Bên cạnh tính chính luận, tính triết lý và chất thơ, kịch Lưu Quang Vũ cũng không thiếu ngôn ngữ hài hước, dí dỏm. Kiểu ngôn ngữ này thường xuất
hiện trong đối thoại của các nhân vật, là một cách Lưu Quang Vũ để cho nhân vật tự bộc lộ mình, nhiều khi là tự lật tẩy bản chất. Nguyễn Toàn Nha (Bệnh sĩ), Hoát (Trái tim trong trắng) giống nhau ở kiểu ngôn ngữ mang đậm tính hình thức, khoa trương và sáo rỗng. Thường xuyên xuất hiện trong phát ngôn của Toàn Nha những từ về đổi mới, dân chủ nhưng thực chất chỉ là những lời nói suông mà bản thân anh ta cũng không hiểu rõ bản chất. Ngôn ngữ đối thoại đó vạch trần bản chất ấu trĩ, bảo thủ, học đòi của một AQ chính hiệu. Ngôn ngữ hài hước cũng được đặt khá nhiều vào trong các nhân vật mang dáng dấp của nhân vật hề chèo như chúng tôi đã nói đến trước đó. Ở những nhân vật này, ngôn ngữ hài hước không chỉ giúp phản ánh một vấn đề, một hiện tượng nào đó mà còn cho thấy sự thông minh, dí dỏm của nhân vật. Ông Quých trong Tôi và chúng ta là một kiểu nhân vật như thế. Hãy nghe cuộc đối thoại của ông với nhân vật Bộ trưởng.
Ông Quých:
Bộ trưởng:
Ông Quých:
Bộ trưởng:
Người ta bảo: sự thật mất lòng, mà sự thật rõ hơn nữa thì mang vạ vào thân ạ.
Đã yêu sự thật thì không sợ mang vạ vào thân, đã là lẽ phải thì không sợ gì hết, tôi đảm bảo với bác như vậy.
Vâng, nghe bác nói tôi rất yên tâm… Tôi làm thợ ba chục năm nay mà đây là lần đầu tiên được đứng trước mặt vị Bộ trưởng, lại là Ủy viên Trung ương Đảng. Quả là chúng tôi rất kính trọng những người như các bác, nhưng ở dưới các bác còn nhiều người lợi dụng chức quyền làm khổ chúng tôi, làm ảnh hưởng đến uy tín của các bác, mà các bác như giời ấy, giời ở cao quá, không đến được...
Sao lại không đến được, nếu như bác muốn đến? Tôi đã đến xí nghiệp này không chỉ một lần, còn các bác thì có thèm đến chỗ chúng tôi bao giờ đâu.
Ông Quých: Dạ thưa bác đến thế nào được ạ. Vẫn biết các bác là đầy tớ của nhân dân nhưng đến nhà các ông đầy tớ... khó lắm.
Lời của Ông Quých khiến cho người ta bật cười nhưng ngay sau đó phải suy ngẫm rất nhiều về tính nghiêm túc của nó. Ông đã nói lên một hiện tượng có thực mang tính phổ biến. Và ông còn tỏ ra thông cảm với Việt: “Dạ thưa bác, “quan đần, dân khổ”, mà như quan không đần thì quan khổ. Anh
Việt là người phụ trách không đần, nên giờ anh Việt khổ”. Những lời đối
thoại ấy cho thấy sự thẳng thắn của ông Quých đồng thời cũng chứng tỏ cho trí tuệ thông minh, dí dỏm của người công nhân này. Ông đã có cái nhìn bao quát, biết phát hiện hiện tượng khái quát thành những vấn đề mang tính bản chất đúng đắn, đặt ra vấn đề một cách khéo léo khiến cho người nghe không thể không lưu tâm, suy nghĩ. Ấy là một con người đầy tinh thần trách nhiệm, dám dũng cảm nói ra chính kiến của mình, dám bảo vệ người mình yêu mến, bảo vệ chân lý mà mình cho là đúng nhưng vẫn mang dáng dấp của người dân thật thà, chất phác. Cũng có đôi khi, tiếng nói hài hước được đặt vào một vài nhân vật phụ nhưng không phải để khắc họa nhân vật ấy mà nhằm một mục đích khác, thường là nổi bật một nội dung ý nghĩa nào đó trong tác phẩm, hoặc làm điểm tựa để nổi bật tính cách của nhân vật chính. Các nhân vật như anh lác (Nguồn sáng trong đời), ông Cau có, bà Sợ sệt, ông Gầy, chị Béo
(Hoa cúc xanh trên đầm lầy),… là một ví dụ.
