Hải quan Hà Tĩnh
2.3.2.1.1. Cơ hội
a. Xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, thương mại thế giới
Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO vào ngày 07/11/2006 đồng nghĩa với việc công tác quản lý của Việt Nam nói chung và của ngành Hải quan Việt Nam nói riêng phải triển khai thực hiện hàng loạt các cam kết có liên quan trong WTO. Có thể nói đây chính là dịp để Hải quan Việt Nam thực hiện một cách đồng bộ và đầy đủ những cam kết quốc tế về hải quan, với những chuẩn mực và thông lệ tiên tiến nhất của thế giới.
Bên cạnh đó, với việc gia nhập WTO, Hải quan Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác với hải quan các nước, tăng cơ hội hợp tác nhiều mặt và học tập kinh nghiệm quản lý hải quan hiện đại của các nước và của các tổ chức quốc tế. Thông qua đó, Hải quan Việt Nam sẽ có cơ hội để tăng cường và nâng cao khả năng quản lý của mình, bắt kịp các yêu cầu quản lý hải quan hiện đại. Việc này hết sức có ý nghĩa đối với tiến trình hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam nói chung và quá trình thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại Việt Nam nói riêng [k].
Mặt khác, với sự bùng nổ phát triển công nghệ thông tin một cách mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực của khoa học và đời sống như hiện nay thì việc ứng dụng những tiến bộ đó vào sản xuất kinh doanh cũng là một điều tất yếu. Có thể nói rằng thương mại điện tử với nhiều ưu thế nổi bật đang có xu hướng thay thế dần phương thức kinh doanh cũ. Điều này dẫn đến các phương thức quản lý cũng phải có sự thay đổi phù hợp với xu thế của thời đại.
b. Sự quan tâm của Chính phủ trong việc phát triển CNTT ở Việt Nam
Chính phủ Việt Nam đang trên đường thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cũng đã xác định công nghệ thông tin là một trong những động lực quan trọng nhất góp phần phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Chính phủ Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu và kế hoạch đưa Việt Nam thành một đất nước công nghệ thông tin tiên tiến vào năm 2020. Vì vậy, trong năm 2010 Chính phủ đã triển khai “Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông” và ban hành Chương trình hành động về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, ứng dụng CNTT để hiện đại hóa các lĩnh vực hạ tầng kinh tế - xã hội và xây dựng kết cấu hạ tầng thông minh cho sự phát triển hiện đại [11].
c. Quyết tâm của Chính phủ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh trong việc cải cách thủ tục hành chính
Ngày 08 tháng 11 năm 2011, Chính phủ đã ra Nghị Quyết ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 với các mục tiêu đặt ra là:
- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.
- Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong việc tuân thủ thủ tục hành chính.
- Xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương tới cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tăng tính dân chủ và pháp quyền trong hoạt động điều hành của Chính phủ và của các cơ quan hành chính nhà nước.
- Bảo đảm thực hiện trên thực tế quyền dân chủ của nhân dân, bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, của đất nước.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước
Để triển khai thực hiện một cách có hiệu quả các mục tiêu mà Chính phủ đề ra trong việc cải cách thủ tục hành chính, ngày 29/02/2012 UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ra Quyết định Ban hành chương trình tổng thể cải cách Hành chính Nhà Nước Tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2012 - 2020. Một trong những mục tiêu mà UBND tỉnh Hà Tĩnh đặt ra trong Quyết định này là “Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng nguồn nhân lực có trình độ, phẩm chất, năng lực và chuyên sâu; tiến tới xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu của công dân, tổ chức, doanh nghiệp; quản lý Nhà Nước theo hướng Chính Phủ điện tử”.
Trong Nghị Quyết và Quyết định nói trên, Chính phủ và UBND Tỉnh Hà Tĩnh đều chú trọng đến nhiệm vụ hiện đại hóa nền hành chính. Theo đó, Chính Phủ đã đặt ra nhiệm vụ “đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông trong hoạt động cơ quan hành chính Nhà nước” để đạt mục tiêu đến năm 2020 có 90 các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử; cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc; bảo đảm dữ liệu điện tử phục vụ hầu hết các hoạt động trong các cơ quan; hầu hết các giao dịch của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trên môi trường điện tử, mọi lúc, mọi nơi, dựa trên các ứng dụng truyền thông đa phương tiện. UBND Tỉnh Hà Tĩnh cũng đề ra nhiệm vụ tiếp tục đổi mới phương thức làm việc và nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước để đạt mục tiêu bảo đảm sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của Cơ quan hành chính Nhà nước đạt mức trên 90 vào năm 2020.
Ngoài ra, trong bối cảnh triển khai công cuộc cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã xác định trọng tâm của công tác cải cách thủ tục hành chính ngành Hải quan là cải cách thủ tục hải quan theo hướng đơn giản hóa, áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại thông qua việc nội luật hóa các chuẩn mực, thông lệ và các cam kết quốc tế, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) [26.f, 26.g].