao động trở nên mờ nhạt. Khi Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước và tăng cường hội nhập quốc tế, thì việc quy định về quyền của đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động lại được quan tâm. Rõ nét nhất là việc quy định vị trí của đại diện người sử dụng lao động trong Bộ luật Lao động.
Tổ chức đại diện người sử dụng lao động có vai trò quan trọng trong lĩnh vực lao động. Những vai trò đó thể hiện qua những nội dung chủ yếu sau đây:
- Tổ chức đại diện người sử dụng lao động là đại diện cho một bên của quan hệ lao động. Tư cách đại diện đó tạo ra cho chính bản thân các tổ chức đại diện người sử dụng lao động những khả năng để thống nhất quan điểm đối với vấn đề sử dụng lao động.
- Tổ chức đại diện người sử dụng lao động là “cầu nối” giữa người lao động và người sử dụng lao động trong các quan hệ cụ thể và trong cơ chế hai bên, cơ chế ba bên nhằm hướng tới việc tăng cường đối thoại xã hội và cùng quyết định các vấn đề của lao động.
- Là chủ thể trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện các hành vi cần thiết và hợp pháp để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên của mình và bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật lao động.
- Là nhân tố thúc đẩy cạnh tranh và hợp tác trong lao động và trong quá trình sản xuất xã hội cũng như quá trình hợp tác quốc tế về lao động.
Theo quy định của pháp luật hiện hành (Nghị định số 145/2004/NĐ-CP ngày 14/7/2004 của Chính phủ), tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động có nội dung hoạt động bao gồm:
- Tham gia ý kiến đối với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước về lao động;
- Tham gia sửa đổi, bổ sung các chế độ chính sách về lĩnh vực lao động theo quy định của Bộ luật Lao động;
- Tham gia cải cách thủ tục hành chính trong quản lý lao động;
- Đề xuất các biện pháp giải quyết các cuộc đình công liên quan đến nhiều người lao động;
- Tham gia, báo cáo thực hiện các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế;
- Những vấn đề khác theo yêu cầu của Chính phủ và các bên theo quy định của pháp luật.
Tổ chức đại diện của người sử dụng lao động do những người sử dụng lao động lập ra, để đại diện cho người sử dụng lao động tham gia vào các quan hệ lao động và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người sử dụng lao động. Ở Việt Nam hiện nay có nhiều tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động, nhưng những tổ chức này thường được lập ra theo từng ngành, từng hiệp hội như Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội các doanh nghiêp vừa và nhỏ Việt Nam...Đến nay chưa có một tổ chức nào thực sự là đại diện theo đúng nghĩa của cộng đồng người sử dụng lao động ở Việt Nam.
Theo Nghị định 145 ngày 14/7/2004 thì đại diện bên người sử dụng lao đông gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam (VCA). Trong quá trình hoạt động thực tế cho thấy hai cơ quan này chưa thể đại diện hoàn toàn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt nam vì vậy khi ban hành Quyết định 68/2007/QĐ-TTg ngày 17/5/2007 về việc thành lập Uỷ ban quan hệ lao động ngoài hai cơ quan trên thì Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cũng được coi là cơ quan đại diện của bên sử dụng lao động.
Nghị định số 8/1998/NĐ-CP ngày 22/1/1998 của Chính phủ ban hành Quy chế thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, khoản 5 điều 4 quy định, Ban lãnh đạo của Hiệp hội có quyền đại diện đề xuất các kiến nghị, biện pháp với các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam.
Theo Luật Hợp tác xã năm 2003, điều 45 quy định, Liên minh hợp tác xã có các chức năng, đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã thành viên; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về hợp tác xã; đại diện cho hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã trong quan hệ hoạt động phối hợp của các thành viên với các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Nhà nước tạo điều kiện để liên minh hợp tác xã ở trung ương và địa phương hoạt động theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định cụ thể mối quan hệ công tác giữa liên minh hợp tác xã với chính quyền các cấp.
VCCI là một tổ chức độc lập, phi chính phủ, phi lợi nhuận, có tư cách pháp nhân và tự chủ về mặt tài chính. Điều lệ VCCI năm 2003 quy định VCCI là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng lao động, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam.
VINASME là tổ chức xã hội nghề nghiệp lớn quy tụ và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài...
Các cơ quan trên đây được Nhà nước thừa nhận là cơ quan đại diện cho bên sử dụng lao động tham gia vào cơ chế ba bên, đặc biệt trong số đó là liên minh hợp tác xã, đây là thành phần kinh tế tập thể mà chức năng của nó được quy định bằng các quy định của luật một cách cụ thể (Luật Hợp tác xã). Còn các thành phần còn lại hoạt động tuân theo luật pháp chung và điều lệ của hội.