Quảng Ninh
1. Cơ hội, thuận lợi
a) Đảng, Nhà nước đã, đang có những chỉ đạo, chính sách, ưu tiên, đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ/Chính quyền điện tử
Ngày 29 tháng 6 năm 2006, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Công nghệ thông tin. Có thể nói đây là văn bản pháp lý vô cùng quan trọng, cụ thể hóa chủ trương của Đảng đã được nêu ra tại Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khoản 1 Điều 5 của Luật Công nghệ thông tin đã quy định rõ “Ưu tiên ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Triển khai cụ thể các nội dung quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, ngày 10/4/2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2007/NĐ-CP về Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Nội dung Nghị định bao gồm không chỉ các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước mà còn cả các điều kiện bảo đảm cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước bao gồm tổ chức, cơ sở hạ tầng, đầu tư và nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin. Nghị định cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện các quy định.
Để chỉ đạo, hướng dẫn cho các cơ quan nhà nước lập kế hoạch chi tiết triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 48/2009/QĐ-TTg Phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008 và giai đoạn 2009-2010. Đây là các văn bản có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp định hướng cho các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan, đảm bảo đồng bộ với những mục tiêu chung của cả nước.
Năm 2011, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” và Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 Phê duyệt “Chương trình quốc gia về Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 -
2015” nhằm xác định chiến lược, nội dung phát triển CNTT của quốc gia, tăng cường hơn nữa ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước trong giai đoạn tiếp theo.
Đặc biệt, ngày 16/01/2012 BCH Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư về Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản, trong đó xác định rõ: Công nghệ thông tin và Truyền thông là hạ tầng của hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, coi thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu:
“Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân, đất đai, nhà ở, doanh nghiệp, làm cơ sở cho việc ứng dụng công nghệ thông tin quản lý các nguồn lực phát triển đất nước. Đẩy nhanh tiến trình thực hiện thẻ công dân điện tử, Chính phủ điện tử và cam kết ASEAN điện tử.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và toàn bộ nền kinh tế. Coi thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong từng ngành, từng lĩnh vực. Phát triển mạnh công nghiệp công nghệ thông tin, thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm phát triển nhanh, bền vững.
Nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và hiệu lực, hiệu quả quản lý hệ thống hạ tầng thông tin, nội dung thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước; đáp ứng yêu cầu cung cấp, trao đổi thông tin của xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, chủ quyền quốc gia về không gian mạng”.
b) Quyết tâm chính trị to lớn của Lãnh đạo, các cấp, các ngành tỉnh Quảng Ninh trong việc xây dựng Chính quyền điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính
Sự quyết tâm triển khai xây dựng Chính quyền điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính tỉnh Quảng Ninh đã được thể hiện rõ nét tại các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND Tỉnh, cụ thể là Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2010-2015 về tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo; quản lý điều hành; Nghị quyết số 04- NQ/TU ngày 05/5/2012 của BCH Đảng bộ Tỉnh Về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 18/10/2011 của HĐND tỉnh về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010 – 2015; Thông báo số 638-TB/TU ngày 21/5/2012 của Thường trực Tỉnh ủy về Đề án “Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2012-2014”.
