- Năm 1987, tác giả Bùi Hữu Kỷ và Đỗ Hồng Hải đã thực hiện đề tài ‘‘Thử nghiệm khai thác tôm bằng lưới rê 3 lớp”. Đề tài sử dụng 2 lưới có kích thước như nhau nhưng 1 lưới có lắp chao chì và một lưới không lắp chao chì. Kích thước mắt lưới lớp trong 2a = 46 - 48mm, sợi PA 110D/3, chiều cao 70 mắt, chiều dài 2000 mắt; kích thước mắt lưới lớp ngoài 2a = 320 - 340mm, sợi PA 210D/6, chiều cao 7 mắt, chiều dài 200 mắt. Kết quả thử nghiệm cho thấy hai lưới có sản lượng khai thác tương đương nhau nhưng lưới có chao chì ít bị rách hơn [5].
- Năm 1987, tác giả Nguyễn Long đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu khai thác mực nang bằng lưới rê 3 lớp”. Đề tài đã thử nghiệm loại lưới rê 3 lớp với kích thước mắt lưới lớp trong 2a = 80 mm, vật liệu PA210D/6 và lớp ngoài có kích thước mắt lưới 2a = 320 mm, vật liệu sử dụng là Kapron 10,7/3; chiều cao lưới 3 m. Kết quả nghiên cứu cho thấy năng suất khai thác mực nang của ngư cụ đạt được rất tốt và đã được nhân rộng và phát triển trên toàn quốc [10].
- Năm 1992, tác giả Nguyễn Long đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu sử dụng lưới rê 3 lớp khai thác một số loài cá biển kinh tế”. Đề tài đã nghiên cứu sử dụng lưới rê 3 lớp với chiều cao lưới H = 2,2m; H = 2,6m và H = 8,2m; chiều dài mỗi tấm lưới là 50m. Kích thước mắt lưới của tấm lưới trong 2a = 42mm; 52mm; 62mm và 80 -
82mm. Kích thước mắt lưới của tấm lưới ngoài 2a = 300mm và 400mm. Vật liệu chỉ lưới được sử dụng đối với lưới lớp trong là cước sợi đơn d = 0,18 mm và lưới lớp ngoài là cước sợi đơn d = 0,35 mm. Kết quả nghiên cứu cho thấy kích thước mắt lưới 2a = 52 mm cho kết quả tốt nhất và chiều cao lưới rê 3 lớp khai thác cá tốt nhất nên nhỏ hơn 3m [11].
- Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Văn Trung về lưới rê năm 2003 ở tỉnh Quảng Ninh cho thấy, nghề rê trôi tầng đáy, chiều dài vàng lưới 4.000 – 6.000 m, chiều dài một cheo là 55m, chiều cao kéo căng H0 = 5m, kích thước mắt lưới 2a = 80 mm, độ thô chỉ lưới d = 0,2- 0,3 mm, vật liệu là cước sợi đơn. Nghề rê ba lớp, chiều dài L = 1.000 – 2.000m, mỗi cheo dài 48 m, chiều cao kéo căng H0 = 2 m, kích thước mắt lưới lớp trong 2a = 50 mm, lớp ngoài 2a = 360 mm, độ thô chỉ lưới lớp trong d = 0,2 mm, chuyên đánh bắt tôm, ghẹ, cá đáy [15].
- Năm 2005, tác giả Lê Trung Kiên thực hiện đề tài “Nghiên cứu nghề lưới rê đáy ở Đồ Sơn - Hải Phòng”. Kết quả nghiên cứu thử nghiệm nghề lưới rê trôi tầng đáy khai thác ở khu vực Vịnh Bắc Bộ có cấu kích thước mắt lưới 2a = 56 mm, vật liệu PA Mono Ø0,35; hệ số rút gọn U1 = 0,52; chiều dài 01 cheo 38,4 m đạt lợi nhuận trung bình chuyến biển 7 ngày đạt từ 12 - 14 triệu đồng/chuyến [9].
- Năm 2000 - 2003, tác giả Đào Mạnh Sơn đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thăm dò nguồn lợi hải sản và lựa chọn công nghệ khai thác phù hợp phục vụ nghề cá xa bờ Việt Nam”. Kết quả nghiên cứu về cải tiến lưới rê đã cho kết quả sau:
+ Đề tài đã sử dụng lưới rê trôi tầng mặt với 5 loại kích thước mắt lưới khác nhau (2a = 73mm, 85mm, 100mm, 123 mm và 150mm) để tiến hành nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy cỡ mắt lưới 2a = 100mm và 2a = 123mm cho năng suất đánh bắt cao nhất.
+ Năng suất khai thác trung bình của các loại lưới như sau: lưới 2a = 100mm đạt 44,3kg/km; 2a = 123mm đạt 44,7kg/km; 2a = 150mm đạt 23,2kg/km; 2a = 73mm đạt 22,3kg/km; 2a = 85mm đạt 31,1kg/km. Ngoài ra, đề tài còn sử dụng loại lưới 2a = 100mm đánh chìm, năng suất khai thác trung bình đạt 34,4kg/km [12].
- Năm 2008 – 2009, kết quả nghiên cứu đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu cải tiến, ứng dụng nghề lưới rê hỗn hợp khai thác một số đối tượng có giá trị kinh tế cao (cá thu, ngừ, chim, hồng, dưa, song,…) ở vùng biển xa bờ”. Đã tính toán thiết kế, cải tiến được
mẫu lưới rê hỗn hợp khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao, tốt hơn hẳn so với các mẫu lưới rê hỗn hợp và mẫu lưới rê truyền thống đang được ngư dân sử dụng. Quá trình nghiên cứu đã đưa đến các kết quả sau:
+ Lưới thiết kế sử dụng 3 kích thước mắt lưới (2a = 125; 160 và 180mm) với hệ số rút gọn giềng phao là 0,59 và giềng chì là 0,7.
