Để tiến hành phân tích tình hình tài chính, người phân tích phải sử dụng rất nhiều tài liệu khác nhau, trong đó chủ yếu là các báo cáo tài chính. Báo cáo tài chính rất hữu ích đối với việc quản trị doanh nghiệp và là nguồn thông tin tài chính chủ yếu đối với những người ngoài doanh nghiệp. Báo cáo tài chính không những cho biết tình hình tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo mà còn cho thấy những kết quả hoạt động mà doanh nghiệp đạt được trong tình hình đó. Các báo cáo tài chính chủ yếu được sử dụng gồm : bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính.
1.5.1. Bảng cân đối kế toán.
Khái niệm, ý nghĩa.
Bảng cân đối kế toán là một báo cáo tài chính phản ánh tổng quát tình hình tài sản của doanh nghiệp, tại một thời điểm nhất định, dưới hình thái tiền tệ theo giá trị tài sản và nguồn hình thành tài sản. Về bản chất, bảng cân đối kế toán là một bảng cân đối tổng hợp giữa tài sản với vốn chủ sở hữu và công nợ phải trả.
Bảng cân đối kế toán là tài liệu quan trọng để nghiên cứu, đánh giá một cách tổng quát tình hình và kết quả kinh doanh, trình độ sử dụng vốn và những triển vọng kinh tế, tài chính của doanh nghiệp.
+ Phần phản ánh giá trị tài sản gọi là “Tài sản”. Phần “Tài sản” phản ánh giá trị ghi sổ của toàn bộ tài sản hiện có của doanh nghiệp đến cuối năm kế toán đang tồn tại dưới các hình thái và trong tất cả các giai đoạn, các khâu của quá trình kinh doanh. Các chỉ tiêu phản ánh trong phần tài sản được sắp xếp theo nội dung kinh tế của các loại tài sản của doanh nghiệp.
+ Phần phản ánh nguồn hình thành tài sản gọi là “Nguồn vốn”. Các chỉ tiêu ở phần nguồn vốn được sắp xếp theo từng nguồn hình thành tài sản của đơn vị. Tỷ lệ và kết cấu của từng nguồn vốn trong tổng số nguồn vốn hiện có phản ánh tính chất hoạt động, thực trạng tài chính của doanh nghiệp.
Hai phần “Tài sản” và “Nguồn vốn” có thể được trình bày theo hình thức cân đối 2 bên (bên trái và bên phải) hoặc theo hình thức cân đối 2 phần liên tiếp (phía trên và phía dưới). Mỗi phần đều có số tổng cộng và số tổng cộng của hai phần bao giờ cũng bằng nhau, tức là:
Tài sản = Nguồn vốn
hoặc: Tài sản = Vốn chủ sở hữu + Công nợ phải trả.
Kết cấu.
a. Phần tài sản
Nội dung phần tài sản
A-Tài sản ngắn hạn
I. Tiền và các khoản tương đương tiền II. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn III. Các khoản phải thu ngắn hạn
IV. Hàng tồn kho
V. Tài sản ngắn hạn khác B-Tài sản dài hạn
I. Các khoản phải thu dài hạn II. Tài sản cố định
III. Bất động sản đầu tư
IV. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn V. Tài sản dài hạn khác
+ Về mặt kinh tế, các chỉ tiêu của phần “Tài sản”, cho phép đánh giá tổng quát về quy mô vốn, cơ cấu vốn, quan hệ giữa năng lực sản xuất và trình độ sử dụng tài sản.
+ Về mặt pháp lý, phần “Tài sản” thể hiện số tiềm lực mà doanh nghiệp có quyền quản lý, sử dụng lâu dài gắn với mục đích thu được các khoản lợi ích trong tương lai.
b. Phần nguồn vốn: Phản ánh các nguồn hình thành tài sản của doanh nghiệp. Nội dung phần nguồn vốn
A-Nợ phải trả I. Nợ ngắn hạn II. Nợ dài hạn B-Vốn chủ sở hữu I. Vốn chủ sở hữu
II. Nguồn kinh phí và quỹ khác
+ Về mặt kinh tế, phần “nguồn vốn” thể hiện các nguồn hình thành tài sản hiện có, căn cứ vào đó có thể biết tỷ lệ, kết cấu của từng loại nguồn vốn đồng thời phần “nguồn vốn” cũng phản ánh được thực trạng tình hình tài chính của doanh nghiệp.
+ Về mặt pháp lý, người sử dụng bảng cân đối kế toán thấy được trách nhiệm pháp lý về mặt vật chất của doanh nghiệp đối với các đối tượng cấp vốn (nhà nước, ngân hàng, cổ đông...); hay nói cách khác thì các chỉ tiêu phần “nguồn vốn” thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp về tổng số vốn đã đăng ký kinh doanh với Nhà nước, về số tài sản đã hình thành và trách nhiệm phải thanh toán với các khoản nợ (với người lao động, nhà cung cấp, vốn nhà nước)
1.5.2. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
Khái niệm, ý nghĩa
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là một trong những báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tổng quát tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời phản ánh tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh theo từng loại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong một kỳ kế toán và tình hình thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước về thuế và các khoản khác.