Có thể khẳng định, một trong những yếu tố làm nên thành công trong kịch Lưu Quang Vũ cũng như góp phần đắc lực trong việc khắc họa hình tượng nhân vật trong kịch của ông chính là ngôn ngữ. Ngôn ngữ trong kịch ông chủ yếu là ngôn ngữ đối thoại và độc thoại, mang đậm chất chính luận, màu sắc triết lý, giàu chất thơ và cũng không kém phần hài hước, dí dỏm. Thông qua hệ thống ngôn ngữ tính cách của nhân vật được cụ thể hóa sinh động, là “lời ăn tiếng nói” của họ chứ không nhầm lẫn với một ai khác. “Các nhân vật kịch Lưu Quang Vũ nói năng bằng một thứ ngôn ngữ dung dị, gần
gũi với hình thức hội thoại hàng ngày nhưng vẫn bóng bẩy, hình tượng. Tính đa nghĩa và sức biểu cảm của ngôn ngữ còn được nâng cao hơn khi anh biết tạo nên một kiểu văn bản đối thoại đa âm, đa giọng điệu: giọng suy tư trầm mặc, giọng phẫn nộ và cảm thương, nghiêm trang và hài hước, thành thực và đưa đẩy, chân chất và hóm hỉnh,… Có thể nói là trong văn học kịch Việt Nam hiện đại, Lưu Quang Vũ là tác giả đã tạo được một phong cách ngôn ngữ có
nhiều sáng tạo” [53, tr. 96].
Tóm lại, thế giới nhân vật kịch phong phú với nhiều hạng người, kiểu người, ở nhiều vị trí khác nhau, với các tính cách khác nhau trong kịch Lưu Quang Vũ đã được khắc họa sinh động và thành công bằng các phương thức biểu hiện nghệ thuật là chung của kịch nhưng cũng mang những đặc điểm rất riêng, rất “Lưu Quang Vũ”. Thông qua xung đột, hành động và ngôn ngữ kịch, Lưu Quang Vũ đã bằng tài năng của mình xây dựng các nhân vật, tuy có thể cùng một kiểu loại nhưng vẫn mang những đặc điểm riêng, là một “con
người này” sinh động. Nghệ thuật khắc họa nhân vật được chú trọng cả ở
những nhân vật phụ khiến cho họ cũng mang những đặc điểm tính cách riêng, để lại ấn tượng sâu đậm. Khắc họa thế giới nhân vật - đó là một thành công lớn trong kịch Lưu Quang Vũ khiến cho kịch của ông có sức sống lâu bền đến tận hôm nay
KẾT LUẬN
Là một tên tuổi sáng giá của nền sân khấu kịch Việt Nam những năm 80 của thế kỷ XX, mang đến “một thời hoàng kim chưa biết bao giờ trở lại
của sân khấu”, Lưu Quang Vũ ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng bằng tài
năng nghệ thuật, tinh thần làm việc nghiêm túc và sức làm việc phi thường ông đã để lại một sự nghiệp sáng tác khá đồ sộ với hơn 50 vở kịch, ba tập truyện ngắn và khá nhiều tập thơ (xuất bản cả trước và sau khi mất). Tuy chỉ thực sự đến với kịch vào mười năm cuối đời nhưng đây thực sự là mảnh đất màu mỡ cho tài năng của ông đạt đến độ chín, nơi ông có thể bộc lộ trực tiếp hơn những trải nghiệm khám phá về cuộc sống và cũng có thể đóng góp một cách trực tiếp, tích cực hơn cho cuộc sống. Một trong những thành công lớn trong kịch Lưu Quang Vũ là đã xây dựng được một thế giới nhân vật đa dạng, thuộc nhiều tầng lớp, lứa tuổi, địa vị,… khác nhau mà mỗi nhân vật dù là chính hay phụ, tích cực hay tiêu cực đều có tính cách, đều mang cá tính riêng không thể trộn lẫn. Đi vào tìm hiểu kịch Lưu Quang Vũ cùng với thế giới nhân vật trong kịch ông có thể rút ra một số điểm chính sau:
