Khắc họa nhân vật thông qua hành động bên trong

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong kịch lưu quang vũ luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 84 - 87)

Tính cách nhân vật không phải lúc nào cũng thống nhất với hành động bên ngoài. Có khi, nhân vật hành động không giống như suy nghĩ, nhằm che giấu cho những suy nghĩ thầm kín bên trong. Hoặc có khi, đó không phải là một hành động bên ngoài đơn thuần, bộc phát mà do sự chi phối của hành động bên trong. Kịch, nhờ có sự trợ giúp của các thủ pháp sân khấu cùng với việc sử dụng đắc địa thủ pháp phân thân mà trong nhiều trường hợp, hành động bên trong của nhân vật được thể hiện một cách sinh động, công chúng có thể nhìn thấy chúng, xem chúng một cách trực tiếp. Những xung đột nội tâm mang sắc thái trữ tình thường có trong kịch Lưu Quang Vũ khiến cho kiểu hành động này xuất hiện với tần suất lớn, thông qua đó, ta nhận ra được những nét khác nhau trong tính cách nhân vật cũng như đời sống nội tâm phong phú và sinh động của họ. Dạng hành động này thường bắt gặp ở các kiểu nhân vật bi kịch, nhân vật lưỡng hóa.

Nhân vật Trương Ba trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt là nhân vật thể hiện sinh động sự phong phú của hệ thống hành động bên trong và bên ngoài. Trú ngụ trong thân xác anh hàng thịt, hàng loạt những thay đổi không

mong muốn đã đến với hồn Trương Ba. Ông hành động trái ngược với bản tính của mình để rồi ngay sau đó lại cảm thấy ân hận, đau khổ. Linh hồn bế tắc, khốn khổ của ông cố gắng hành động để chống trả lại thân xác nó đang nương nhờ nhưng đành bất lực. Hành động tìm mọi cách để bảo vệ cho linh hồn, tìm mọi cách để chối bỏ cái thể xác không thuộc về mình được thôi thúc từ bên trong bởi khát vọng trở về chính mình và nỗi lo sợ, dự cảm về nguy cơ bị xác thịt tha hóa. Quyết định rời bỏ thân xác hàng thịt, đón nhận cái chết của Trương Ba tưởng chừng là hành động buông xuôi, bất lực nhưng thực chất lại là kết quả của một cuộc đấu tranh gay gắt giữa lẽ sống và cái chết. Và khi đã ý thức được về một sự sống đích thực thì chết là một hành động tự nguyện, thanh thản. Hàng loạt các hành động quyết liệt của Trương Ba đã thêm một lần nữa chứng tỏ cho nhân cách trong sáng, lương thiện trong tâm hồn ông. Cuộc đấu tranh giữa hai phần thiện và ác, cao quý và thấp hèn trong một con người cũng luôn không hề đơn giản mà chỉ có ý chí tự hoàn thiện mình mới có thể giúp cho con người vượt lên hoàn cảnh để hướng thiện.

Vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy là tấn bi kịch của tất cả các nhân vật chính. Hành động chế tạo ra hai rô-bốt người máy lấy nguyên mẫu từ Vân và Thùy Liên của Hoàng thực chất là sự bất lực của con người trước đời sống thực tại. Diễn biến của vở kịch đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những suy nghĩ, tâm trạng, cái bên trong thôi thúc Hoàng: mơ ước về sự toàn thiện, toàn mỹ của con người, cái mà Hoàng luôn luôn khát khao nhưng không thể với tới. Anh thất bại bởi con người không thể chỉ sống trong ảo tưởng dù những điều ảo tưởng có tốt đẹp nhường nào đi nữa. Liên và Vân của đời thực quay cuồng trong những toan tính vật chất của cuộc sống, mệt mỏi và bế tắc. Vân và Liên người máy chông chênh, lạc lõng trong cái xã hội vốn tồn tại nhiều điều rất thực tế. Họ không thể tìm được ý nghĩa và niềm vui từ cuộc sống bởi họ chỉ đang sống với một phần phiến diện trong con người mình. Không thể chỉ sống bằng những mơ ước nhưng cũng đừng để mình thành con rối trong

