Tùy theo tính chất, mục đích, nội dung của hướng dẫn mà lựa chọn ứng dụng chia sẻ hình ảnh hay chia sẻ video để đạt hiệu quả cao nhất.
Chẳng hạn, thư viện có thể sử dụng:
+ Nhóm kết nối nhanh: Facebook là lựa chọn hàng đầu, vì người dùng tin Việt Nam, cũng như người dùng tin thư viện sử dụng Facebook đông đảo nhất. Twitter dù được sử dụng phổ biến ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam ít người dùng tin có thói quen dùng. Thư viện có thể sử dụng Facebook để giới thiệu đầy đủ về năm thành lập, chức năng, nhiệm vụ, bản đồ đi đến thư viện ở mục Thông tin giới thiệu trên Facebook; ở mục chia sẻ trạng thái/ status sẽ đăng những nội dung thông tin được cập nhật thường xuyên, những thông tin mới và thay đổi thường xuyên như lịch hướng dẫn người dùng tin; hình ảnh hoạt động; lịch làm thẻ, nhận thẻ; thông báo và nội qui mới… Thư viện cũng có thể dùng Facebook để liên kết chia sẻ video từ YouTube, hình ảnh từ Flickr để tăng tốc độ lan truyền, cũng như cập nhật các video mới nhất cho người dùng tin.
+ Nhóm chia sẻ video: Cán bộ thư viện có thể sử dụng YouTube để chia sẻ video giới thiệu chung về mọi hoạt động của thư viện mình cũng như video hướng dẫn cách sử dụng thư viện; quảng bá về chương trình hướng dẫn người dùng tin, … Đây là một kênh giúp người dùng tin không bị nhàm chán khi đọc thông báo hay tài liệu hướng dẫn, … Ngoài ra, thư viện có thể ứng dụng liên kết đến các trang YouTube hữu ích từ những thư viện hoặc trường đại học lớn trên thế giới để người dùng tin của mình tham khảo, học hỏi. Facebook và Flickr cũng có chức năng đưa video lên nhưng tốc độ tải, giao diện xem và tính phổ biến không bằng YouTube.
+ Nhóm chia sẻ hình ảnh: Thư viện có thể dùng các mạng xã hội như Flickr, Instagram để chia sẻ hình ảnh về các hoạt động của thư viện nói chung, cũng như về hoạt động hướng dẫn người dùng tin nói riêng.