1. Con đường đến với kịch, trở thành một kịch tác gia sân khấu của Lưu Quang Vũ là một hành trình mang tính tất yếu với những tiền đề khách quan và chủ quan. Lưu Quang Vũ làm thơ từ rất sớm, thơ chính là nơi để ông giãi bày suy nghĩ về cuộc sống, là nơi để tâm hồn ông nương nhờ những lúc đau khổ hay hạnh phúc, chống chếnh, bơ vơ hay tin yêu nồng nhiệt. Ông luôn
“sống hết mình cho bài thơ đã viết” và chính những vần thơ ấy, chính tâm hồn
thơ ấy đã trở thành một mạch nguồn trữ tình xuyên suốt làm nên linh hồn của kịch. Lưu Quang Vũ viết truyện ngắn không nhiều nhưng cũng đủ để người ta tin tưởng vào một tài năng truyện ngắn nhiều triển vọng bởi sức nặng và những giá trị của nó. Truyện ngắn là cầu nối giữa thơ và kịch, nó giúp duy trì chất trữ tình của hồn thơ Lưu Quang Vũ đồng thời chuẩn bị, cung cấp những chất liệu của cuộc sống hiện thực, chân thực và gần gũi nhưng cũng gợi nhiều
nghĩ suy cho kịch. Tài năng nghệ thuật bẩm sinh, hồn thơ nhạy cảm tinh tế, lòng yêu thương chân thành của người nghệ sĩ cùng với những kinh nghiệm sân khấu đã góp phần làm nên thành công của một kịch tác gia sân khấu tiêu biểu của nền sân khấu kịch Việt Nam hiện đại
2. Xây dựng thế giới nhân vật là một trong những thành công tiêu biểu của kịch Lưu Quang Vũ. Nhân vật là một khái niệm quan trọng trong lý luận và nghiên cứu văn học. Trong kịch, yếu tố nhân vật đóng một vai trò cốt tử. Không có nhân vật thì không thể có kịch. Nhân vật kịch vừa là nơi trực tiếp và duy nhất khắc họa hình tượng, thể hiện mâu thuẫn, xung đột, vừa là nơi để truyền tải thông điệp, tư tưởng của tác giả đến công chúng. Việc đi vào tìm hiểu nhân vật trong một vở kịch hay tìm hiểu về thế giới nhân vật trong các sáng tác của một kịch tác gia văn học là một công việc bao quát nhất, toàn diện nhất cho thấy quan niệm, tư tưởng, tài năng nghệ thuật của tác giả cũng như toàn bộ tác phẩm, đặc biệt khi nó được trình diễn trên sân khấu. Bằng vốn hiểu biết sinh động về đời sống, văn học, tài năng nghệ thuật của mình, Lưu Quang Vũ đã xây dựng nên một thế giới nhân vật kịch phong phú, đa dạng, đủ mọi ngành nghề, lứa tuổi. Nhân vật thể hiện những suy nghĩ sâu sắc của tác giả về cuộc đời cũng như các vấn đề xã hội, hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn.
3. Các loại hình nhân vật trong kịch Lưu Quang Vũ rất đa dạng. Ở đây, chúng tôi dựa trên trục đối lập (những mâu thuẫn, xung đột) vốn là bản chất của kịch nói chung, kịch Lưu Quang Vũ nói riêng phân chia thành các cặp - kiểu nhân vật đối lập tiêu biểu: Nhân vật tiên phong - nhân vật bảo thủ; nhân vật bi kịch - nhân vật hài kịch; nhân vật thuần nhất - nhân vật lưỡng hóa. Các tiêu chí như phạm trù thẩm mỹ, đạo đức, văn hóa, tư tưởng,… thường được sử dụng trong việc phân loại nhân vật cũng được tổng hợp để phục vụ cho mục đích phân loại dựa theo trục đối lập này. Cách phân chia này nhằm đặt nhân vật trong sự đối sánh với các nhân vật khác làm nổi bật và khắc họa một
cách toàn diện hơn tính cách nhân vật. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, sự phân chia này cũng chỉ mang tính chất tương đối nhằm làm rõ hơn cho chủ ý của người viết trong việc khắc họa sâu hơn đặc điểm của thế giới nhân vật kịch Lưu Quang Vũ. Trong kiểu nhân vật này, vẫn có những đặc điểm tính cách của kiểu nhân vật kia. Ấy chính là những “con người này” vô cùng phong phú và sinh động.
