Hình thức này được sử dụng chủ yếu đối với loại hình bảo lãnh vay vốn và bảo lãnh thanh toán. Sau khi kiểm tra và đối chiếu giữa bộ hối phiếu do bên được bảo lãnh phát hành hoặc lệnh phiếu do bên nhận bảo lãnh phát hành với các nội dung tương xứng trong hợp đồng gốc, ngân hàng sẽ ký nhận bảo lãnh cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho bên được bảo lãnh nếu họ không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình.
1.5.3.Hình thức khác theo quy định của pháp luật
- Thư tín dụng trả chậm: Loại này thường được sử dụng trong bảo lãnh thanh toán và bảo lãnh vay vốn.
- Giấy chứng nhận kỳ hạn nợ với nước ngoài, thường được sử dụng trong bảo lãnh vay vốn nước ngoài.
1.5.4.Phân biệt bảo lãnh ngân hàng với L/C và bảo hiểm
Bảo lãnh và một số công cụ khác như L/C, bảo hiểm đều cùng chức năng đảm bảo thanh toán cho bên thụ hưởng khi có rủi ro xảy ra. Tuy nhiên, bảo lãnh và L/C, bảo hiểm vẫn có nhiều sự khác biệt rất lớn.
1.5.1.1.Sự khác nhau giữa bảo lãnh ngân hàng và L/C
Nghiệp vụ bảo lãnh mang tính dự phòng còn nghiệp vụ thư tín dụng có tính thực hiện, do bảo lãnh có chức năng đảm bảo quyền lợi cho bên thụ hưởng khi xảy ra rủi ro (không thanh toán, không giao hàng theo hợp đồng …), còn nghiệp vụ thư tín dụng có chức năng bảo đảm thanh toán cho bên thụ hưởng khi bên thụ hưởng thực hiện việc giao hàng theo đúng điều kiện hợp đồng.
Bảo lãnh ngân hàng không chịu sự điều chỉnh thống nhất bởi một bộ Luật mà do nhiều bộ Luật khác nhau điều chỉnh (Luật quốc gia liên quan đến bảo lãnh, các quy tắc thống nhất về bảo lãnh hợp đồng – URCG ICC…). Trong khi đó nghiệp vụ thư tín dụng được điều chỉnh theo các quy tắc thống nhất thực hành về tín dụng chứng từ - UCP ICC).
Kỹ thuật thực hiện cũng khác nhau: Bảo lãnh không tự động tất toán và kết thúc khi hết hạn hiệu lực, chi phí thì thông thường bên yêu cầu bảo lãnh chịu, còn thư tín dụng sẽ tự động hết hạn sau thời hạn hiệu lực và chi phí được phân bổ đều cho các bên liên quan.
1.5.1.2.Sự khác nhau giữa bảo lãnh ngân hàng và bảo hiểm
Bảo lãnh ngân hàng do ngân hàng thực hiện còn bảo hiểm thường do công ty bảo hiểm thực hiện.
Bảo lãnh có tác dụng ngăn ngừa rủi ro phát sinh nhiều hơn là khắc phục hậu quả. Bảo hiểm thì ngược lại, tức là có tác dụng khắc phục hậu quả rủi ro nhiều hơn là tác dụng ngăn ngừa rủi ro.
Bảo lãnh lấy tiền của bên vi phạm trả cho bên thụ hưởng còn Bảo hiểm phân chia tổn thất của người nhận tiền bảo hiểm cho những người tham gia bảo hiểm.
1.6.CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HOẠT ĐỘNG BẢO LÃNH VÀ CHẤT LƯỢNG BẢO LÃNH NGÂN HÀNG