dòng chảy cuộc đời nhiều phức tạp. Con người cần phải biết sống giữa cuộc đời này để cho cái phần tốt đẹp trong mình được tỏa sáng. Hành động tìm trở về với vùng quê xưa, với cánh đồng và những bông hoa cúc xanh của Liên, Vân người máy thực chất là hành động tìm về với phần tốt đẹp trong mỗi con người, trong Vân, Liên. Không phải hoa cúc xanh thôi thúc họ trở về nhìn ngắm và thả hồn trong đó mà cái phần trong sáng, thánh thiện kêu gọi họ trở về với nó. Đừng để những toan tính, bon chen của cuộc sống đời thường khiến ta tự đánh mất mình. Một thái độ sống tích cực sẽ khiến cho con người làm chủ cuộc đời, làm chủ số phận, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nhân vật Hà Thu trong Nữ ký giả để hoàn thành vai trò tình báo đã phải vứt bỏ thân phận của cô bé Lan ngày nào để vào vai một nữ ký giả thuộc về một tờ báo của lực lượng thứ ba trung lập. Trong nhiệm vụ, cô luôn là một chiến sĩ tình báo thông minh, dũng cảm, việc làm của cô đã mang lại những thông tin hữu ích cho cách mạng. Nhưng từ sâu thẳm, con người của cô bé Lan tình cảm ngày nào vẫn còn vẹn nguyên. Đứng trước cái chết đang chờ bác Tám mà không thể làm gì để giúp đỡ, hai con người trong cô, một của tình cảm yêu thương, một của trách nhiệm, lý trí cùng lên tiếng. Nỗi đau đớn dày vò khiến cho Hà Thu cảm thấy vai trò mà mình đang gánh vác thật nặng nề, “cái vai trò mà tôi phải đóng này kéo dài quá lâu rồi”; cảm thấy “sức

người có hạn” mà cô đã vượt quá cái giới hạn chịu đựng ấy; cô khao khát

được trở về với gia đình, với mẹ, với Lan của ngày xưa. Nhưng cũng lúc ấy, tiếng nói của trách nhiệm, của lý trí lên tiếng. Đó là tiếng nói của người ý thức được trọng trách mình đang mang trên vai: “Nên luôn nhớ: chị là Hà Thu, chị không phải là Lan, không hề là Lan. Hà Thu, hãy mau qua cơn

hoang mang xáo động đi, hãy bình tĩnh trở lại là chị”. Con người cũ - Lan là

khát khao trở về của Hà Thu nhưng cũng chính là đối tượng để Hà Thu giãy bày nỗi hoang mang của mình, lại là nơi an ủi, là nơi tiếp thêm sức lực cho Hà Thu. Cuộc đấu tranh gay gắt ấy cùng hành động tự trấn an của Hà Thu đã

khiến cho hình ảnh của cô hiện lên thật đẹp, thật cao thượng. Đó là người phụ nữ bé nhỏ nhưng có sức chịu đựng, có lý trí và đức hi sinh lớn lao, một nữ tình báo kiên cường, dũng cảm nhưng cũng là một cô gái mang tâm hồn nhạy cảm, tha thiết được yêu thương, vỗ về. Sự đối lập giữa hành động bên trong và hành động bên ngoài, cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt đã giúp cho nhân vật hiện lên một cách chân thực, gần gũi, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp

Thế giới nhân vật kịch là thế giới của những con người khát khao

hành động, cảm hóa, thuyết phục và mang lại nhận thức cho độc giả, khán

giả bằng hành động” [13, tr. 272]. Mọi vấn đề của kịch đến với công chúng

qua nhân vật; mọi đặc điểm tính cách của nhân vật lại được thể hiện qua hành động. Thông qua các hành động, nhân vật không chỉ bộc lộ cách nhận thức, suy nghĩ, thái độ trước cuộc sống mà còn là thước đo đạo đức và nhân phẩm. Hành động bên ngoài có khi thống nhất với hành động bên trong, có tác dụng thể hiện một cách trực tiếp tính cách nhưng cũng có khi chính hành động bên trong, vì một lý do nào đó lại thúc đẩy hành động bên ngoài đi ngược lại với nó. Ở trường hợp này, nhân vật thường diễn ra cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt, khi nhiều tiếng nói trong họ cùng lên tiếng. Sự đa diện trong tính cách nhân vật có cơ hội được bộc lộ. Đó cũng là những gì ta có được ở nhân vật kịch Lưu Quang Vũ.

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong kịch lưu quang vũ luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 84 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)