Hoạt tính sinh học

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đánh giá hoạt tính sinh học tinh dầu quả ngò và bước đầu ứng dụng vào sản phẩm gel tắm (Trang 32 - 37)

1.1.6.1. Hoạt tính kháng khuẩn

Hoạt tính kháng khuẩn được thử nghiệm theo phương pháp khuyếch tán trên thạch: trải đều vi sinh vật với một số lượng nhất định lên trên mặt thạch. Đặt đĩa giấy (d = 6 mm) đã tẩm tinh dầu, theo các nồng độ từ nguyên chất đến pha loãng dần, lên bề mặt thạch. Tinh dầu sẽ khuyếch tán vào trong thạch và ức chế sự tăng trưởng của vi sinh vật tạo

14

ra vòng kháng khuẩn tròn đều chung quanh đĩa giấy. Đường kính vòng càng lớn nghĩa là khả năng ức chế vi khuẩn tương ứng của tinh dầu chọn thử nghiệm càng cao. Năm 2002, J. Delaquis Pascal và cộng sự cho biết kết quả kháng khuẩn của tinh dầu quả ngò như sau:[15]

Bảng 1.6: Kết quả hoạt tính kháng khuẩn của tinh dầu quả ngò

Vi khuẩn MIC (% v/v)

Pseudomonas fragi Không ức chế(0.5)

Escherichia coli 0.23

Salmonella typhimurium Không ức chế (0.5)

Listeria monocytogenes 0.47

Staphylococcus aureus 0.40

Saccharomyces cerevisiae 0.13

Năm 2010, Phan Bích Hà và Lê Ngọc Thạch khi thử hoạt tính sinh học tinh dầu quả, lá, thân cây ngò thu hái tại Đồng Nai trích ly từ hai phương pháp CD ( chưng cất hơi nước cổ điển) và VS (chưng cất hơi nước chiếu xạ vi sóng) đã kết luận rằng: Tinh dầu quả ngò có hoạt tính kháng vi sinh vật với các vi khuẩn gây ra bệnh tiêu chảy (Vibrio cholerae, Escherichia coli, Shigella flexneri), gây ngộ độc thực phẩm (Staphylococcus aureus, Bacillus cereus), gây bệnh thương hàn (Salmonella typhi), và gây nhiễm nấm da ở người (Candida albicans). Tinh dầu quả ngò thu được từ hai phương pháp đều không xuất hiện vòng vô trùng trên Pseudomonas aeruginosa. Nhìn chung, tinh dầu ngò thu được từ phương pháp VS có hoạt tính kháng vi sinh vật mạnh hơn tinh dầu thu được từ phương pháp CD, nhất là các mẫu pha loãng. Điều này có thể giải thích là do sự khác nhau về thành phần hóa học của tinh dầu được ly trích từ hai phương pháp. Tinh dầu lá và tinh dầu thân ngò có khả năng kháng mạnh với các vi khuẩn gram (+), trong khi đó tinh dầu quả ngò lại thể hiện hoạt tính kháng các chủng vi khuẩn gram (-) mạnh hơn. Nguyên nhân là do thành phần trong tinh dầu lá và tinh dầu thân ngò chủ yếu là các aldehyde dây dài, khác biệt hoàn toàn với linalol – thành phần chính của tinh dầu quả ngò.[16]

15

1.1.6.2. Hoạt tính kháng oxi hóa

Năm 2004, Wangensteen cùng cộng sự đã chỉ ra rằng sự hiện diện của oxy tự do có thể gây ra sự mất cân bằng oxi hóa và phóng thích các gốc tự do làm tổn thương mô và các tế bào trong cơ thể. Cả lá và hạt của cây ngò đều chứa chất chống oxy hóa nhưng lá chứa lượng chất chống oxy hóa nhiều hơn hạt. Hàm lượng chất chống oxy hóa của ngò được cho là do hàm lượng sắc tố cao đặc biệt là carotenoids. Các carotenoids từ dịch chiết của cây ngò đã thể hiện tiềm năng chống gốc tự do hydroxyl rất cao, do đó bảo vệ các tế bào khỏi các tổn thương do gốc tự do.[17]

