Theo IAS 16 sau ghi nhận một bất động sản, nhà xưởng hay thiết bị nếu có thể xác định được giá trị hợp lý của nó một cách đáng tin cậy thì giá trị của nó có thể được ghi nhận theo giá đánh giá lại. Giá đánh giá lại bằng giá trị hợp lý tại thời điểm đánh giá lại trừ đi bất kỳ khoản khấu hao lũy kế nào sau ngày đánh giá lại và trừ đi bất kỳ khoản lỗ do giảm giá trị tài sản nào sau ngày đánh giá lại.
Giá trị còn lại = Giá trị hợp lý tại thời điểm đánh giá lại - Khấu hao lũy kế - Tổn thất lũy kế do tài sản giảm giá trị
Giá trị hợp lý của đất đai, nhà cửa thường được xác định theo những chứng cứ có cơ sở thị trường được hình thành từ những đánh giá bởi những nhà đánh giá chuyên nghiệp. Giá trị của nhà xưởng và thiết bị thường là giá trị thị trường của chúng, tần suất của việc đánh giá lại phụ thuộc vào sự thay đổi trong giá trị hợp lý của bất động sản, nhà xưởng hay thiết bị được đánh giá lại. Khi giá trị hợp lý của một tài sản được đánh giá lại khác biệt lớn với giá trị còn lại của nó thì cần có thêm một lần đánh giá lại. Một vài bất động sản, nhà xưởng và thiết bị có thể có sự biến động lớn và thất thường trong giá trị hợp lý do đó cần thiết phải đánh giá lại giá trị của các tài sản này hàng năm. Việc đánh giá lại một cách thường xuyên các tài sản
mà chỉ có sự thay đổi nhỏ trong giá trị hợp lý là không cần thiết. Tuy nhiên, vẫn cần đánh giá lại các tài sản đó từ ba đến năm năm một lần.
Ưu điểm của phương pháp đánh giá lại là phản ánh một cách chính xác giá trị còn lại của tài sản. So sánh giá trị còn lại xác định theo phương pháp này với giá trị còn lại theo phương pháp giá gốc sẽ giúp doanh nghiệp có cơ sở đánh giá và xem xét các chính sách quản lý và sử dụng TSCĐ hữu hình phù hợp.
Nhược điểm của phương pháp này là việc xác định giá trị của tài sản tương đương với tài sản hiện có của doanh nghiệp là không đơn giản, tạo ra sự biến động liên tục số liệu về TSCĐ hữu hình có thể gây khó khăn cho công tác quản lý và kế toán. Thêm vào đó, việc đánh giá lại chỉ có thể thực hiện khi doanh nghiệp có thể thu thập được các thông tin thị trường đáng tin cậy về giá trị của tài sản. Vì thế phương pháp này thường được sử dụng kết hợp với phương pháp giá gốc và có tác dụng trong các trường hợp góp vốn, nhận vốn góp bằng TSCĐ hữu hình, sát nhập, giải thể hay thay đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp.
2.2.1.4. Khấu hao TSCĐ hữu hình