Vị thế nằm trên tuyến hành lang kinh tế quan trọng Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lào Cai là trọng điểm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Để thu hút đầu tư, Lào Cai đang tăng cường thông tin công khai, chính xác, đầy đủ về quy hoạch phát triển công nghiệp, các cơ chế khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp FDI; hoàn thiện cơ chế về đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư… nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bên cạnh kết quả đạt được, thu hút FDI trên địa bàn còn một số hạn chế như: Dù tỉnh có nhiều lợi thế (nguồn khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn, môi trường đầu tư được đánh giá hấp dẫn...), nhưng trên thực tế Lào Cai chưa thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, đầu tư vào những lĩnh vực trọng yếu như công nghiệp nặng, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao. Một số nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi cơ hội, chờ các điều kiện hạ tầng nhất định mới triển khai đầu tư.
Một là, chưa thu hút được các dự án đầu tư quy mô lớn từ các nước phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ...) hoạt động trên các lĩnh vực khuyến khích đầu tư có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao. Khi xét về chỉ tiêu tổng số vốn các lĩnh vực lần lượt đóng góp cho nền kinh tế toàn tỉnh là nông nghiệp (1,134 triệu USD), công nghiệp (18,871 triệu USD), Dịch vụ (6,260 triệu USD).
Hai là, các dự án có mức bình quân vốn đăng ký thấp, nếu dựa trên chỉ tiêu tổng số vốn đầu tư thì giai đoạn 2016 – 2020 đã không thực hiện được đúng với kế hoạch tỉnh đặt ra. Bên cạnh đó, nguồn vốn trong giai đoạn này đã giảm mạnh so với tổng nguồn vốn giai đoạn trước đó 5 năm. Sự kém hiệu quả trong thu hút nguồn vốn FDI mới của tỉnh trong giai đoạn này được thể hiện rõ ràng qua chỉ tiêu bình quân vốn đăng ký trên dự án, nguồn vốn bình quân mà nhà đầu tư bỏ ra cho tỉnh là quá thấp, gần 4 triệu USD cho một dự án. Những dự án nhỏ sẽ tạm thời chưa tạo ra được giá trị kinh tế lớn cho địa phương trong thời gian tới.
Ba là, một số dự án đã thực hiện đầu tư, song hầu như không hoạt động, hiệu quả sử dụng đất kém, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư, tuy nhiên các cơ chế, chính sách và áp dụng các chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Theo số liệu thống kê, tỉnh đã phải loại bỏ ít nhất 5 dự án khỏi danh mục đầu tư hoặc đăng ký đầu tư vì có nhiều biểu hiện của các dự án ma, hoạt động trái pháp luật.
Bốn là, nguồn lao động đáp ứng yêu cầu để cung ứng cho các dự án đầu tư lớn còn
thiếu, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn cao. Tại các địa phương cơ cấu dự án thu hút được còn phân chia chủ yếu về thành phố Lào Cai và huyện Bát Xát, đây là hai khu trung tâm của toàn tỉnh, nên các dự án chủ yêu được đầu tư vào đây xuất phát từ lí do nguồn nhân lực. Lao động ở khu vực trung tâm được đào tạo bài bản, có điều kiện cơ sở học tập tốt hơn ở các khu vực khác như huyện Mường Khương hay huyện Si Ma Cai.
Mặc dù đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã thông xe toàn tuyến từ tháng 9/2014, nhưng là tỉnh miền núi, cách xa các trung tâm đô thị lớn, nên chi phí vận chuyển cao so với một số tỉnh đồng bằng, điều này ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư FDI vào địa phương. Hơn
nữa, Lào Cai là địa phương có tới 64% là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí hạn chế, đội ngũ nhân lực có trình độ còn thiếu, kiến thức về kinh tế quốc tế, ngoại ngữ, khả năng nghiên cứu sâu về thị trường nên chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của các doanh nghiệp FDI.