Thể loại truyện ngắn

Một phần của tài liệu Nghệ thuật cây dựng tình huống trong truyện ngắn trào phúng của nguyễn công hoan (Trang 25 - 27)

7. Cấu trúc khóa luận

1.2.1. Thể loại truyện ngắn

Nhận diện thể loại truyện ngắn là nỗ lực liên tục của cả người sáng tác và giới nghiên cứu lí luận. Từ W.Gớt ở thế kỉ XVII cho đến Sêkhốp, từ Lỗ Tấn đến Môpatxăng, từ Antonnôp thế kỉ XIX, XX, đến Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Minh Châu… Họ đưa ra những cách khu biệt khác nhau. Các định nghĩa thường xoáy sâu vào bình diện chính như dung lượng, cốt truyện, nhân vật, chi tiết, ngôn ngữ… để khái quát thành đặc trưng. Mỗi người một quan niệm, tiếng nói chung dường như còn mờ nhạt. Người này cho truyện ngắn là

một “khoảnh khắc”, một “trường hợp”; người khác nhấn mạnh vào nhân vật,

vào tính hàm súc của chi tiết, cô đúc của ngôn từ…

Chúng tôi đồng ý với quan điểm của các tác giả cuốn Từ điển thuật ngữ văn học khi cho rằng: Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Nội dung của

thể loại truyện ngắn bao trùm hết các phương diện của đời sống như đời tư, thế sự hay sử thi; nhưng cái độc đáo của nó là ngắn. Truyện ngắn được viết ra để tiếp thu liền một mạch, đọc một hơi không nghỉ.

Tuy nhiên, mức độ dài ngắn chưa phải là đặc điểm chủ yếu phân biệt truyện ngắn với các tác phẩm tự sự khác. Trong văn học hiện đại có nhiều tác

phẩm rất ngắn, nhưng thực chất lại là những truyện dài viết ngắn lại. Truyện ngắn thời trung đại cũng ngắn nhưng rất gần với truyện vừa. Các hình thức truyện kể dân gian rất ngắn gọn như cổ tích, truyện cười, giai thoại… lại càng không phải là truyện ngắn.

Truyện ngắn hiện đại là một kiểu tư duy mới, một cách nhìn cuộc đời, một cách nắm bắt đời sống rất riêng, mang tính chất thể loại. Cho nên truyện ngắn đích thực xuất hiện tương đối muộn trong lịch sử văn học.

Khác với tiểu thuyết là thể loại chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy đặn và toàn vẹn của nó, truyện ngắn thường hướng tới việc khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn của con người. Vì thế, trong truyện ngắn thường có ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp. Và nếu mỗi nhân vật của tiểu thuyết là một thế giới, thì nhân vật của truyện ngắn là một mảnh nhỏ của thế giới ấy. Truyện ngắn thường không nhằm đến việc khắc họa những tính cách điển hình đầy đặn, nhiều mặt trong tương quan với hoản cảnh. Nhân vật của truyện ngắn thường hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người.

Cốt truyện của truyện ngắn thường diễn ra trong một khoảng thời gian, không gian hạn chế, chức năng của nó nói chung là nhận ra một hiện tượng gì đó sâu sắc về cuộc đời và tình người. Kết cấu của truyện ngắn không chia thành nhiều tầng, nhiều tuyến mà thường được xây dựng theo nguyên tắc tương phản hoặc liên tưởng. Bút pháp tường thuật của truyện ngắn thường là chấm phá. Yếu tố quan trọng nhất của truyện ngắn phải là những yếu tố cô đúc, kết tinh dung lượng lớn và lối hành văn mang nhiều ẩn ý, tạo cho tác phẩm có chiều sâu chưa nói hết.

Truyện ngắn là thể loại gần gũi với cuộc sống hàng ngày, súc tích dễ đọc, lại thường gắn với hoạt động báo chí, do đó có tác dụng ảnh hưởng kịp thời trong đời sống. Nhiều nhà văn lớn trên thế giới và ở nước ta đã đạt đến

đỉnh cao của sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật chủ yếu bằng sáng tác truyện ngắn của mình. Nguyễn Công Hoan chính là một đại diện tiêu biểu. Ông đã đặc biệt thành công với thể loại truyện ngắn, nhất là truyện ngắn trào phúng. Vì vậy, tính trào phúng là yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên phong cách nghệ thuật riêng của nhà văn Nguyễn Công Hoan trong nền văn học dân tộc.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật cây dựng tình huống trong truyện ngắn trào phúng của nguyễn công hoan (Trang 25 - 27)