Xung đột về mặt tính cách

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong kịch lưu quang vũ luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 71 - 76)

Đầu tiên, và cũng có thể nói là nhiều nhất trong kịch Lưu Quang Vũ là các xung đột về mặt tính cách. Sự mâu thuẫn diễn ra gay gắt mà thông thường là giữa các tính cách đứng về phe thiện, cái mới với cái ác, cái cũ, đặt trong các chiều đối lập về nhận thức, tư tưởng, đạo đức nhân cách. Kịch Lưu Quang Vũ đã phát huy hiệu quả một đặc điểm lớn của kịch là tính thời đại. Các vở kịch của ông luôn đề cập đến những vấn đề mang tính thời sự nóng bỏng, những vấn đề phức tạp, bất cập của thời kỳ quá độ từ thời chiến sang thời

bình. Bản thân cuộc sống đã chứa đựng nhiều xung đột mâu thuẫn và tác giả đã thành công khi nắm bắt những xung đột ấy, khái quát chúng lên, đề xuất hướng giải quyết mang tính nhân văn.

Trong Tôi và chúng ta, Hoàng Việt, Thanh, Ngà, ông Quých, bà Bộng,… là những người mang quan niệm sống tiên tiến. Nắm được thực trạng xí nghiệp, Hoàng Việt đã không ngần ngại đưa các chủ trương, chính sách mới, tiến bộ thay cho cung cách làm việc cũ; Thanh không chỉ là người chiến sĩ dũng cảm nơi chiến trường mà còn là cô công nhân có cá tính thẳng thắn, có suy nghĩ và lập trường tư tưởng đúng đắn. Cùng với những người công nhân trong xí nghiệp, cô hết lòng ủng hộ các chủ trương, chính sách mới của Hoàng Việt. Đối lập với họ là Phó giám đốc Chính, quản đốc Trương, bà Trưởng phòng tài vụ, Trần Khắc,… những kẻ bảo thủ, chậm tiến và mang tư tưởng trục lợi cá nhân ích kỷ. Ngay từ đầu vở kịch, xung đột trong tư tưởng, quan niệm của các nhân vật đã diễn ra khá gay gắt, thể hiện qua các cuộc đối thoại thực chất là cuộc đấu tranh giữa hai quan niệm và tư tưởng, khiến cho nhân vật tự bộc lộ cá tính cũng như độc giả có cái nhìn chính xác hơn về tính cách, nhận thức và đạo đức của họ. Mang nhận thức đầy tính biện chứng: “Sự vật không đứng yên một chỗ, có cái hôm qua đúng, hôm nay nó thành là vật

cản phải tìm cách phá bỏ”, Hoàng Việt còn hiện thực hóa chúng trong hàng

loạt hành động cụ thể, thiết thực. Với tinh thần trách nhiệm và ý thức cộng đồng cao, anh sẵn sàng “trong khi trên chưa kịp sửa đổi thì cho phép chúng

tôi tự sửa đổi”. Đó là hành động của một người dũng cảm, táo bạo, dám hi

sinh bản thân vì lý tưởng, mục đích cao cả. Nó đối lập với những kẻ mang chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, khư khư bám lấy những nguyên tắc đã trở nên lỗi thời làm vỏ bọc an toàn cho mình như Trần Khắc, Nguyễn Chính,… Xung đột về mặt quan niệm, tính cách càng được đẩy lên cao trào thì bản chất của nhân vật càng được bộc lộ rõ ràng. Khi không thể ngăn cản được Hoàng Việt, những kẻ đại diện cho cái cũ, cái lạc hậu tìm cách hãm hại, trù dập. Nhưng bọn

chúng càng điên cuồng tìm cách chống phá bao nhiêu thì anh càng tỏ ra điềm đạm bấy nhiêu. Anh bình tĩnh tiếp đón đoàn thanh tra bởi biết được tính đúng đắn của những việc mình đang làm, nắm được quy luật vận động tất yếu của cuộc sống và tin vào sự chiến thắng của lẽ phải. Và sự thực, chân lý đã thuộc về lẽ phải, thuộc về những gì hợp quy luật, thuộc về những người dám tranh đấu cho lẽ phải, cho những điều hợp quy luật ấy.

