CHƯƠNG II: MỐI QUAN HỆ GIỮA TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ XOÁ ĐÓI GIẢM NGHÈO Ở HUYỆN MỘC CHÂU
2.6.2. Hạn chế và nguyên nhân
2.6.2.1. Hạn chế
Trong những năm qua, huyện đã đạt được nhiều thành tựu về tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế đã thực sự tác động tới giảm tỷ lệ hộ nghèo, song huyện Mộc Châu vẫn còn phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức.
- Tỷ lệ hộ nghèo còn cao: trong những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo giảm đi đáng kể, tuy nhiên tỷ lệ đó vẫn còn rất cao so với cả nước. Đi kèm với nó, là tình trạng cơ sở hạ tầng của các xã nghèo chậm được cải thiện, đa số người nghèo ít có điều kiện tiếp cận với dịch vụ xã hội cơ bản.
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng mức tăng trưởng kinh tế còn thấp, GDP/người còn thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của cả nước (chưa bằng ½ theo số liệu đã đưa ra ở trên). Đây là một hạn chế lớn của quá trình phát triển kinh tế, và cũng là nguyên nhân làm chậm quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tỷ lệ đói nghèo cao…
- Những thành tựu xóa đói giảm nghèo đã đạt được còn thiếu tính bền vững, nguy cơ tái nghèo còn lớn (năm 2009 có trên 500 hộ tái nghèo) Do điều kiện tự nhiên, khí hậu của một huyện miền núi có những đặc tính riêng, khá khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt, sạt lở… nên đời sống và sản xuất của người dân có thể bị tổn thất lớn, nguy cơ tái nghèo cao. Có nhiều nguyên nhân khác như nhận thức, phong tục tập quán lạc hậu, tệ nạn xã hội… cản trở người dân tích cực vươn lên thoát nghèo.
- Cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, đầu tư dàn trải, công tác quản lý vốn đầu tư chưa tốt… Những hạn chế về đầu tư là một trong những nguyền nhân quan trọng làm chậm tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế.
- Các cơ chế, chính sách tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ người nghèo tuy đã có nhưng chưa đồng bộ, chưa cụ thể, vì vậy tính hiệu quả chưa cao.
Việc tổ chức triển khai một số công trình xây dựng hạ tầng cơ sở triển khai thực hiện vốn hỗ trợ sản xuất, vốn dự án đào tạo cán bộ xã bản và cộng đồng còn chậm, vốn một số chương trình chậm được phân bổ, nhất là vốn hỗ trợ sản xuất, thẩm định chậm.