Mục tiêu, ý nghĩa:
Chất lượng giáo dục là đích cuối của hoạt động giáo dục, quản lý chất lượng giáo dục tốt là hoạt động giáo dục thành công và đạt hiệu quả cao.
Quản lý chất lượng giáo dục trong nhà trường PTDTBT phải đảm bảo tính khoa học, khách quan và đồng bộ, phù hợp với đặc điểm học sinh dân tộc vùng đặc biệt khó khăn. Quản lý chất lượng trong trường PTDTBT chính là quản lý các hoạt động giáo dục, trong quản lý phải đảm bảo tính linh hoạt và hiệu quả. Tạo môi trường học tập thân thiện, tích cực cho các em để các em học sinh có hứng thú và yên tâm học tập.
Quản lý chất lượng giáo dục học sinh theo qui trình quản lý giáo dục. Đảm bảo công tác giảng dạy theo chương trình, việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh đảm bảo khách quan, công bằng và chính xác. Rèn luyện thói quen và kỹ năng học tập cho học sinh, thường xuyên giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục lao động và sinh hoạt tập thể.
Đặc biệt chú ý đến giáo dục học sinh trong môi trường tập thể thông qua giáo dục ý thức, trách nhiệm với tập thể. Do HS tuổi còn nhỏ đã phải xa gia đình nên nhà trường phải xây dựng môi trường tập thể tốt như sự đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong tập thể.
Hàng tuần tổ chức buổi nói chuyện vào tối thứ hai, các thầy cô giáo, cán bộ quản lý, các em học sinh khá, giỏi kể những câu chuyện có ý nghĩa giáo dục cao, gần gũi với cuộc sống sinh hoạt của các em để qua đó giáo dục nhân cách, bồi dưỡng tiếng Việt cho học sinh dân tộc.
Xây dựng qui chế thi đua với nhiều hình thức như đôi bạn cùng tiến, phòng ở lưu trú điển hình, tổ học tập tốt, lớp tiên tiến…từ đó tạo không khí thi đua sôi nổi trong tập thể học sinh để các em hoà đồng và chia sẻ với nhau, cùng động viên nhau học tập tốt.
Quản lý tài chính công khai, minh bạch. Thực đơn trong bữa ăn hàng tuần của học sinh cần có sự bàn bạc của học sinh trong buổi sinh hoạt lớp và được công khai hàng ngày về giá tiền và thực đơn.
Ban chỉ đạo địa phương, CBQL, GV thường xuyên thăm hỏi động viên các em đồng thời lắng nghe ý kiến tâm sự và nhu cầu về điều kiện CSVC phục vụ sinh hoạt của các em ở lưu trú. Qua đó có ý kiến chỉ đạo và điều chỉnh cho phù hợp để tạo điều kiện và môi trường học tập thuận lợi nhất cho học sinh.
Công tác quản lý cơ sở vật chất cần giao cụ thể cho người sử dụng có trách nhiệm quản lý. Hàng tuần học sinh tổ chức lao động vệ sinh trường lớp, bếp ăn và xắp xếp, bảo quản trang thiết bị học tập.
- Các trường tận dụng sức lao động sẵn có và nguồn thực phẩm dư, tổ chức hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp cây, con giống cho học sinh trồng rau, nuôi lợn, thả cá ... để cải thiện bữa ăn hàng ngày cho các em. Thông qua lao động, giáo dục và hình thành nhân cách học sinh, tránh tư tưởng ỷ lại hoàn toàn vào sự hỗ trợ của nhà nước.
* Rèn thói quen, kỹ năng và phương pháp tự học
Nhiều giáo viên cho rằng chỉ cần học sinh cố gắng học là có thể đạt kết quả tốt, nhưng thật ra điều đó chưa đủ bởi vì nếu học sinh chỉ có sự cần cù chăm chỉ mà chưa có kỹ năng tự học và biết cách tự học có hiệu quả thì cũng chưa thể đạt được kết quả tốt. Có kỹ năng và phương pháp tự học là một điều quan trọng đối với học sinh dân tộc trong các trường PTDTBT .
Hiện nay ở trường PTDTBT điều này chưa thật sự được quan tâm đúng mức hoặc có quan tâm nhưng chưa thường xuyên và liên tục. Hệ quả của phương pháp học không tốt là lãng phí thời gian, thành tích học tập kém, thậm chí thi rớt dẫn đến chán nản, thất vọng và bất mãn. Để rèn cho học sinh phổ thông dân tộc thiểu số có thói quen, kỹ năng và phương pháp tự học là việc làm vô cùng quan trọng trong các trường PTDTBT. Đặc điểm của học sinh dân tộc trong các trường PTDTBT là các em không thể đi về trong ngày nên phải ở nội trú tại trường suốt cả tuần và có nhiều thời gian rảnh rỗi. Nếu sử dụng thời gian này một cách có kế hoạch, khoa học trong việc rèn cho các em thói quen, kỹ năng tự học và phương pháp học tập có hiệu quả sẽ giúp các em củng cố và khắc sâu được kiến thức từ đó nâng cao được chất lượng dạy học. Để hình thành cho học sinh dân tộc có thói quen, kỹ năng và phương pháp học tập tốt các nhà trường cần làm tốt một số biện pháp sau:
- Hướng dẫn học sinh lập kế hoạch học tập
Trước khi làm bất cứ chuyện gì, nên lập kế hoạch. Nếu không có kế hoạch thì không làm chủ được thời gian, nhất là khi có điều gì bất trắc
xảy đến. Một kế hoạch học tập tốt cũng giống như chiếc phao cứu hộ. Mỗi người, tùy vào nhu cầu của mình, sẽ lập một kế hoạch học tập riêng, kế hoạch đó có thể thay đổi khi cần, nhưng điều quan trọng là phải tuân thủ kế hoạch đã đề ra.
Đối với học sinh trường PTDTBT thì kế hoạch học tập cá nhân cần qui định cụ thể vì các em có thời gian tự học tập trung trên lớp có sự chỉ đạo của giáo viên, học tập trung tự quản và tự học khi các em cảm thấy có nhu cầu tại phòng riêng. Để giúp học sinh xây dựng được kế hoạch tự học phù hợp người giáo viên chủ nhiệm cần phối hợp với giáo viên bộ môn đánh giá cụ thể năng lực học tập và thói quen cũng như tính cách của từng học sinh.
Xác định rõ năng khiếu sở trường của từng em để qua đó tư vấn cho em cách xây dựng kế hoạch học tập riêng cho mình bằng thời gian biểu cụ thể.
Kế hoạch học tập giúp quản lý thời gian, bất cứ ai cũng có 168 giờ mỗi tuần, nhưng có người sử dụng quỹ thời gian đó có hiệu quả hơn người khác. HS có rất nhiều thứ để làm, giáo viên hãy chỉ cho HS liệt kê tất cả công việc trong ngày cho từng ngày (Học, tham gia công tác tập thể, thể thao, tắm rửa, ăn uống, ngủ, đi lại, đi chơi, về thăm gia đình, …) sau đó chỉ cho các em thấy nếu mỗi tuần mà thời gian để tự học còn ít hơn 30 giờ thì hãy kiểm điểm lại xem tại sao mình phí thời gian như vậy và thời gian dành cho hoạt động gì nhiều mà chưa thật cần thiết thì điều chỉnh lại.