Ban hành văn bản (quyết định, bản án) áp dụng pháp luật

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Áp dụng pháp luật về phân chia di sản thừa kế theo pháp luật của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao ở Việt Nam ppt (Trang 27 - 29)

Ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật hay nói cụ thể là việc ban hành bản án, quyết định là giai đoạn trung tâm có ý nghĩa quan trọng trong cả quá trình xét xử các bản án, quyết định sơ thẩm của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao. Bản án, quyết định được ban hành sau khi Hội đồng xét xử phúc thẩm đã nghiên cứu, xem xét, xác minh, đối chiếu tài liệu có trong hồ sơ qua thẩm tra, tranh luận công khai tại phiên toà có giá trị phán xét những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, của Nhà nước, tập thể. Do vậy, pháp luật luôn đòi hỏi người có thẩm quyền ban hành bản án, quyết định của toà án qua việc xét xử phải tuân thủ nghiêm ngặt các bước, các thủ tục theo đúng qui định của pháp luật.

Nghị án là một giai đoạn tiếp nối sau tranh luận và luôn luôn được thực hiện công khai. Nghị án là việc Hội đồng xét xử phúc thẩm của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao xem xét, quyết định giải quyết vụ án. Trên cơ sở kết quả của việc hỏi và tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử phúc thẩm nghị án và quyết định giải quyết các vấn đề của vụ án phúc thẩm. Nguyên tắc toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số được thực hiện xuyên suốt trong cả quá trình xét xử nhưng thể hiện rõ nhất chính là giai đoạn nghị án. Người áp dụng pháp luật phải biết tổng hợp các tình tiết của vụ án một cách chính xác và logic nhất từ việc đối chiếu các chứng cứ đã thu thập được trong hồ sơ với nhau và với các lời khai, tài liệu tại phiên toà. Chỉ khi nắm chắc các tình tiết khách quan của vụ án thì mới chọn quy phạm một cách chính xác để ban hành bản án, quyết định một cách đúng đắn. Việc xem xét đối chiếu, đánh giá các chứng cứ tài liệu đã thu thập được trong hồ sơ tiến hành công khai tại phiên toà phúc thẩm; việc xem xét, đánh giá chấp nhận hay bác bỏ ý kiến của các bên qua tranh luận tại phiên toà; việc tìm và lựa chọn quy phạm pháp luật để áp dụng được thực hiện tại phòng nghị án. Và, tại phòng nghị án, việc ra quyết định áp dụng pháp luật được thực hiện. Do đó, việc tổ chức, điều khiển phiên toà phúc thẩm không thể không tính đến việc chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để phục vụ việc nghị án của tập thể Hội đồng xét xử phúc thẩm.

Hội đồng xét xử phúc thẩm của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao, sau khi nghị án có thể ra quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm khi xét thấy kháng cáo, kháng nghị không có căn cứ pháp luật và toà án cấp sơ thẩm đã xét xử đúng; sửa một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm nếu toà án cấp sơ thẩm quyết định không đúng pháp luật trong hai trường hợp: 1.Việc chứng minh và thu thập chứng cứ đã được thực hiện đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật; 2.Việc chứng minh và thu thập chứng cứ chưa được thực hiện đầy đủ ở cấp sơ thẩm nhưng tại phiên toà phúc thẩm đã được bổ sung đầy đủ; huỷ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án và huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Căn cứ vào biên bản nghị án, Thẩm phán được giao làm chủ toạ phiên toà xét xử phúc thẩm phải có kỹ năng thể hiện nội dung của bản án sao cho khách quan, nghiêm minh, đúng pháp luật. Ngoài những nội dung bắt buộc phải có của một bản án theo quy

định của pháp luật tố tụng dân sự, người áp dụng pháp luật phải biết thể hiện nội dung lập luận, phân tích, đánh giá, nhận định bằng lời văn trong sáng, dễ hiểu.

Hội đồng xét xử phúc thẩm ra bản án phúc thẩm nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cơ cấu bản án phúc thẩm gồm ba phần: Phần mở đầu, phần nội dung vụ án, kháng cáo, kháng nghị, nhận định và phần quyết định. Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Áp dụng pháp luật về phân chia di sản thừa kế theo pháp luật của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao ở Việt Nam ppt (Trang 27 - 29)