Môi trường pháp lý đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nghiệp vụ bảo lãnh trong NHTM. Nếu môi trường pháp lý đầy đủ, phù hợp với thực tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nghiệp vụ bảo lãnh phát triển và ngược lại. Vì vậy, việc tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ chặt chẽ thống nhất phù hợp với thực tế hoạt động của Ngân hàng Việt Nam là yêu cầu rất cần thiết.
Nhà nước cần thực hiện các biện pháp sau nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý:
- Chính phủ và các Bộ cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các vấn đề bảo lãnh, cầm cố, thế chấp tài sản, quy định rõ danh mục tài sản cầm cố và quy định xử lý danh mục tài sản thế chấp, cầm cố khi doanh nghiệp không trả được nợ ngân hàng, cũng như quy chế đấu thầu để đảm bảo chắc chắn rằng tất cả các doanh nghiệp có đủ điều kiện đều có cơ hội tham gia.
- Cấp đủ vốn cho DNNN để đảm bảo yêu cầu hoạt động sản xuất trong lĩnh vực sản xuất cơ bản.
- Đối với các dự án của Nhà nước thì khi có vốn mới cho phép đấu thầu, quy định mức giá trần, sàn để đảm bảo chất lượng công trình và tránh tình trạng phá giá trong xây dựng cơ bản.
- Thanh toán vốn trong xây dựng cơ bản theo tiến độ thi công để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp xây lắp.
- Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để khi thế chấp tài sản được đảm bảo, thành lập các cơ quan để đăng ký giao dịch đảm bảo nhanh chóng thuận tiện.
- Yêu cầu các doanh nghiệp hàng năm phải thực hiện việc kiểm toán, qua đó đánh giá chính xác hoạt động của doanh nghiệp
- Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các DNNN, nhằm nâng cao vai trò làm chủ thực sự các doanh nghiệp, đặc biệt là khẳng định quyền sở hữu hợp pháp của các doanh nghiệp này đối với các tài sản đem thế chấp để làm căn cứ bảo đảm quyền lợi của Ngân hàng khi thực hiện bảo lãnh.
- Tiếp tục xây dựng một cơ chế thị trường đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống tín dụng - tiền tệ và ổn định giá cả. Cải cách chính sách kinh tế đối ngoại, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách mở cửa hợp tác kinh tế với nước ngoài.