Nhằm khắc phục các tồn tại nói trên, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX ngày 06/10/1992 đã thông qua nghị quyết về việc bàn giao công tác thi hành án từ Tòa án nhân dân các cấp sang cơ quan của Chính phủ. Đặc biệt sau khi Pháp lệnh thi hành án dân sự 1993 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/1993 và thay thế Pháp lệnh dân sự năm 1989 cũng như chỉ thị số 266/TTg ngày 02/6/1993 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 30/CP ngày 02/6/1993 của Chính phủ đã tạo bước ngoặt lớn về tổ chức và hoạt động thi hành án, đưa công tác này sang một giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thì kỳ đổi mới. Theo đó, công tác thi hành án dân sự được chuyển từ Tòa án nhân dân các cấp sang các cơ quan của Chính phủ. Mô hình tổ chức cơ quan thi hành án dân sự được thiết lập với hai loại cơ quan: Cơ quan quản lý thi hành án dân sự và Cơ quan thi hành án dân sự. Địa vị pháp lý của Chấp
hành viên, quyền tự định đoạt của đương sự tiếp tục được khẳng định. Ngoài ra, Pháp lệnh thi hành án dân sự 1993 cũng có những qui định nhằm xác lập cơ chế phối hợp của các ngành, cấp trong công tác thi hành án dân sự. Tuy nhiên, do được ban hành trong điều kiện khẩn trương nhằm kịp thời triển khai thi hành nghị quyết về bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Tòa án nhân dân các cấp sang cơ quan của Chính phủ, nên những sửa đổi, bổ sung của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993 là rất khiêm tốn, chủ yếu tập trung vào sự chuyển đổi cơ chế thi hành án, mà không có sự sửa đổi, bổ sung về mặt trình tự, thủ tục thi hành án.