4. Nghệ thuật xây dựng nhân vật kịch thể hiện vốn hiểu biết phong phú của Lưu Quang Vũ về con người đồng thời chứng minh cho tài năng nghệ thuật của ông. Nhân vật kịch, do những đặc trưng thể loại cũng như những đặc trưng riêng của bản thân nó mà được khắc họa chủ yếu và có hiệu quả thông qua xung đột, hành động và ngôn ngữ nhân vật. Đó cũng là những khía cạnh mà chúng tôi khai thác khi đi vào tìm hiểu nghệ thuật xây dựng nhân vật kịch của ông, thể hiện qua các cặp - kiểu nhân vật tiêu biểu như đã nói ở trên. Kịch ông ít khi đi vào khai thác những xung đột mang tính đối kháng về giai cấp, dân tộc (khi đó đang bị rơi vào lối mòn) mà hướng vào xung đột tính cách và đời sống nội tâm giàu tính trữ tình nên đã mang đến sức hấp dẫn riêng. Đặt nhân vật vào trong các tình huống xung đột đó, nhân vật có điều kiện để bộc lộ tất cả những đặc điểm về tính cách, nhân cách, đặc biệt là thế giới nội tâm phong phú của mình. Vì là các xung đột tính cách, nội tâm và đích đến cuối cùng của các vở kịch luôn là sự tích cực, hướng thiện nên việc giải quyết xung đột trong kịch ông không cần viện đến bạo lực cách mạng, đến tổn thất vật chất to lớn mà thường dựa trên sự tự ý thức của mỗi nhân vật về lẽ sống, lẽ làm người. Nhân vật kịch là nhân vật hành động, bởi vậy, hành động cũng là một trong những yếu tố quan trọng để khắc họa tính cách nhân vật. Thông qua các hành động bên ngoài và hành động bên trong của mình, nhân vật không chỉ bộc lộ cách nhận thức, suy nghĩ, thái độ trước cuộc sống mà đó còn là thước đo cho đạo đức và nhân phẩm. Nhân vật kịch tự thể hiện mình một cách độc lập chỉ bằng hành động và ngôn ngữ của chính mình.
Ngôn ngữ kịch là ngôn ngữ nhân vật. Ngôn ngữ cũng chính một trong những yếu tố làm nên thành công trong kịch Lưu Quang Vũ cũng như góp phần đắc lực trong việc khắc họa hình tượng nhân vật trong kịch của ông. Thông qua hệ thống ngôn ngữ, tính cách của nhân vật được cụ thể hóa sinh động, là “lời ăn tiếng nói” của họ chứ không nhầm lẫn với một ai khác. Có thể nói, thành công qua thế giới nghệ thuật kịch Lưu Quang Vũ chính là thành công của một nghệ thuật xây dựng nhân vật kịch tài năng thông qua xung đột, hành động và ngôn ngữ kịch.
Lưu Quang Vũ là người nghệ sĩ hội tụ cả hai chữ Tâm và Tài. Trong những năm tháng cuộc đời mình, ông như con ong cần mẫn mang lại cho đời nhiều mật ngọt. Từ thơ đến truyện ngắn và cuối cùng là kịch, ta bắt gặp một tâm hồn nhạy cảm, giàu lòng yêu thương cuộc đời, con người, một người nghệ sĩ tài năng và tâm huyết không lúc nào ngừng tìm tòi, sáng tạo. Tuy vẫn còn những hạn chế nhất định nhưng những thành quả to lớn mà Lưu Quang Vũ đã làm cho kịch, đóng góp cho nền sân khấu kịch là không thể phủ nhận. Thông qua kịch, ông không chỉ nói lên được các vấn đề mang tính xã hội và nhân sinh sâu sắc mà còn mang đến sáng tạo mới cho nghệ thuật kịch nước nhà, đáp ứng xuất sắc những yêu cầu từ phía công chúng, khán giả. Lưu Quang Vũ đã “thành công tốt đẹp với cương vị là người mở ra một chặng
đường mới khá thênh thang cho sân khấu kịch Việt Nam hiện đại” [53, tr. 97].