Giống như Hoàng Việt, Định, Dũng (Nếu anh không đốt lửa), Thụy

(Quyền được hạnh phúc),… trên con đường thực hiện lý tưởng cũng vấp

phải sự cản phá từ những kẻ mang tư tưởng bảo thủ, ích kỷ, mưu mô như Trần Trí Tơ, bà Bảo (Nếu anh không đốt lửa), ông Trọng, Đặng Đình Đát

(Quyền được hạnh phúc),… Cuộc xung đột giữa hai quan niệm trái ngược

nhau diễn ra gay gắt. Định mang tư tưởng tiên tiến nhưng hành động còn bộc lộ ít nhiều hạn chế, cuối cùng, tuy chưa thể thực hiện thành công những ý tưởng mình ấp ủ nhưng sự thất bại của anh chỉ mang tính tạm thời bởi giờ đây, đứng về phe của cái tiến bộ, cái thiện, anh không hề đơn độc. Bề ngoài, quan niệm của những kẻ như Trọng, Đình Đát trong Quyền được hạnh phúc

không có gì đi trái với tư tưởng, quan niệm đổi mới. Bản thân họ cũng luôn kêu gọi “phải đổi mới, phải dân chủ”, có điều, tất cả chỉ mang tính hình thức, thực chất lại nhằm kìm hãm đổi mới, chống lại dân chủ. Tôi và chúng ta, Nếu

anh không đốt lửa là cuộc đấu tranh trực diện giữa cái cũ và cái mới thì cuộc

đấu tranh trong Quyền được hạnh phúc cũng hết sức cam go vì cái bảo thủ lại đang đội lốt cái tiến bộ, dùng danh nghĩa của cái tiến bộ để làm việc sai trái. Xung đột vì thế đã phát triển thêm theo một hướng khác: xung đột giữa thiện và ác. Đặng Đình Đát, kẻ trước kia, bằng mưu mô của mình, đẩy ông Thụy vào tù, giờ đây, trước nguy cơ bị lột mặt nạ, hắn đã tìm mọi cách để hãm hại, hòng đưa ông trở lại nhà tù. Bên cạnh đó còn có Trọng, kẻ nâng đỡ Đát và cũng là một cán bộ thoái hóa biến chất, ỷ lại chức quyền để làm điều xấu xa. Bọn chúng đã câu kết lại với nhau để loại bỏ những người không

thuộc phe cánh mình. Xung đột giữa cái cũ - mới, thiện - ác được đẩy lên một bước khi Lê, cán bộ viện kiểm soát chuẩn bị lập hồ sơ tố cáo Đặng Đình Đát, nhà báo Hưng chuẩn bị cho đăng bài báo phanh phui sự thật và thành cao trào khi ông Trọng một mặt, cho dừng cuộc điều tra, mặt khác lại tìm mọi cách hãm hại Hưng nhằm cướp lại cặp tài liệu. Đó là hành động của những kẻ thủ đoạn xảo quyệt, có thể làm mọi thứ để đạt được mục đích, bất chấp nhân tính. Trong tình thế ấy, càng ngời sáng lên tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường của những người như Lê, Hưng, ông Thụy. Chiến thắng cho cái thiện và kết thúc thất bại với những kẻ đứng về cái ác, cái bảo thủ là một điều tất yếu.

Xung đột giữa thiện và ác trong Trái tim trong trắngđược thể hiện qua một vụ án oan khuất. 2000 ngày Luân phải ở tù là kết quả của rất nhiều cái ác hiện hình trong hành động của nhiều kẻ: Là người anh vô tình giết chết em trai nhưng lại đổ tội cho người khác; là cung cách làm việc quan liêu, sai nguyên tắc của Hùng; là sự “đè đầu cưỡi cổ” lẫn nhau của những kẻ cùng cảnh tù; là thói làm việc tắc trách, qua loa của cả một bộ máy, … May mắn là bên cạnh Luân vẫn có những người tin tưởng anh, tin tưởng vào lẽ phải và cái thiện mà kiên quyết bảo vệ anh như Phương, Bốn, chị Bưởi,… Xung đột giữa cái thiện và cái ác được thể hiện qua nhiều tình huống xung đột khác nhau. Đó là anh công an điều tra Hùng, bằng mọi thủ đoạn, kể cả những thủ đoạn tàn nhẫn (dùng bố của Luân ra để ép cung, mớm cung) nhưng vẫn bảo thủ, tin tưởng vào cách thức làm việc của bản thân. Anh ta đã tự bộc lộ nét tính cách độc đoán, nguyên tắc thái quá và có phần lạnh lùng, tàn nhẫn của mình thì Luân lại ngược lại. Hành động nhận tội khi chứng kiến cảnh cha già bị đày đọa không chỉ là sự hiếu thuận của một người con mà sâu xa là tình yêu thương và hi sinh hết mực đến quên cả bản thân mình. Tình huống xung đột giữa Hoát, anh rể Luân, kẻ đạo đức giả và hình thức với Bưởi, Phương, tuy không quá gay gắt nhưng lại là một tình huống giúp bộc lộ một cách chân thực và sâu sắc bản chất và tính cách của từng nhân vật. Trong khi Phương,