Nhằm thực hiện sự quyết tâm đó, Tỉnh đã lấy năm 2012 là năm của quy hoạch và phát triển khoa học công nghệ. Hiện nay, Tỉnh đang xây dựng Xây dựng Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tinh Quảng Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 trên cơ sở thuê tư vấn nước ngoài; xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội xanh, bền vững đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh trình Bộ Chính trị, với các mục tiêu chính là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện mà trọng tâm là củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, tư tưởng đột phá trong tư duy phát triển, sáng tạo, hiệu quả trong hành động và tổ chức thực hiện; Xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại vào năm 2020, là một trong những tỉnh đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế xanh; Là một trong những đầu tàu kinh tế của Miền Bắc; Là trung tâm du lịch quốc tế; là một trong ba cực tăng trưởng của vùng đồng bằng Sông Hồng, đồng thời góp phần tích cực cùng cả nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; Không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Góp phần đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Trong đó xác định đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử là nội dung, giải pháp quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
c) Chủ động được nguồn ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực xây dựng Chính quyền điện tử
Với nhiều tiềm năng, thế mạnh, sự quyết tâm cao của đảng, chính quyền và nhân dân, hàng năm thu ngân sách của Quảng Ninh là một trong những đơn vị đứng đầu, tự bảo đảm về nguồn kinh phí, mặc dù có rất nhiều các hạng mục, nội dung quan trọng, thiết yếu như Y tế, Giáo dục, Tài nguyên Môi trường,…tuy nhiên, Tỉnh cũng có sự quan tâm và dành nguồn kinh phí lớn (lớn nhất trong các tỉnh) cho phát triển khoa học công nghệ, triển khai ứng dụng CNTT. Trong Nghị quyết của BCH Đảng bộ Tỉnh về phát triển khoa học công nghệ và các văn bản khác, Tỉnh đã ưu tiên bố trí từ 4-5% trên tổng chi ngân sách thường xuyên hàng năm của Tỉnh cho KHCN, Như vậy hàng năm Tỉnh có thể dành ra từ 150 - 200 tỷ đồng cho nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử.
Triển khai xây dựng Chính quyền điện tử với mục tiêu chính là phục vụ người dân và doanh nghiệp, cùng với sự đồng thuận, quan tâm, đầu tư và ủng hộ lớn của xã hội, của các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh, việc huy động các nguồn đầu tư, hỗ trợ của các doanh nghiệp, từ xã hội cho xây dựng Chính quyền điện tử là khả thi, phù hợp.
2. Thách thức, khó khăn
Để triển khai thành công Chính quyền điện tử ngoài nguồn nhân lực để quản lý, vận hành các hệ thống thông tin trong cơ quan nhà nước thì nguồn nhân lực ứng dụng là rất quan trọng. Tỷ lệ sử dụng, khai thác các dịch vụ trực tuyến của người dân, doanh nghiệp nhiều hay không tương ứng với sự thành công của Chính quyền điện tử.
Nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh nói chung thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn (hiện có khoảng 50%).
Với địa hình trải dài, diện tích rộng (rộng nhất trong các tỉnh đồng bằng Sông Hồng), gần 50% là dân số nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo có điều kiện kinh tế, giao thông còn khó khăn. Vì vậy, việc tổ chức đào tạo, tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng CNTT cho người dân là rất lớn.
Nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan, đơn vị còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng; đặc biệt là thiếu cán bộ lãnh đạo CNTT và cán bộ quản lý CNTT có chuyên môn cao. Nhân lực CNTT làm việc trong các cơ quan nhà nước vẫn chưa được hưởng các chế độ đãi ngộ phù hợp.
b) Chưa có mô hình Chính quyền điện tử đã triển khai thành công tại các địa phương
Mặc dù một vài tỉnh/thành phố trên cả nước đã triển khai xây dựng Chính quyền điện tử và đã có một số thành công nhất định, tuy nhiên đó mới chỉ là một vài kết quả ban đầu, chưa mang tính tổng thể, mô hình, kiến trúc, cách thức triển khai vẫn còn đang ở thời kỳ đầu, chưa thể khẳng định thành mô hình hay điển hình thành công để có thể làm mẫu căn cứ, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.
Trên thế giới cũng đã có nhiều quốc gia triển khai thành công tuy nhiên các điều kiện, nguồn lực, môi trường, chính sách, phong tục, thói quen,…của các quốc gia đó có nhiều điểm khác biệt so với Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh.
