Phát hành thư bảo lãnh, xác nhận bảo lãnh

Một phần của tài liệu Hoàn thiện và phát triển nghiệp vụ bảo lãnh tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu Tư và Phát Triển Thăng Long (Trang 29 - 31)

Đây là hình thức được sử dụng khá phổ biến trong thực tế. Một thư bảo lãnh phải thật rõ ràng, đầy đủ, chính xác, chặt chẽ và tránh những chi tiết thừa, dùng từ chính xác, không đa nghĩa..Do đó tất cả các thư bảo lãnh phải ghi rõ:

- Tên của thư bảo lãnh: Thường thể hiện được mục đích của việc bảo lãnh chẳng hạn như bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng....

- Tên và địa chỉ người nhận. - Phần mở đầu: gồm

+ Các thành viên tham gia hợp đồng, số hợp đồng, ngày ký hợp đồng liên quan đến yêu cầu bảo lãnh.

+ Tên hàng (công trình) giá trị bảo lãnh. + Mục đích bảo lãnh.

- Phần nội dung gồm:

+ Tên địa chỉ đăng ký của ngân hàng bảo lãnh, người được bảo lãnh và người thụ hưởng bảo lãnh.

+ Số tiền tối đa và loại tiền tệ phải trả (bằng số và chữ).

+ Điều kiện đòi tiền là điều khoản quan trọng nhất của một thư bảo lãnh vì nó thể hiện mối quan hệ giữa các bên trong hợp đồng cơ sở và sự thoả thuận về việc phân chia rủi ro giữa các chủ thể này. Thường có 3 điều kiện trả tiền như sau:

- Bảo lãnh trả tiền theo yêu cầu đầu tiên: Thư bảo lãnh này chỉ quy định người thụ hưởng xuất trình yêu cầu đòi tiền hoặc một văn bản tuyên bố đơn phương người được bảo lãnh đã vi phạm hợp đồng cơ sở.

- Bảo lãnh trả tiền trên cơ sở xuất trình chứng từ nghĩa là người thụ hưởng được phép đòi tiền nếu xuất trình đầy đủ các chứng từ quy định trong thư bảo lãnh.

- Bảo lãnh trả tiền trên cơ sở xuất trình phán quyết của toà án về sự vi phạm của người được bảo lãnh.

+ Thời hạn hiệu lực: thời gian mà bảo lãnh vẫn còn hiệu lực có thể quy định đến một ngày cụ thể hoặc bao nhiêu ngày kể từ khi phát hành, hay hết hạn dựa trên một sự kiện xảy ra trong quan hệ hợp đồng cơ sở, có thể kết hợp các hình thức trên.

Việc quy định thời hạn hiệu lực có ý nghĩa quan trọng đối với các bên tham gia.

- Với ngân hàng: trong thời gian còn hiệu lực của thư bảo lãnh, ngân hàng có thể sẽ phải thực hiện nghĩa vụ với người thụ hưởng, vì thế phải luôn chuẩn bị ngân quỹ để đề phòng.

- Với người thụ hưởng: trong thời gian này họ có quyền đòi tiền theo thư bảo lãnh để đảm bảo quyền lợi cho mình.

- Với người được bảo lãnh: phải thực hiện nghĩa vụ về tài chính, trả phí bảo lãnh, rủi ro.

+ Việc trả lại thư bảo lãnh: người thụ hưởng bảo lãnh phải trả lại thư bảo lãnh khi hết hạn hoặc thư bảo lãnh sẽ tự động hết hạn cho dù nó có được trả lại hay không.

+ Điều khoản khấu trừ (nếu có): Có ý nghĩa làm giảm số tiền tối đa của thư bảo lãnh theo tiến độ thực hiện hợp đồng cơ sở, do đó làm giảm dần trách nhiệm của ngân hàng và người được bảo lãnh theo thư bảo lãnh .

+ Luật áp dụng và cơ quan tài phán: Nếu là bảo lãnh trong nước thì tất nhiên là áp dụng luật và cơ quan toà án trong nước. Trong bảo lãnh quốc tế thì cần xác định rõ thư bảo lãnh này áp dụng theo luật pháp nước nào, cơ quan toà án nào được chọn khi kiện tụng.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện và phát triển nghiệp vụ bảo lãnh tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu Tư và Phát Triển Thăng Long (Trang 29 - 31)