Thứ nhất, Việt nam đang có tiến bộ vượt bậc trong ngành sản xuất nói chung và sản xuất phụ tùng ôtô nói riêng. Do vậy, dần dần Công ty sẽ chỉ cần mua các sản phẩm trong nước mà không cần phải nhập khẩu vì vậy hiệu quả nhập khẩu của Công ty cũng bị ảnh hưởng. Hiện tại tỷ lệ phần trăm phụ tùng nội địa mà Công ty mua về để phục vụ cho sản xuất chiếm khoảng 20% và con số này sẽ còn cao hơn nữa trong tương lai.
Thứ hai, tỷ giá hối đoái trên thị trường biến động liên tục theo hướng bất lợi cho Công ty, vì đồng Đôla Mỹ liên tục tăng giá khiến Công ty phải bỏ nhiều tiền Việt nam hơn để mua hàng hóa nhập khẩu. Cộng thêm việc các ngân hàng
đều khan hiếm đồng USD nên lãi vay đồng USD cũng tăng mạnh, Công ty phải chịu thêm chi phí lãi vay USD để thanh toán cho các nhà cung cấp nước ngoài. Như vậy, tổng chi phí nhập khẩu tăng khá nhiều, hiệu quả nhập khẩu cũng bị giảm bớt.
Thứ ba, sự biến động về giá xăng dầu thế giới rất bất ổn, lên xuống thất thường, nhiều thời gian leo thang khiến chi phí giao nhận, vận chuyển, xăng dầu để vận hành máy móc đều tăng đáng kể, do vậy Công ty nhiều khi phải điều chỉnh giá bán sản phẩm sao cho phù hợp, khiến nhiều khi giá bán tăng cao ảnh hưởng đến tốc độ tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả kinh doanh nhập khẩu cũng ảnh hưởng theo.
Như vậy, Chương II đã cho chúng ta đã thấy được kết quả và thực trạng của hoạt động nhập khẩu tại Công ty Ford Việt nam trong những năm gần đây. Qua đó có thể đưa ra những đánh giá căn cứ theo các chỉ tiêu nêu trong ChươngI về những mặt Công ty đã làm được và chưa làm được trong quá trình nâng cao hiệu quả kinh doanh nhập khẩu của Công ty, Chương II cũng phân tích được những nguyên nhân dẫn đến các mặt chưa làm được đó nhằm làm cơ sở cho việc đưa ra các giải pháp khắc phục tại Chương III.
CHƯƠNG III.
GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH DOANH NHẬP KHẨU CỦA CÔNG TY TNHH FORD VIỆT NAM