Năm 2012, Darughe cùng cộng sự đã công bố tinh dầu ngò là một hợp chất chống oxy hóa rất tiềm năng. Các thành phần chính của tinh dầu là: camphor (44,99%), cyclohexanol acetate (14,45%), limonene (7,17%), α-pinene (6,37%). Tinh dầu ở tỉ lệ 0,05, 0,10 và 0,15 rất hiệu quả trong việc ức chế các sản phẩm oxy hóa sơ cấp và thứ cấp. Khi ở tỷ lệ 0,02%, tác dụng của nó gần như bằng BHA (butylated hydroxyanisole). Cũng trong cùng năm đó, Darughe đã nghiên cứu tác dụng chống oxy hóa của tinh dầu ngò trong bánh và kết luận tác dụng kháng oxi hóa là do sự hiện diện của các thành phần terpenoid như (camphor, limonene, α-pinene và geraniol) có trong thành phần tinh dầu. Các thành phần này ngăn cản quá trình peroxy hóa lipid gây ra mất cân bằng oxy hóa tạo ra mùi khó chịu, thay đổi màu sắc cũng như suy giảm giá trị dinh dưỡng. Vì thế tinh dầu ngò có thể được sử dụng như một chất chống oxy hóa tự nhiên để tăng cường sự ổn định của nhiều loại thực phẩm.[18]

Năm 2011, Asmita Dutta và Mukesh Singh đã công bố dịch chiết của lá và quả cây ngò với nước có tác dụng chống lại các tác nhân oxi hóa: DPPH, hematoxilin, sự peroxid hóa lipid, chelating kim loại và bảo vệ DNA khỏi tổn thương từ các gốc tự do. Các thí nghiệm được tiến hành trong môi trường in-vitro đã cho thấy hiệu quả tiêu diệt các gốc tự do rất tích cực. Chiết xuất còn cho thấy tác dụng bảo vệ rõ rệt DNA của bộ gen tuyến ức khỏi các tổn thương từ các tác nhân oxi hóa, chống lại sự peroxid hóa lipid và chống lại tác động của ion Fe2+ trong dịch mô ở gan dê. Sự bảo vệ DNA tối ưu chống lại tổn thương từ các gốc tự do tại nồng độ 350 μg dịch chiết cây ngò.[19]

16

1.1.6.3. Hoạt tính kháng nấm

Độ ẩm và độ pH của thực phẩm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của nấm, đặc biệt là trong thực phẩm có độ ẩm cao. Các loại nấm phổ biến thường được tìm thấy trong thực phẩm là Penicillium expansum, Penicillium stoloniferum, Rhizopus stolonifer, Aspergillus niger, Monilia sitophila và loài Mucor và Geotrichum. Đặc biệt trong số này các chủng : Penicillium expansum, Penicillium stoloniferum và Mucor là nấm tiết ra độc tố gây ngộ độc cấp tính. Năm 2012, Darughe và cộng sự đã nghiên cứu hoạt tính kháng nấm của tinh dầu quả ngò trên bánh có độ ẩm và pH dao động trong khoảng từ 13 đến 15,5% và 6,64% đến 7,81%. Sau 30 ngày, kết quả cho thấy rằng tỷ lệ nấm trong bánh có chứa tinh dầu ngò ở mức 0,05% không khác biệt so với bánh có chứa 0,01% BHA và cả hai loại thuốc không thể kiểm soát sự phát triển của nấm mốc trong bánh nhưng khi tăng nồng độ của tinh dầu lên đến 0,15%, hoạt tính kháng nấm của tinh dầu cho thấy sự kiểm soát tốt hơn đối với sự phát triển của nấm mốc trong bánh so với mẫu đối chứng và mẫu BHA.[20]

