7. Cấu trúc khóa luận
2.1.2. Tình huống bi hài kịch
Dạng tình huống này thường xuất hiện ở những truyện mà nhân vật chính là những người nghèo khổ lép vế. Đó có thể là một anh đào hát, một cô gái ăn sương, anh phu xe hay một đứa ăn xin, một thằng ăn cắp… Trong tình huống bi hài kịch, nhân vật chính thường là những nạn nhân của xã hội thực dân tư sản. Họ thường phải làm trò một cách bất đắc dĩ, tức diễn trò ngoài ý muốn.
Tiêu biểu cho loại tình huống này, trước tiên phải kể đến truyện Kép Tư Bền. Đây là truyện ngắn mà tác giả đã xây dựng được một tình huống giàu
kịch tính. Nó là dạng tác phẩm “kịch lồng trong kịch” nên kịch tính của nó được tăng lên đáng kể bằng thủ pháp tăng cấp. Anh Tư Bền vốn là một diễn viên, chuyên diễn kịch mua vui cho thiên hạ để kiếm tiền. Đã là một diễn viên, anh không thể mang những cảm xúc riêng tư lên sân khấu. Nhưng Nguyễn Công Hoan đã đặt nhân vật này trong một tình huống hết sức oái oăm. Cha anh bị ốm nặng. Song vì kiếm kế sinh nhai, anh vẫn phải đi làm.
Lúc đầu, khi anh từ nhà đến rạp để diễn kịch thì cha anh đã “nguy lắm rồi”; trong khi anh đang diễn hề ở trò đầu thì nhận được tin báo “Cha anh đã mê đặc, chân tay lạnh cả rồi”. Tư Bền cố gắng diễn xong cảnh cuối cùng để về
ngay với cha. Nhưng đã có một chuyện ngoài ý muốn xảy ra: khán giả và ông chủ rạp hát yêu cầu anh diễn lại. Cực chẳng đã, anh phải chấp thuận. Nhưng, xong buổi diễn, trước khi rời kịch trường về với cha thì anh hay tin cha anh đã
“hỏng từ ban nãy rồi”.
Như vậy, các tình tiết của truyện đã được tác giả huy động nhằm đẩy tình huống phát triển lên cao trào theo lối tăng cấp. Có thể nói nhân vật Kép Tư Bền đã bị đẩy vào tình thế vô cùng oái oăm, nghiệt ngã và anh không có quyền chọn lựa. Trong khi người cha thân yêu của anh ở vào phút lâm trung thì anh lại phải ra sân khấu làm trò cười cho thiên hạ. Chính vì thế khi truyện kết thúc, tiếng cười chua chát đầy tính bi hài đã bật ra cùng với những giọt nước mắt cảm thương cho số phận những người nghệ sĩ nghèo.
Còn trong Người ngựa và ngựa người, tác giả tạo nên tình huống bi hài
kịch giữa anh phu xe nghèo khổ và một cô gái ăn sương, đồng thời phóng đại tình huống đó lên theo lối tăng cấp: anh phu xe cố đón thêm chuyến khách để kiếm gạo về cho gia đình ăn tết. Nhưng đi mãi mà không có một vị khách nào. Đến lúc có khách thì lại là một cô gái ăn sương. Cô này thuê anh kéo
theo giờ để kiếm khách làng chơi. Đi hết một giờ mà không gặp khách nào. Đi thêm một giờ nữa cũng vậy. Đi thêm ba giờ vẫn không gặp ai. Pháo đã nổ đêm giao thừa. Sắp hết ba giờ đồng hồ anh phu xe đã hi vọng sắp có tiền về quê ăn tết với vợ con. 12 giờ đêm, cô gái định gán khăn, áo, đồng hồ cho anh xe vì không có tiền. Anh xe không nhận và đành kéo thêm giờ với hi vọng cô gái sẽ có khách. Nhưng 2 giờ sáng vẫn không có khách nào. Cô gái nghĩ đến
việc gán thân cho anh xe. Anh phải “lạy”, “van” cô gái và đành kéo cô về nhà cô, hi vọng “có cái gì thì ta lấy, còn hơn về không”. Đi qua một nhà săm, cô gái vào “vay tiền”. Anh xe lại chờ đợi, hi vọng. Nhưng mãi không thấy người ra vì cô đã chuồn theo cửa sau mất tăm. Anh xe “choáng người, nghe như tiếng sét đánh”.
Truyện kể như “bịa” nhưng đây là “chuyện bịa có thật”, bởi mọi chi
tiết, tình tiết được tác giả sắp xếp, dẫn dắt theo một mạch kể hợp lôgic. Tất cả đều tham gia vào việc tăng cấp cho tình huống truyện. Và khi truyện kết thúc đột ngột, bất ngờ là lúc cô gái giang hồ chuồn mất còn anh phu xe ra về tay
trắng thì tiếng cười bật ra. Nhưng đó là tiếng cười chua xót cho kiếp “ngựa người và người ngựa”, tiếng cười hòa nước mắt. Khi đọc xong truyện ngắn Nguyễn Khắc Hiếu đã phải thốt lên: “Được đến chỗ đau đớn của đời người, truyện bịa chơi mà trò đời có” [8. Tr 136].
Với những tình huống bi hài kịch, có một loại nhân vật rất được tác giả chú ý quan tâm - đó chính là những đứa ăn xin, những thằng ăn cắp.
