TOÁN QUỐC TẾ
3.2.3. Nhân tố về hệ thống luật
Việt Nam là một nước theo hệ thống luật dân sự khác với các nước theo luật chung. Luật pháp được tổ chức và sử dụng rất khác biệt giữa hai hệ thống, trong các nước theo luật dân sự nhìn chung sự bảo vệ quyền cổ đông và yêu cầu về tính minh bạch của thông tin thấp hơn trong các nước theo luật chung. Chuẩn mực kế toán quốc tế được phát triển phù hợp với hệ thống luật và các yêu cầu của các nước theo luật chung. Chuẩn mực kế toán Việt Nam được xây dựng phù hợp với đặc điểm hệ thống luật và yêu cầu của một nước theo luật dân sự.
Do vậy, việc xây dựng các chuẩn mực kế toán cũng khác nhau giữa hai hệ thống, sự khác nhau này không phải là quan trọng và trực tiếp dẫn đến việc áp dụng có chọn lọc chuẩn mực kế toán quốc tế. Tuy nhiên, nó có một số ảnh hưởng gián tiếp như đã nêu ở trên.
Hệ thống kế toán được phân chia thành các khu vực tạo điều kiện cho mọi đối tượng thực hiện kế toán và tổ chức công tác kế toán tại từng đơn vị, đồng thời cũng là công cụ để Nhà nước thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát thông qua lập, trình bày, công bố báo cáo tài chính góp phần tích cực trong việc thực hiện công tác kiểm toán, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thu nộp ngân sách Nhà nước. Luật Kế toán và các văn bản pháp luật về kế toán đã góp phần tạo điều kiện hoàn thiện cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, các quy định và chế độ kế toán được bổ sung, sửa đổi phù hợp với hội nhập quốc tế, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài có được thông tin cần thiết để quyết định tham gia các hoạt động đầu tư, phát triển thị trường tài chính cũng như dịch vụ về kế toán...
Kết luận
Việc áp dụng có chọn lọc hay sửa đổi chuẩn mực kế toán quốc tế tại các quốc gia khác nhau là để phù hợp với bối cảnh cụ thể của mỗi quốc gia. Kế toán ra đời và phát triển theo những đặc điểm và sự phức tạp trong hoạt động kinh tế của mỗi nước.
Ý tưởng của Uỷ ban chuẩn mực kế toán quốc tế về việc “toàn cầu hoá” hoạt động kế toán thông qua việc xây dựng, phát triển và phổ biến một hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Hơn bao giờ hết lợi ích, chi phí và bất lợi của việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế được quan tâm, nghiên cứu và bàn luận rất nhiều ở các nước phát triển. Việc áp dụng toàn bộ chuẩn mực kế toán quốc tế có thể dẫnđến nhiều bất lợi và chi phí hơn là lợi ích. Hơn nữa, lại liên quan đến vấn đề chính trị vì quốc gia mất sự tự chủ trong việc xây dựng các chuẩn mực kế toán.
Vậy trong bối cảnh đó, việc Việt Nam áp dụng có chọn lọc chuẩn mực kế toán quốc tế đã là một sự lựa chọn đúng đắn. Không có một hệ thống chuẩn mực kế toán nào là tốt nhất cho tất cả các nước, kể cả chuẩn mực kế toán quốc tế. Hệ thống chuẩn mực kế toán quốc gia cần phải xây dựng và chủ yếu là trên cơ sở phù hợp với đặc điểm xã hội, chính trị, kinh tế của đất nước và trên cơ sở áp dụng được chuẩn mực kế toán quốc tế càng nhiều càng tốt.
Để xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam hiệu quả, các nhà soạn thảo chuẩn mực kế toán Việt Nam nên đi theo định hướng này. Cần thiết phải có sự nghiên cứu để hiểu biết sâu hơn về bối cảnh xã hội, chính trị, kinh tế của đất nước và nên nắm bắt tốt hơn những thay đổi của đất nước những năm gần đây để xây dựng thêm và cập nhật các chuẩn mực kế toán hiện hành.