Intimex trên địa bàn Hà Nội
Như đã giới thiệu ở phần đầu của luận văn, cơ cấu tổ chức của Công ty Cổ phần Intimex Việt Nam chia thành khối các Ban quản lý, khối các Ban kinh doanh, khối các đơn vị trực thuộc và khối các công ty con và công ty liên kết. Với giới hạn đề tài này chỉ nghiên cứu cơ cấu tổ chức và phân quyền của Công ty Cổ phần Intimex Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội bao gồm 15 ban trực thuộc Văn phòng Công ty bao gồm: khối các Ban quản lý (6 tiểu ban), khối các Ban kinh doanh (4 tiểu ban) và hệ thống siêu thị Intimex ở Hà Nội (5 siêu thị).
Trong năm 2009, cùng với việc CPH thì công tác cán bộ cũng được bố trí, sắp xếp, điều động cho phù hợp. Trên cơ sở kế thừa từ khối văn phòng đến các đơn vị trực thuộc, mặc dù đã có nhiều thay đổi theo hướng hợp lý hóa song cơ cấu tổ chức và phân quyền tại Công ty Cổ phần Intimex nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập và hạn chế cần phải giải quyết.
Về cơ cấu tổ chức, mô hình tổ chức của Công ty Cổ phần Intimex trên địa bàn Hà Nội là mô hình hỗn hợp, là sự kết hợp của mô hình tổ chức trực tuyến và chức năng.
Tuy nhiên với cơ cấu tổ chức này lãnh đạo công ty lại phải giải quyết thường xuyên mối quan hệ giữa các phòng ban và khối lượng công việc của ban lãnh đạo là khá lớn.
Các phòng ban được xây dựng khá đầy đủ, chuyên môn hóa các chức năng song sự phối hợp giữa các phòng ban trong Công ty chưa chặt chẽ, mỗi phòng ban lại quá tập trung vào mục tiêu riêng của mình tạo ra khó khăn trong việc hợp tác và truyền thông. Thêm nữa, Công ty lại chưa có cơ chế quản lý phù hợp, chưa xây dựng được một hệ thống các quy chế hoàn chỉnh để định hướng hoạt động cho toàn thể Công ty.
Về phân quyền, Công ty tiến hành phân quyền theo chức năng, mỗi Ban trong Công ty sẽ có phạm vi quyền hạn tương ứng để thực hiện công việc, nhiệm vụ của mình. Song trên thực tế, hiện tại quyền lực lại đang tập trung quá lớn vào ban lãnh đạo, vào Tổng giám đốc của Công ty. Việc này làm gia tăng áp lực công việc cho nhà quản trị cấp cao, vừa không thể tập trung cao cho công tác chiến lược lại vừa phải đưa ra quá nhiều quyết định làm ách tắc công việc. Trong khi đó, các nhà quản trị cấp thấp hơn lại thiếu đi điều kiện để phát huy tính chủ động, sang tạo cũng như thể hiện tinh thần trách nhiệm trong công việc.