Trong truyện “Răng con chó của nhà tư sản”, tác giả đã xây dựng tình
huống dựa trên một sự đối sánh đến ngược đời: chó của kẻ giàu còn sung sướng hơn người nghèo. Con chó của nhà tư sản được chủ nó nâng niu, chăm
sóc với “cái đầu vuông như chữ điền… cái bụng thon, mõm ngắn… khỏe và nhanh lắm”. Cơm của nó còn là nỗi thèm khát của một đứa trẻ được tác giả ví như “một vật gì đen đen, lù lù ở ngoài cổng… bốn chân tay khẳng khiu, đen
thui thủi, dài ngoằng ngoẵng”. Đứa trẻ ăn mày tội nghiệp đã từng “muốn đánh đổi số phận hắn cho con chó nhà giàu”. Trong khi con người nghèo khổ không có miếng ăn, thì một con chó lại “chê cơm nhạt”. Tác giả đã khéo léo
xây dựng tình huống éo le dựa trên một bức tranh tương phản đến nghiệt ngã. Không những thế, tình huống còn được đẩy lên cao trào khi vì đói quá, thằng bé đã dám liều mạng ăn trộm miếng cơm của con chó. Nhưng không may, nó
đánh gãy hai chiếc răng của con chó. Chính vì “thương con chó bị gãy hai cái răng”, gã tư sản sẵn sàng “kẹp cho mày chết tươi” vì gã ta cho rằng “bất quá ba chục bạc là cùng”. Tiếng cười bật ra rừ câu chuyện mang nhiều sắc thái. Ở
đó có sự căm phẫn đối với kẻ tư sản coi mạng người không bằng hai chiếc
răng của một con chó. Nhưng sau tiếng cười ấy, không ít bạn đọc xót xa, rơi
nước mắt vì số phận của một con người nghèo khổ, vì miếng ăn mà đánh đổi cả tính mạng.
Thằng ăn cắp trong Thằng ăn cắp hay Bữa no… đòn cũng vậy. Chỉ là
những câu chuyện nhỏ vặt xoay quanh miếng ăn, nhưng ở mỗi tình huống, tác
giả lại có lối viết rất riêng. Trong Bữa no… đòn, thằng Canh chỉ ăn cắp một củ khoai lang. Nhưng sự việc không thành. Canh bị phát hiện, truyện chỉ đơn giản là thế. Song tiếng cười bật ra ở chỗ dưới trận mưa đòn “Đấm. Đá. Thụi. Bịch. Cẳng chân. Cẳng tay. Như mưa vào đầu. Như mưa vào lưng. Như mưa vào chân nó”, nó vẫn cố tiêu thụ vật ăn cắp “nó vẫn nhai, vẫn nuốt”. Rồi “biết thế nguy, nó không nhai, trợn mắt lên để nuốt chửng”. Nó liều sống, liều chết để được một bữa no. Ngay cả khi bị đánh nhừ tử nó vẫn “gò miệng vào gần tay, co tay vào gần miệng, nó đưa bật được miếng khoai nát bét, lẫn cả đất vào mồm”. Tiếng cười sảng khoái là thế song cũng chua chát là thế. Bởi thằng Canh “trong khi lăn vào ăn để được một bữa no bụng, nó quên rằng đang bị một trận đòn nhừ tử”.
Văn học Việt Nam 1930 - 1945 đã có không ít tác giả đã viết về cái đói. Nếu trong những tác phẩm của Nam Cao, cái đói đã trở thành một nỗi ám ảnh
thì trong các sáng tác của Nguyễn Công Hoan, nó cũng thật dữ dội. Nếu bà cụ
trong Một bữa no của Nam Cao đã ngó lơ lòng tự trọng của mình để có một
bữa no, thì những thằng ăn cắp, những đứa ăn xin trong tác phẩm của Nguyễn Công Hoan cũng dám liều mạng vì miếng ăn. Nhưng kết cục, no bụng thì cũng no đòn, thậm chí, có những lúc họ phải trả giá bằng chính tính mạng của mình.
Viết về cái đói, cái khổ của người lao động, đặt họ trong những tình
huống “cười ra nước mắt”, quả thực, sức mạnh phê phán và tố cáo của
Nguyễn Công Hoan tăng lên gấp bội.
Như vậy, với cách xây dựng tình huống linh hoạt và sáng tạo như trên, Nguyễn Công Hoan đã khẳng định một phong cách riêng không lặp lại, tạo ra tiếng cười mạnh mẽ vạch trần bản chất xã hội. Sự độc đáo trong quá trình tư duy của nhà văn xuất phát từ cảm xúc dội dào, từ trí tưởng tượng phong phú,
từ nhãn quan trào phúng vô tiền khoáng hậu. Nguyễn Công Hoan đã khái quát
hiện tượng sống bằng hình thức lựa chọn những tình huống cụ thể và độc đáo. Để xây dựng được những tình huống như vậy, nhà văn đã sử dụng nhiều phương thức nghệ thuật như xây dựng nhân vật, sử dụng ngôn ngữ đặc sắc kết hợp với giọng điệu nghệ thuật linh hoạt và tạo kết cục đột ngột, bất ngờ. Mỗi phương thức thể hiện một tài năng riêng tạo nên phong cách nghệ thuật toàn diện của một cây bút truyện ngắn bậc thầy.