+ Kết quả là năng suất khai thác chung của mẫu lưới rê hỗn hợp cải tiến cao hơn so với lưới đối chứng từ 1,06 - 2,06 lần. Năng suất khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao (cá thu vạch) của lưới thiết kế cải tiến cao hơn lưới đối chứng từ 1,13 - 2,6 lần (tuỳ theo khu vực).
+ Kích thước khai thác của các đối tượng khai thác chính thu được khá lớn và đều lớn hơn so với quy định về kích cỡ khai thác. Trọng lượng bình quân của cá thu vạch khai thác ở khu vực miền Trung của lưới thiết kế cao gấp từ 1,5 - 2,1 lần so với lưới đối chứng [14].
- Theo số liệu điều tra của Chu Đình Hiển (2014) về nghề lưới rê ở huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh cho kết quả như sau:
+ Lưới rê đơn đối tượng khai thác chính là khai thác ghẹ, kích thước mắt lưới và chiều dài vàng lưới rê đơn có xu hướng tăng dần theo nhóm công suất tàu và sử dụng kích thước mắt lưới 2a = 80 – 100 mm. Lưới rê đơn khai thác cá đáy sử dụng kích thước mắt lưới 2a = 50 – 70 mm.
+ Lưới rê 3 lớp đối tượng khai thác chủ yếu là cá đáy, ghẹ, tôm và kích thước mắt lưới lớp trong dao động 2a = 55 – 65 mm. Đội tàu công suất <50 cv, lưới rê 3 lớp chủ yếu khai thác tôm, cá đáy và kích thước mắt lưới lớp ngoài 2a = 360 – 400 mm. Đội tàu công suất ≥50 cv, lưới rê 3 lớp khai thác mực nang, cá đáy và kích thước mắt lưới lớp ngoài từ 2a = 400 – 560 mm.
+ Tỷ lệ % kích cỡ khai thác một số đối tượng chính nhỏ hơn kích thước khai thác cho phép, chiếm từ 71 – 91% tổng sản lượng khai thác [7].
- Năm 2008, tác giả Vũ Duyên Hải đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Đánh giá trình độ công nghệ khai thác hải sản xa bờ”. Kết quả nghiên cứu về hiệu quả kinh tế của nghề lưới rê cho thấy:
Năng suất khai thác trung bình của lưới rê đạt 9,09 tấn/người/năm, tương ứng giá trị đạt 78,61 triệu đồng/người/năm. Doanh lợi theo vốn đầu tư có xu hướng tỷ lệ thuận với công suất máy tàu. Chỉ tiêu doanh lợi theo chi phí, vốn đầu tư và doanh thu nghề lưới rê trung bình tương ứng đạt 23,86%; 30,10%; 16,15% có xu hướng giảm ở một số tỉnh so với năm 1997, 1999. Tuy vậy, lợi nhuận của nghề lưới rê vẫn cao hơn so với các ngành sản xuất khác của nền kinh tế, đạt ở mức rất tốt theo chuẩn của FAO. Doanh lợi nghề lưới rê theo vốn đầu tư nước ta cao hơn tàu lưới rê của Xê nê gan và nhóm tàu có chiều dài 15m của Nauy, nhưng thấp hơn nhóm tàu 10m của Nauy [6].
- Năm 2011, tác giả Nguyễn Văn Kháng thực hiện đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ cho việc điều chỉnh cơ cấu đội tàu và nghề nghiệp khai thác hải sản”. Kết quả nghiên cứu về hiệu quả kinh tế của các đội tàu khai thác hải sản trên toàn quốc cho thấy:
+ Vốn đầu tư cho nghề lưới kéo, lưới rê, nghề câu, nghề khác trên dưới 500 triệu đồng và nghề lưới vây trên dưới 1 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là vốn tự có chiếm 80- 90%; vốn đầu tư tàu thuyền và ngư cụ chiếm từ 70-86% tổng giá trị đầu tư nghề nghiệp. + Vốn đầu tư đội tàu khai thác hải sản tăng dần theo công suất tàu. Đội tàu công suất dưới 20cv, vốn đầu tư từ 41,1- 58,2 triệu đồng; đội tàu công suất trên 250cv, từ 824,3 - 964,6 triệu đồng. Tỷ trọng vốn đầu tư tàu thuyền và ngư cụ chiếm từ 70-86% tổng giá trị đầu tư đơn vị nghề.
+ Lợi nhuận trung bình/năm của đội tàu tăng dần theo nhóm công suất tàu. Lợi nhuận của nhóm tàu dưới 20cv đạt từ 33,7-44,4 triệu đồng; nhóm tàu từ 20-490cv đạt từ 46,5-88,7 triệu đồng; nhóm tàu từ 50-890cv đạt từ 88,7-156,4 triệu đồng; nhóm tàu từ 90-249cv đạt từ 106,5 -159,3 triệu đồng và nhóm tàu ≥250cv đạt từ 136,9 - 159,9 triệu đồng.
+ Chi phí nhiên liệu đội tàu khai thác hải sản chiếm từ 67,9-72,2% tổng chi phí chuyển biển. Đội tàu khai thác hải sản có công suất máy ≥90cv hiệu quả kinh tế tốt hơn so với những đội tàu còn lại. Nghề lưới rê cho thu nhập ổn định so với nghề khác.
+ Khó khăn lớn nhất của nghề khai thác hải sản là chi phí sản xuất ngày càng tăng và nguồn lợi suy giảm. Ngoài ra, còn có khó khăn khác như thiếu vốn, thiếu lao động, giá tiêu thụ sản phẩm không ổn định,...[8]