Vì khi đã áp dụng án lệ bắt buộc đòi hỏi các thẩm phán trong hệ thống các cơ quan Toà án khi xét xử một vụ việc cụ thể cần phải căn cứ vào các bản án, quyết định giải quyết các vụ việc trước đó, đặc biệt là các phán quyết của Tòa cấp cao, Tòa phúc thẩm và Tòa án tối cao. Án lệ chính là cách thức áp dụng các nguyên tắc có sẵn được coi là những căn cứ để quyết định đường lối
giải quyết các vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai, khi hệ thống pháp luật chưa điều chỉnh một cách kịp thời các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn cuộc sống.
Thực chất sử dụng án lệ là công việc hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao đối với toàn hệ thống cơ quan xét xử từ trên xuống được khách quan, đúng đắn, đầy đủ và kịp thời.
Án lệ có vai trò rất quan trọng trong việc giải thích pháp luật và lấp đi khoảng trống khi chưa có luật điều chỉnh. Trong thực tiễn có nhiều tình huống pháp lý nhưng các nhà làm luật chưa dự liệu đã và có thể xảy ra, trong trường hợp này, Tòa án tuy không có chức năng lập pháp vẫn phải giải thích và yêu cầu các Tòa án vận dụng pháp luật để xét xử. Những bản án này sẽ là án lệ để cho các Thẩm phán sử dụng giải quyết những vụ án có nội dung tương tự, là cơ sở để các nhà lập pháp sử dụng làm tài liệu, là cơ sở thực tiễn trong khi xây dựng và sửa đổi các văn bản pháp luật.
Án lệ không cứng nhắc và Tòa án tối cao có thể phản ứng một cách linh hoạt khi hướng dẫn Tòa án các cấp vận dụng pháp luật, để đáp ứng ngay những thay đổi nhanh chóng của xã hội. Khi xét xử một vụ án, Thẩm phán Tòa án cấp dưới buộc phải tham khảo các án lệ liên quan của Tòa án cấp trên. Như vậy, Thẩm phán có thể chọn lọc các lập luận phù hợp, thuyết phục cho bản án của mình. Là cơ sở để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng có niềm tin trước phán quyết của Tòa án, chỉ kháng cáo, khiếu nại khi có căn cứ vững chắc, rõ ràng khi thấy Thẩm phán có sai lầm khi lựa chọn dẫn chiếu án lệ không đúng.
Tòa án nhân dân tối cao giám sát các Tòa án cấp dưới trong việc thực hiện án lệ đảm bảo tính thống nhất của pháp luật trong xét xử. Các Quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao khi trở thành án lệ sẽ là khuôn mẫu cụ thể, rõ ràng, dễ nhận biết vấn đề pháp lý được đặt ra của vụ án. Phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao giúp chuẩn hóa việc viết bản án, quyết
định của Tòa án. Viện dẫn án lệ trong xét xử trở thành hoạt động thường xuyên của ngành Tòa án là cơ sở để đánh giá năng lực, trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật và hướng dẫn của ngành.
Phát triển án lệ giúp ngăn ngừa tư duy chủ quan của Thẩm phán khi áp dụng pháp luật, nâng cao chất lượng xét xử và kỹ năng xét xử của Thẩm phán. Thông qua việc tham khảo các án lệ, Thẩm phán có thể đưa ra phán quyết một cách có cơ sở hơn, có căn cứ hơn. Vì vậy, số bản án, quyết định thiếu căn cứ sẽ giảm đáng kể và kéo theo số bản án bị Tòa án cấp trên hủy hay sửa cũng sẽ giảm. Điều này có nghĩa là chất lượng xét xử được cải thiện. Mặt khác, khi tham khảo án lệ thì bản thân Thẩm phán tự mình nâng cao trình độ hiểu biết và áp dụng pháp luật. Tích lũy nhiều hơn kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động xét xử.
Với sự trợ giúp của án lệ các vụ việc được giải quyết nhanh chóng hơn, tiết kiệm công sức của các Thẩm phán và các cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia tranh tụng, vì sử dụng những tình huống tương tự đã được Tòa án giải quyết trong các bản án có hiệu lực pháp luật để làm căn cứ giải quyết các vụ việc có tính chất tương tự. Phát triển án lệ đồng thời công khai hoá các bản án và quyết định của Toà án các cấp để mọi người cùng biết để tham khảo, đánh giá tính thực tế của các bản án, tự điều chỉnh, thương lượng, thỏa thuận giải quyết các tranh chấp nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống.
Áp dụng án lệ sẽ tăng cường tính độc lập của Tòa án và tăng cường tranh tụng tại Tòa án.
Khi áp dụng án lệ Tòa án không còn phải hoàn toàn phụ thuộc, chờ đợi vào những giải thích luật chính thức từ cơ quan lập pháp. Mặt khác, toàn bộ ngành Tòa án, như một tổng thể, sẽ phải tìm ra cách thức xây dựng hệ thống án lệ của mình một cách thống nhất. Việc trao quyền giải thích luật khi xét xử một vụ kiện tập thể phát triển thành án lệ cho phép Thẩm phán độc lập hơn, xét xử đúng đắn và thống nhất hơn.
Với hệ thống án lệ phát triển, chính bản thân bị can và các luật sư sẽ chủ động viện dẫn đến án lệ bảo vệ quyền lợi của mình. Điều này sẽ làm phong phú hơn thực tiễn tranh tụng tại Tòa án. Bản thân các Thẩm phán cũng phải tự tìm hiểu, nắm bắt tốt hơn án lệ trong toàn ngành, trên nhiều lĩnh vực.