CHƯƠNG II: MỐI QUAN HỆ GIỮA TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ XOÁ ĐÓI GIẢM NGHÈO Ở HUYỆN MỘC CHÂU
2.1.1.4. Tài nguyên thiên nhiên
Tài nguyên thiên nhiên của huyện Mộc Châu rất đa dạng và phong phú, là vùng đất có nhiều tiềm năng thế mạnh vẫn chưa được khơi dậy khai thác để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
a. Đất đai:
Diện tích đất tự nhiên của huyện là 202.513 ha, gồm nhiều loại đất Feralit phát triển trên các loại đá mẹ, do nguồn gốc hình thành được chia thành 4 nhóm đất chính:
Nhóm đất đỏ vàng: 53.545,0 ha chiếm 34,2% Nhóm đất đen: 1.178,0 ha chiếm 0,75%
Nhóm đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa: 851,0 ha chiếm 0,54% Nhóm đất đỏ vàng trên núi: 100.969,0 ha chiếm 65,5%
Trên địa bàn huyện có 18 loại đất, hầu hết các loại đất đều có độ dày tầng đất khá, thành phần cơ giới từ trung bình đến nặng, tỷ lệ mùn và các chất dinh dưỡng từ trung bình đến khá, ít chua...có tiềm năng để hình thành các vùng sản xuất hàng hoá quy mô lớn, tập trung với cơ cấu đa dạng, gồm các loại cây công nghiệp, cây ăn quả,
hoa màu và phát triển chăn nuôi đại gia súc. Trong đó: Đất nông nghiệp: 34.830,51 ha, chiếm 17,2% tổng diện tích tự nhiên, bình quân đầu người là 0,25 ha (trong đó: diện tích cho sản xuất lương thực là 0,09 ha), ruộng nước hiện có 2.103,54 ha; Đất lâm nghiệp: 81.359,21 ha, chiếm 40,17%; đất chuyên dùng: 4.547,28 ha chiếm 2,25%; đất ở: 1.179,76 ha chiếm 0,58%; Đất chưa sử dụng và sông suối, núi đá: 80.596,24 ha, chiếm 39,8 % diện tích tự nhiên. Qua số liệu cho thấy phần diện tích đất chưa sử dụng còn lớn. Song diện tích có khả năng đưa vào sản xuất nông nghiệp đều rất khó khăn như phân bố ở những địa bàn không thuận lợi đường giao thông, thiếu nguồn nước chỉ thích hợp với các cây lâu năm, hoặc chỉ có thể khai thác theo phương thức nông - lâm kết hợp. Đây là điều kiện để huyện Mộc Châu có thể khai thác, mở rộng diện tích đất nông - lâm nghiệp trong thời gian tới, tăng hiệu quả sử dụng đất cả về mặt kinh tế - xã hội và môi trường.
b. Tài nguyên rừng:
Mộc Châu có diện tích đất lâm nghiệp lớn cho nên công tác bảo vệ và phát triển vốn rừng được đẩy mạnh. Tổng diện tích trồng rừng năm 2000 là 1000 ha, diện tích khoanh nuôi bảo vệ là 98.520 ha; đến năm 2008, tổng diện tích trồng rừng tăng lên gần 2000 ha, diện tích khoanh nuôi bảo vệ tăng lên 150.360 ha. Đất đai phù hợp với nhiều loại cây, có điều kiện xây dựng hệ thống rừng phòng hộ và tạo các vùng rừng kinh tế hàng hoá có giá trị kinh tế cao, huyện Mộc Châu có khu rừng đặc dụng Xuân Nha với diện tích trên 12.313,6 ha có nhiều loại gỗ và động vật quý hiếm cần được bảo vệ và đã được lập dự án bảo tồn giống gen. Tài nguyên rừng Mộc Châu khá phong phú có nhiều hang động, thực vật quý hiếm, có khoảng 456 loại thực vật thuộc 4 ngành và có 49 loài động vật hoang dã thuộc 19 họ của 8 bộ với các loài chim, thú quý hiếm. Độ che phủ rừng năm 2005 đạt 42%, năm 2009 là 47,5%.
c. Tài nguyên khoáng sản:
Mộc Châu có một số loại khoáng sản nhưng trữ lượng nhỏ cụ thể:
+ Than: Có mỏ than Suối Bàng với trữ lượng 2,4 triệu tấn và Than bùn ở xã Tân Lập có thể khai thác để sản xuất phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp.
+ Bột Tan: Tập trung ở Tà Phù xã Liên Hoà, với trữ lượng khoảng 2,3 triệu tấn, có thể khai thác để phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
+ Đất sét: Có trữ lượng tương đối lớn đang được khai thác phục vụ phát triển sản xuất gạch phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng trong huyện và ngoài huyện.