Căn cứ vào số liệu trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người sử dụng thông tin có thể có nhận xét và đánh giá khái quát tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tình hình thanh toán các khoản với Nhà nước. Thông qua việc phân tích số liệu trên báo cáo này, ta có thể biết được xu hướng phát triển và hiệu quả kinh doanh của Công ty kỳ này so với các kỳ trước.v.v...
Nội dung, kết cấu
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh phản ánh tình hình kết quả (lãi, lỗ) hoạt động của doanh nghiệp theo từng hoạt động (sản xuất kinh doanh, hoạt động tài chính và hoạt động bất thường). Các chỉ tiêu được phản ánh ở báo cáo này liên quan đến quá trình tính toán, xác định kết quả kinh doanh của từng loại hoạt động cũng như tổng lợi tức trong kỳ của doanh nghiệp.
Các chỉ tiêu ở phần này đều được phản ánh số liệu của kỳ trước, số phát sinh trong kỳ và số luỹ kế từ đầu năm theo từng cột tương ứng để phục vụ cho việc so sánh, phân tích và cung cấp số liệu cho việc lập báo cáo kỳ sau.
1) Tổng doanh thu: Phản ánh tổng số doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp.
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp có tiến hành hoạt động kinh doanh xuất khẩu, chỉ tiêu này còn chi tiết theo doanh thu của hàng xuất khẩu
2) Các khoản giảm trừ: Chỉ tiêu này phản ánh các khoản giảm trừ vào doanh thu bán hàng bao gồm:
- Chiết khấu bán hàng: Là số tiền thưởng cho khách hàng do khách hàng thanh toán trước thời hạn quy định mà doanh nghiệp đã chấp nhận.
- Giảm giá hàng bán: Là số tiền mà đơn vị chấp nhận giảm cho người mua theo chính sách bán hàng của doanh nghiệp cho số hàng hoá, thành phẩm, dịch vụ phát sinh trong kỳ.
- Hàng bán bị trả lại : Phản ánh doanh thu của số hàng tiêu thụ bị khách hàng trả lại. - Thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu: Phản ánh số thuế doanh thu, thuế tiêu thu đặc biệt và thuế xuất khẩu phải nộp cho Nhà nước theo doanh thu phát sinh trong kỳ báo cáo.
3) Doanh thu thuần: Doanh thu thuần là chỉ tiêu được tính bằng cách lấy tổng số doanh thu (chỉ tiêu 1) trừ đi các khoản giảm trừ doanh thu (chỉ tiêu 2)
4)Giá vốn hàng bán: Giá vốn hàng bán phản ánh trị giá gốc của hàng hoá, thành phẩm, dịch vụ đã thực sự tiêu thụ trong kỳ.
6)Doanh thu hoạt động tài chính: phản ánh doanh thu tiền lãi, tiền bản quyền, cổ tức, lợi nhuận được chia và doanh thu hoạt động tài chính khác của doanh nghiệp
7)Chi phí tài chính: phản ánh những khoản chi phí hoạt động tài chính bao gồm các khoản chi phí hoặc các khoản lỗ liên quan đến các hoạt động đầu tư tài chính, chi phí cho vay và đi vay vốn, chi phí góp vốn liên doanh, liên kết, lỗ chuyển nhượng chứng khoán ngắn hạn, chi phí giao dịch bán chứng khoán.
8)Chi phí bán hàng: phản ánh các chi phí thực tế phát sinh trong quá trình bán sản phẩm, hàng hoá, cung cấp dịch vụ bao gồm các chi phí chào hàng, giới thiệu sản phẩm, quảng cáo sản phẩm, hoa hồng bán hàng, chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hoá (trừ hoạt động xây lắp), chi phí bảo quản, đóng gói, vận chuyển,….
9)Chi phí quản lý doanh nghiệp: phản ánh các chi phí quản lý chung của doanh nghiệp gồm các chi phí về lương nhân viên bộ phận quản lý doanh nghiệp (Tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp,. . .); bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn của nhân viên quản lý doanh nghiệp; chi phí vật liệu văn phòng, công cụ lao động, khấu hao TSCĐ dùng cho quản lý doanh nghiệp; tiền thuê đất, thuế môn bài; khoản lập dự phòng phải thu khó đòi; dịch vụ mua ngoài (Điện, nước, điện thoại, fax, bảo hiểm tài sản, cháy nổ. . .); chi phí bằng tiền khác..
10) Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh: Được tính bằng lợi nhuận gộp cộng với khoản chênh lệch giữa doanh thu hoạt động tài chính và chi phí tài chính, trừ đi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
11) Thu nhập khác: phản ánh các khoản thu nhập khác, các khoản doanh thu ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
12) Chi phí khác: phản ánh những khoản chi phí phát sinh do các sự kiện hay các nghiệp vụ riêng biệt với hoạt động thông thường của các doanh nghiệp.
13) Lợi nhuận khác: là phần chênh lệch giữa doanh thu khác và chi phí khác.
14) Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế: Chỉ tiêu này được tính bằng cách lấy nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với lợi nhuận khác.
15) Chi phí thuế TNDN hiện hành: phản ánh chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành phát sinh trong năm của doanh nghiệp( số thuế mà Công ty phải nộp tính trên lợi nhuận chịu thuế)
16) Chi phí thuế TNDN hoãn lại: phản ánh chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh trong năm của doanh nghiệp.
17) Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp: Là phần còn lại của lợi nhuận kinh doanh sau khi đã nộp thuế TNDN.
1.5.3. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Khái niệm, ý nghĩa.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là báo cáo tài chính phản ánh việc hình thành và sử dụng lượng tiền phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp. Thông tin phản ánh trong bảng cung cấp cho các đối tượng sử dụng thông tin có cơ sở để đánh giá khả năng tạo ra tiền và việc sử dụng những khoản tiền đã tạo ra trong các hoạt động của doanh nghiệp.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ nhằm:
+ Cung cấp thông tin để đánh giá khả năng tạo ra các khoản tiền, các khoản tương đương tiền và nhu cầu của doanh nghiệp trong việc sử dụng các khoản tiền.
+ Đánh giá, phân tích thời gian cũng như mức độ chắc chắn của việc tạo ra các khoản tiền và việc sử dụng những khoản tiền đã tạo ra đó trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
+ Đánh giá ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính của doanh nghiệp đối với tình hình tài chính.
+ Cung cấp thông tin để đánh giá khả năng thanh toán và xác định nhu cầu về tiền của doanh nghiệp trong kỳ hoạt động tiếp theo.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ bao gồm: tiền tại quỹ, tiền đang chuyển và các khoản tiền gửi không kỳ hạn, còn các khoản tương đương tiền là các khoản đầu tư ngắn hạn (không quá 3 tháng kề từ ngày mua khoản đầu tư đó), có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có nhiều rủi ro trong chuyển đổi thành tiền (kỳ phiếu ngân hàng, tín phiếu kho bạc, chứng chỉ tiền gửi…). Doanh nghiệp được trình bày các luồng tiền
từ các hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và các hoạt động tài chính theo nhiều cách thức phù hợp nhất với đặc điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
Nội dung, kết cấu:
Gồm 3 phần:
+ Phần lưu chuyển tiền từ hoạt đông kinh doanh: Các chỉ tiêu phần này phản ánh toàn bộ dòng tiền thu chi có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như tiền thu bán hàng, tiền thu từ các khoản phải thu của khách hàng, tiền trả cho người cung cấp, tiền trả cho công nhân viên, tiền nộp thuế, các khoản chi phí cho công tác quản lý v.v...
+ Phần lưu chuyển từ hoạt động đầu tư : Các chỉ tiêu phần này phản ánh toàn bộ dòng tiền có liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Trong phần này cần phân biệt 2 loại đầu tư khác nhau :
- Đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật của doanh nghiệp như đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định, v.v...
- Đầu tư vào đơn vị khác dưới các hình thức, các khoản này trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ không phân biệt đầu tư ngắn hạn hay đầu tư dài hạn.
Các khoản thu chi được phản ánh vào phần này gồm toàn bộ các khoản thu do bán tài sản cố định, thanh lý tài sản cố định, thu hồi các khoản đầu tư vào đơn vị khác, thu lãi đầu tư v.v... Các khoản chi đầu tư mua sắm tài sản cố định, xây dựng cơ bản, chi để đầu tư vào đơn vị khác v.v...
+ Phần lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính : Các chỉ tiêu phần này phản ánh toàn bộ dòng tiền thu chi có liên quan trực tiếp đến hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Hoạt động tài chính gồm các nghiệp vụ làm tăng, giảm nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Các khoản thu, chi được tính vào phần này gồm tiền thu do đi vay, thu do các chủ sở hữu góp vốn, tiền thu từ lãi tiền gửi, tiền trả nợ các khoản vay, trả lại vốn cho các chủ sở hữu, tiền trả lãi cho những người đầu tư vào doanh nghiệp v.v...
Với nội dung như vậy nên báo cáo lưu chuyển tiền tệ được kết cấu thành các dòng để phản ánh các chỉ tiêu liên quan đến việc hình thành và sử dụng các khoản tiền theo từng
loại hoạt động. Các cột ghi chi tiết theo từng loại hoạt động. Các cột ghi chi tiết theo số kỳ này và kỳ trước để có thể đánh giá, phân tích, so sánh giữa các kỳ với nhau.