Ở mức độ lập pháp, bình đẳng với tính cách là nguyên tắc tư tưởng - pháp lý được khách quan hóa vào trong hình thức pháp lý, nhưng không mất đặc trưng chủ quan tư tưởng của mình. Nó là cơ sở pháp lý tư tưởng, là cơ sở đạo đức trên đó nhà lập pháp xây dựng, hình thành và phát triển toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật hình sự. Ở đây, bình đẳng thể hiện khái quát, tập trung những luận điểm cơ bản, những quan điểm và lợi ích của giai cấp thống trị, của xã hội và của những luận điểm, quan điểm và lợi ích đó được phát triển và cụ thể hóa trong các quy định và đòi hỏi của pháp luật hình sự.
Các quy phạm pháp luật hình sự, quy định cho các chủ thể tương ứng các quyền và nghĩa vụ nhất định. Bởi vậy, việc đánh giá các quy phạm đó từ quan điểm công bằng là rất quan trọng và cần thiết. Trong lĩnh vực chính sách hình sự điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với việc xác định quyền và nghĩa vụ của
nhà nước trong việc quy định các chế định quan trọng của luật hình sự, cũng như quyền và nghĩa vụ của người phạm tội. Tức là tư tưởng bình đẳng và các đòi hỏi của nó phải được thể hiện trong việc quy định mối quan hệ giữa nhà nước và người phạm tội thông qua các quyền và nghĩa vụ tương ứng của các chủ thể đó.
Ở giai đoạn quy định các quy phạm pháp luật hình sự, tức là ở giai đoạn lập pháp hình sự các đòi hỏi của nguyên tắc bình đẳng được thể hiện cụ thể và có khả năng được thể hiện nhiều hơn ở mức độ ý thức pháp luật. Vì rằng khi ban hành các quy phạm pháp luật hình sự, ở mức độ rất lớn chủ thể lập pháp có quyền và có khả năng, điều kiện tuân theo các đòi hỏi của bình đẳng, ban hành các quy phạm mới do bình đẳng đòi hỏi và bãi bỏ những quy phạm không còn phù hợp với tư tưởng bình đẳng. Ở đây, các đòi hỏi của bình đẳng có ý nghĩa rất lớn đối với việc quy định những chế định quan trọng của luật hình sự thể hiện rõ mối quan hệ giữa nhà nước và người phạm tội như: cơ sở của trách nhiệm hình sự, giới hạn và mức độ của trách nhiệm hình sự, tội phạm và phân loại tội phạm, các loại phản ứng của nhà nước (hình phạt và các loại biện pháp khác), các điều kiện áp dụng các loại biện pháp đó, việc xác định nhóm các hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm (tội phạm hóa), việc phi tội phạm hóa các hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Nguyên tắc bình đẳng cũng như các nguyên tắc và giá trị khác của pháp luật xã hội chủ nghĩa không chỉ xuyên suốt và thể hiện trong các quy phạm pháp luật mà còn xuyên suốt thực tiễn hoạt động của các cơ quan áp dụng pháp luật. Nó được thể hiện trong ý thức của con người không chỉ thông qua các quy định chung mà pháp luật diễn đạt nguyên tắc bình đẳng, mà còn ở kết quả của những quyết định cụ thể của việc áp dụng pháp luật. Điều đó có nghĩa rằng nguyên tắc bình đẳng xuyên suốt trong hoạt động áp dụng pháp luật hình sự, trong trật tự pháp luật hình sự. Bởi vậy, các quan hệ pháp luật hình sự là một mức độ, hình thức biểu hiện của nguyên tắc bình đẳng. Các quan hệ đó chỉ ra một mức độ thực hiện cụ thể các đòi hỏi của bình đẳng đã
được thể hiện trong các quy định của pháp luật trong hiện thực pháp lý hàng ngày.