CHƯƠNG III: GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NHẰM THỰC HIỆN MỤC TIÊU XĐGN Ở HUYỆN
3.3.5. Tăng cường vai trò của rừng trong công cuộc giảm nghèo
Mối quan hệ giữa giảm nghèo và ngành rừng là gì? Có ba quan hệ chính được miêu tả như sau:
1. Đó là những mối quan hệ nhân quả quan trọng giữa sự biến đổi sinh kế nông thôn và những thay đổi mạnh mẽ về độ che phủ rừng bởi hai yếu tố này xuất hiện trên cùng vị trí địa lý và cùng thời gian.
2. Đời sống của người nghèo ở các vùng sâu vùng xa ở nông thôn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn hàng hóa và dịch vụ môi trường từ các rừng tự nhiên.
3. Mặc dù vẫn phụ thuộc vào rừng, một số người dân nông thôn vẫn có lợi ích lớn từ việc mất rừng thông qua việc chuyển đổi đất rừng thành đất nông nghiệp, khai thác và bán gỗ cũng như các sản phầm từ rừng khác lấy tiền làm vốn.
Rất nhiều người dân tộc thiểu số ở các vùng cao ở Mộc Châu đã và đang sống trong rừng nhiều thế kỷ nay. Người dân ở các vùng này thường nghèo do khó tiếp cận thị trường, cơ sở hạ tầng yếu kém, đất đai xấu và cũng do sự đối xử phân biệt do nguồn gốc dân tộc của họ. Nói cách khác, những người nghèo nhất trong số người nghèo thường ở các vùng cách xa các khu vực thành thị và đường giao phận khác của nền kinh tế có liên quan tới mức độ nghèo đói của họ. Người nghèo ở các vùng sâu vùng xa thường phải sống phụ thuộc rất nhiều vào rừng; điều này không chỉ do mối liên kết về địa lý mà còn bởi các thuộc tính của tài nguyên rừng tự nhiên (đặc biệt là các lâm sản ngoài gỗ) làm chúng dễ bị người nghèo khai thác.
Rừng có vai trò rất lớn trong công cuộc giảm nghèo vì: Rừng đem lại giá trị gỗ thương mại và các lâm sản ngoài gỗ bao gồm: than củi, củi đốt, động vật trong rừng, hoa quả, hạt, dược thảo, cỏ cho gia súc và lá lợp mái nhà. Rừng cung cấp nhiều hình thái dịch vụ trực tiếp về môi trường cho những người dân sống gần rừng. Các dịch vụ này bao gồm: việc khôi phục độ màu mỡ của đất trong hệ thống nông nghiệp luân canh; duy trì lượng nước và bảo vệ chất lượng nước; cung cấp cỏ cho chăn nuôi gia súc, thụ phấn cho thực vật, kiềm chế sâu cỏ và duy trì đa dạng sinh học bao gồm cả duy trì giống cây cho nông nghiệp. Rừng cũng mang lại các dịch vụ môi trường gián tiếp cho người dân sống xa rừng. Người nghèo sống gần rừng có thể được hưởng lợi từ nguồn thu nhập có được do những người sống xa rừng chi trả cho việc duy trì các dịch vụ rừng này. Ngoài ra, rừng còn đem lại việc làm, góp phần ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân.
Mộc Châu là huyện miền núi với diện tích rừng khá lớn, tài nguyên rừng phong phú, song việc quy hoạch rừng để biến rừng thành lợi thế so sánh trong tăng trưởng phát triển kinh tế và XĐGN chưa được Đảng, chính quyền các cấp quan tâm đúng mức. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực hơn nữa để nâng cao vai trò của rừng trong công cuộc XĐGN. Trước mắt cần thực hiện giao đất giao rừng cho nhân dân, gắn với việc định canh định cư đồng bào các dân tộc, đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống dân cư. Thực hiện quy hoạch rừng tới từng xã và có những chính sách hỗ trợ đồng bào trong việc trồng rừng và phát triển nghề rừng.