1.1.6.4. Hoạt tính kháng kí sinh trùng

Năm 2007, Debella cùng cộng sự đã nghiên cứu hoạt tính chống giun trong môi trường in vitro từ chiết xuất hydro-alcolholic của quả ngò, thí nghiệm này được nghiên cứu trên trứng và ký sinh trùng trưởng thành Haemonchus contortus gây nên thiếu máu, phù nề, và dẫn đến tử vong ở cừu và dê nhiễm bệnh. Dịch chiết nước được thử nghiệm hoạt tính chống giun in-vivo ở cừu bị nhiễm H.contortus. Kết quả cho thấy rằng cả hai loại chiết xuất của ngò đều ức chế sự nở hoàn toàn của trứng giun ở nồng độ dưới 0,5 mg ml.[21]

1.1.6.5. Hoạt tính hạ đường huyết

Năm 2011, Deepa và Anuradha đã nghiên cứu hoạt tính hạ đường huyết của quả ngò trên chuột và đã đưa ra kết luận rằng việc kết hợp chiết xuất quả ngò vào trong chế độ ăn uống dẫn đến giảm đường huyết rõ rệt và tăng mức độ tiết insulin ở chuột mắc bệnh tiểu đường. Bên cạnh việc ức chế tổn thương do sự peroxy hóa, việc bổ sung các chiết xuất từ hạt của cây ngò đã kích hoạt lại các enzyme chống oxy hóa góp phần tăng cường mức độ chống oxy hóa ở chuột mắc bệnh tiểu đường. Năm 1999, Gray và Flatt đã nghiên cứu sự giải phóng hoocmon insulin trên chuột khi có sự xuất hiện của cây

17

ngò trong khẩu phần ăn. Kết quả quan sát cho thấy rằng mức độ tiêu thụ nước của chuột được kích thích gấp 1,3-5,7 lần so với bài tiết insulin từ dòng tế bào trilon B. Chiết xuất nước quả ngò (1 mg/ml) làm tăng vận chuyển 2-deoxyglucose lên gấp 1,6 lần, oxy hóa glucose gấp 1,4 lần và kết hợp glucose vào glycogen trong cơ bụng chuột lên 1,7 lần.[24][25]

1.1.6.6. Hoạt tính an thần

Năm 2011, Mahendra và Bisht đã nghiên cứu hoạt tính chống lo âu của chiết xuất MeOH và EtOH từ cây ngò ở chuột và sử dụng diazepam(thuốc an thần dòng benzodiazepine) làm tiêu chuẩn. Kết quả cho thấy rằng chiết xuất 100 và 200 mg/kg tạo ra tác dụng chống lo âu mạnh tương tự như diazepam. Năm 2005, Masoumeh cùng các cộng sự cũng trong nghiên cứu hoạt tính an thần của cây ngò đã kết luận. Chiết xuất nước của cây ngò có tác dụng giảm lo âu và được nghiên cứu bằng cách sử dụng một chiết xuất EtOH có hàm lượng lần lượt (10, 25, 50, 100 mg/kg) ở chuột bạch tạng đực sử dụng các mê cung như một mô hình khiến cho động vật lo lắng. Kết quả cho thấy rằng chiết xuất nước cây ngò ở hàm lượng 50, 100 và 500 mg/kg làm giảm đáng kể các hành động bộc phát và dẫn truyền xung thần kinh của neuron ở các cơ, so với nhóm chuột đối chứng. Tất cả những kết quả này đã dẫn đến kết luận rằng chiết xuất cây ngò có thể được sử dụng như một thuốc an thần và giãn cơ rất tiềm năng.[26][27]

18

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đánh giá hoạt tính sinh học tinh dầu quả ngò và bước đầu ứng dụng vào sản phẩm gel tắm (Trang 32 - 37)