Bưởi, Toàn vẫn luôn tin tưởng vào “trái tim trong trắng” của Luân thì Hoát lại đóng vai một nhà đạo đức: “Tôi đã bảo rồi: Tình cảm gia đình máu mủ là thói thường tình, nhưng chớ nên vì thứ tình cảm sướt mướt riêng tư mà làm rắc rối việc công, lại còn gây ra những sự đồn đại làm mất uy tín của chính quyền,

của lãnh đạo, mà không khéo… ảnh hưởng đến cả vị trí công tác của tôi”. Thì

ra tất cả căn nguyên là thói ích kỷ, chỉ khư khư lo cho bản thân của một kẻ vô cảm đến độc ác, “một kẻ ích kỷ, hèn nhát, tàn nhẫn”, “một kẻ không tim”. Bưởi, chị gái Luân và cũng là vợ Hoát vốn là người phụ nữ nhường nhịn và cam chịu nhưng cuối cùng cũng đã không thể chấp nhận sự vô tình và ích kỷ của kẻ mà chị gọi bằng chồng. Phản ứng mang tính “tức nước vỡ bờ” thực chất là một tất yếu. Trong trường hợp này, tình huống xung đột đã đẩy nhân vật đến hành động mang tính đột biến trong tính cách - một sự đột biến logic với bản chất vốn có của nhân vật.

Các nhân vật của Lưu Quang Vũ đều ít nhiều mang những mâu thuẫn nhất định với hoàn cảnh, là mâu thuẫn giữa tính cách với hoàn cảnh đặc biệt là các nhân vật tiên phong và nhân vật bi kịch. Vì là người mang tư tưởng tiến bộ nên suy nghĩ và hành động của nhân vật tiên phong thường đi trước với hoàn cảnh bao chứa nhân vật đó. Định, Hoàng Việt, Thụy,… nhìn thấy trước những bất cập đang diễn ra, trì hoãn sự phát triển của xã hội và đưa ra đề xuất thay đổi nhưng đối diện với họ là cả một chế độ xã hội còn đang trì trệ, chậm phát triển, quan liêu, bao cấp được hiện hình trong các chính sách, nguyên tắc lỗi thời, được hậu thuẫn bởi bộ máy chính quyền bảo thủ. Từ đây, các tính cách có cơ hội để thể hiện và khẳng định sự tiên tiến. Ngay cả trong hoàn cảnh bi kịch, họ vẫn luôn là những người dũng cảm, kiên quyết với lý tưởng mình đã lựa chọn. Tạo nên bi kịch của các nhân vật một phần cũng là từ sự mâu thuẫn giữa tính cách và hoàn cảnh.

Tuy các tính cách đều ít nhiều xung đột với hoàn cảnh nhưng xung đột giữa tính cách với tính cách mới là xung đột cơ bản, xuất hiện với tần số

nhiều nhất trong kịch Lưu Quang Vũ. Kiểu xung đột này cho thấy tính sinh động của đời sống xã hội. Thông qua các xung đột tính cách, nhân vật tự bộc lộ một cách chân thực và được làm sáng tỏ hơn trong sự đối sánh những đặc điểm về tính cách, nhân cách, tư cách. Đây là một kiểu xung đột góp phần đắc lực vào việc khắc họa chân dung nhân vật trong kịch Lưu Quang Vũ.

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong kịch lưu quang vũ luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 71 - 76)