Do đó, mặc dù chúng ta đã nghiên cứu, tìm hiểu các thành công, bài học kinh nghiệm,… của các mô hình triển khai của các nước và các tỉnh nhưng để triển khai thành công Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh vẫn là một khó khăn, thách thức lớn.
c) Về thủ tục hành chính
Đề án 30 về cải cách hành chính của Tỉnh đã đang được triển khai giai đoạn 3 (Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước), nhưng đến nay việc cải cách hành chính vẫn chưa thực sự đồng bộ, thủ tục hành chính còn rườm rà, trùng chéo, chưa quy định rõ được sự liên thông thủ tục hành chính giữa các cơ quan, đơn vị. Sức ỳ của bộ máy hành chính các cấp còn lớn, việc tuyên truyền để tổ chức, công dân biết, tìm hiểu, giao dịch còn hạn chế. Hiện đại hóa nền hành chính đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới vẫn là một thách thức lớn.
d) Thách thức về triển khai Chính quyền điện tử trong 3 năm (Từ 2012 - 2014)
Với khối lượng công việc lớn, trên diện rộng, nhiều cấp việc đảm bảo tiến độ triển khai trong gần 3 năm (từ năm 2012 đến 2014) là một thách thức lớn trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Đề án. Mặt khác, các khâu, công đoạn tổ chức, sự phối hợp, phân công của các đơn vị, địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có sự không thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng thì tiến độ, triển khai sẽ khó hoàn thành. Đồng thời về mặt thủ tục, pháp lý, quy trình trong quá trình tổ chức thực hiện đầu tư các dự án (chủ yếu tại các khâu thẩm định, phê duyệt) sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
PHẦN V: XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH I. Quan điểm chủ đạo
Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa, tận dụng những thành tựu, kết quả đã có, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông của tỉnh, song cần có những đột phá trong phát triển với những mục tiêu cao hơn, tốc độ nhanh hơn.
Phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu, số lượng và chất lượng trên cơ sở phát huy nội lực, tận dụng tri thức và các nguồn lực của các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu quốc gia, các doanh nghiệp, các tổ chức đào tạo công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đồng thời thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài nước và toàn xã hội tham gia đầu tư phát triển.
Vận dụng linh hoạt các quy định hiện hành để áp dụng mức ưu tiên, ưu đãi cao nhằm thu hút, dành cho các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, các cơ sở đào tạo công nghệ thông tin tham gia xây dựng và triển khai Đề án.
II. Mục tiêu tổng quát
Căn cứ các mục tiêu trong quyết định 1605/QĐ-TTg ngày 27/08/2010 của Thủ tướng chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015; Quảng Ninh lấy đó làm kim chỉ nam để xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh, gồm các mục tiêu tổng quát sau:
Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử.
Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ của các cơ quan nhà nước, hướng tới nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động.
Cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp, làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước minh bạch hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
III. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2012-20141. Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng 1. Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng
Đến hết quý II năm 2014 cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng thông tin, triển khai các thành phần cốt lõi, cấu trúc nền tảng của chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh, cụ thể:
Hạ tầng thiết bị: Có Trung tâm tích hợp dữ liệu (Data Center) đạt tiêu chuẩn, đảm bảo vận hành ổn định hệ thống chính quyền điện tử giai đoạn 2012 - 2014 và giai đoạn tiếp theo; 100% cán bộ, công chức được trang bị đủ phương tiện làm việc (máy tính, máy in, máy quét…).
Hạ tầng mạng diện rộng: Có mạng diện rộng với đường truyền tốc độ cao, kết nối thông suốt các đơn vị quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh đến cấp phường, xã, thị trấn.
Hạ tầng mạng cục bộ: 100% các đơn vị cấp phường, xã, thị trấn được nâng cấp, hoàn thiện mạng cục bộ.
Hạ tầng phần mềm: Có kiến trúc nền tảng để phát triển các phần mềm ứng dụng và dịch vụ công theo chuẩn nhất quán, tích hợp thuận tiện các ứng dụng có sẵn và có thể liên thông kết nối với các ứng dụng do ngành dọc triển khai.
Kênh giao tiếp nội bộ: Hoàn thiện hệ thống hội nghị truyền hình tỉnh.