Keo tai tượng, Keo lá tràm và keo lai đã được chọn tạo và phát triển thành các loài cây trồng rừng chủ lực phục vụ cho phát triển kinh tế tại nhiều quốc gia Châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á (Griffin và cộng sự, 2011) [56], song chúng cũng được xem như là những loài cây có khả năng xâm lấn
hệ sinh thái cây bản địa bởi đặc tính sinh học của chúng là nhiều hoa, sai quả và hạt có sức sống lâu dài trong đất (Richardson và cộng sự, 2015) [108]. Vì thế, việc phát triển các dòng tam bội, ngoài mục đích để cải thiện các đặc tính sinh trưởng và chất lượng gỗ, chúng còn được kỳ vọng là sẽ hạn chế tối đa khả năng sinh sản nhờ đặc tính bất thụ (một phần hoặc toàn phần) thường thấy ở những cây tam bội khác do những bất thường xảy ra trong quá trình phân bào giảm nhiễm dẫn đến tạo ra các giao tử lệch bội (aneuploid) có sức sống yếu hoặc thậm chí là không có sức sống như các loài cây bố mẹ như đã được chỉ ra bởi Husband và Sabara (2004) [75] và Richardson và cộng sự (2015) [108].
Luận án đã tiến hành đánh giá một số chỉ tiêu về sinh học sinh sản (Bảng 2.5) liên quan đến khả năng bất thụ của một số dòng keo tam bội (keo lai và Keo lá tràm) trong 2 khảo nghiệm dòng vô tính có độ tuổi từ 2,5 – 3,5 tuổi (đây là tuổi mà keo nhị bội đã cho hoa quả nhiều) tại 2 địa điểm là Đồng Phú (Bình Phước) và Xuân Lộc (Đồng Nai). Cả 2 địa điểm đều thuộc khu vực Đông Nam Bộ, nơi có điều kiện khí hậu thuận lợi nhất cho quá trình sinh sản của các loài keo ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu sẽ khẳng định có hay không đặc tính bất thụ của các dòng keo tam bội đã được chọn tạo ở Việt Nam, qua đó bổ sung cơ sở khoa học cho việc sử dụng các giống keo tam bội cho trồng rừng nhằm giảm nguy cơ xâm lấn của keo đối với hệ sinh thái bản địa.