Giải pháp 2: Huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương

Một phần của tài liệu Mô hình quản lý trường phổ thông dân tộc bán trú ở các xã đặc biệt khó khăn của huyện kỳ sơn, tỉnh nghệ an (Trang 63 - 66)

Mục tiêu, ý nghĩa:

Huy động được sự tham gia của cộng đồng địa phương vào công tác xây dựng và quản lý trường PTDTBT có ý nghĩa hết sức lớn lao. Công nhận trách nhiệm tham gia hiệu quả và đầy đủ của cộng đồng địa phương đối với quản lý trường PTDT bán trú chính là tạo ra động lực thu hút sự quan tâm của cộng đồng vào công tác giáo dục vùng khó.

Quản lý trường PTDT bán trú theo cách hiệu quả với sự tham gia tích cực của các cộng đồng tại địa phương. Tạo ra mô hình quản lý trường PTDT Bán trú đảm bảo tính khoa học, tính thời đại và khả thi. Đổi mới phương pháp quản lý theo xu thế xã hội hoá công tác quản lý trường học. Xây dựng thành công môi trường học tập thân thiện học sinh tích cực.

Nội dung:

Để huy động được sự tham gia của cộng đồng địa phương trước hết phải nâng cao nhận thức về vai trò của nhà trường, vai trò của cộng đồng trong công tác giáo dục học sinh nội trú tại địa phương.

Nâng cao nhận thức về kết quả và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công công tác dạy và học.

Nâng cao hiểu biết những thành tựu, những đóng góp to lớn của trường PTDTBT trong sự phát triển kinh tế xã, hội của địa phương.

Làm rõ nhận thức về vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư tại địa phương trong công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện các chế độ chính sách đối với nhà trường PTDTBT, với giáo viên và học sinh nội trú trên địa bàn. Để làm được điều đó cần tổ chức tốt các nội dung cơ bản sau:

- Thành lập Ban chỉ đạo các cấp về học sinh nội trú gồm các thành phần sau:

+ Cấp tỉnh: Lãnh đạo HĐND làm trưởng ban, lãnh đạo UBND tỉnh làm phó ban thường trực, lãnh đạo Sở GD&ĐT phó ban, các thành viên gồm lãnh đạo: Sở tài chính kế hoạch, Ban tôn giáo dân tộc, Sở y tế, Tỉnh Đoàn, Hội phụ nữ, Sở văn hoá, Sở công an, UBND các huyện.

+ Cấp huyện: Lãnh đạo UBND huyện làm trưởng ban, Lãnh đạo Phòng GD&ĐT làm phó ban thường trực, các thành viên gồm lãnh đạo: Phòng tài chính kế hoạch, Phòng tôn giáo dân tộc, Phòng y tế, huyện Đoàn, Hội phụ nữ, Phòng văn hoá, công an huyện, UBND các xã.

+ Cấp xã: Lãnh đạo UBND làm trưởng ban, hiệu trưởng trường PTDTBT làm phó ban thường trực, Chủ tịch hội CMHS phó ban, các thành viên gồm: trạm y tế, Đoàn TNCSHCM xã, Hội phụ nữ xã, Mặt trận tổ quốc, các trưởng thôn, trưởng họ, già làng có uy tín...

Tổ chức các hội nghị tổng kết năm học có sự tham gia của các Ban ngành, Đoàn thể, Chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội đóng trên địa bàn và Phụ huynh học sinh. Trong hội nghị, cần thảo luận phân tích các mặt đã đạt được, mặt còn tồn tại của công tác quản lý, thực hiện chế độ và giáo dục học sinh nội trú.

Tuyên truyền vận động nhân dân để nhân dân thấy được vai trò của giáo dục trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và gia đình.

Phối hợp với cán bộ tư pháp xã, với Ban tuyên truyền, phổ biến luật và giáo dục pháp luật xuống các thôn bản, cụm dân cư để tổ chức tuyên truyền phổ biến: Luật giáo dục, Luật bảo vệ chăm sóc bà mẹ trẻ em, Luật phổ cập giáo dục, Công ước quốc tế về quyền trẻ em...để nhân dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của gia đình và trẻ em.

Tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng hương ước, qui ước...về công tác giáo dục, khuyến học trong cộng đồng dân cư.

Hàng năm tổ chức các hội nghị điển hình tiên tiến, khen thưởng những cá nhân, hộ gia đình và tổ chức có thành tính xuất sắc trong công tác giáo dục, quản lý học sinh nội trú.

Huy động sự đóng góp kinh phí, vật liệu, nhân lực. . . của xã hội, các nhà hảo tâm, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn vào xây dựng trường lớp, trang thiết bị và các điều kiện sinh hoạt, học tập cho các em học sinh nội trú.

Công tác quản lý nhà trường cần tham mưu cho Ban chỉ đạo xã và phối hợp giữa Ban đại diện cha mẹ học sinh, cộng đồng dân cư, các cơ quan ban ngành đoàn thể tại địa phương, theo qui trình cụ thể như sau:

Giai đoạn 1 : Công tác chuẩn bị (Ban giám hiệu xác định các bên liên quan và thành viên tích cực trong ban đại diện cha mẹ học sinh và cộng đồng)

Giai đoạn 2: Tổ chức đàm phán (đàm phán giữa các bên liên quan về trách nhiệm trong phối hợp quản lý, xây dựng cơ chế quản lý và giám sát)

Giai đoạn 3 : Tổ chức thực hiện (Thực hiện quản lý theo cơ chế, hàng tháng họp mặt để cung cấp thông tin phản hồi và điều chỉnh)

Giai đoạn 4 : Tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá (Đánh giá hiệu quả của công tác phối hợp, những ưu điểm, nhược điểm đồng thời chỉnh lý

bổ xung qui chế phối hợp, cơ chế giám sát và xây dựng kế hoạch phối hợp cho năm học tới )

Điều kiện:

Để huy động được sự tham gia của cộng đồng địa phương thì phải có sự chỉ đạo của cấp uỷ, Đảng bộ các cấp trong việc chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo các cấp. Sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể và chính quyền địa phương trong việc kiểm điểm, đánh giá công tác quản lý, qui hoạch cán bộ và thực hiện kế hoạch đối với công tác nội trú dân nuôi.

Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT cùng với BGH các trường PTDTBT phải là các đơn vị tham mưu đắc lực cho cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương các cấp trong việc xây dựng các văn bản chỉ đạo, xây dựng cơ chế hoạt động, chính sách cho giáo viên và học sinh trường PTDTBT.

Trường PTDTBT phải là trung tâm văn hoá của địa phương, phải là cầu nối giữa các lực lượng giáo dục. Được cộng đồng và nhân dân tin tưởng khi giao trọng trách giáo dục con em họ.

Một phần của tài liệu Mô hình quản lý trường phổ thông dân tộc bán trú ở các xã đặc biệt khó khăn của huyện kỳ sơn, tỉnh nghệ an (Trang 63 - 66)