Quan hệ thương mại Việt Na m Tanzania

Một phần của tài liệu Quan hệ hợp tác thương mại giữa việt nam và các nước châu phi (từ 1986 đến nay) (Trang 93 - 96)

B. Nội dung

2.3.6.Quan hệ thương mại Việt Na m Tanzania

Cộng hoà thống nhất Tanzania ở Đông Phi, diện tích 945.087km2, dân số 37,4 triệu người. Tanzania là thành viên của Cộng đồng Đông Phi (East African Community - EAC) và cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC). GDP đầu người là USD 700 (tính theo PPP, 2005). Việt Nam và Tanzania thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ từ 1965. Năm 2002, Việt Nam đã mở lại đại sứ quán tại Tanzania. Năm 1994, Tổng thống J.Nyerere

dự Hội nghị về hợp tác Nam - Nam với tư cách là Chủ tịch Hội nghị phương Nam và có cuộc gặp với Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.

Tháng 10/2001, Đoàn Bộ thương mại do Thứ trưởng Đỗ Như Đính dẫn đầu đã thăm chính thức Tanzania và ký Hiệp định thương mại (trong đó có quy chế MFN), đây là bước tiến lớn trong quan hệ thương mại giữa hai nước. Tháng 3/2002, Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng thương mại Lê Danh Vĩnh dẫn đầu đã đi khảo sát thị trường Tanzania và bàn các biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước.

Tháng 9/2004 Bộ trưởng Công nghiệp và thương mại Tanzania, J.Ngasongwa đã sang thăm Việt Nam. Tham gia đoàn có đại diện của Bộ ngoại giao, Hiệp hội xúc tiến thương mại, Hiệp hội hạt điều, đại diện các ngành công nghiệp dệt may, chế biến thực phẩm và một số doanh nghiệp. Trong dịp này, Cục xúc tiến thương mại của Việt Nam và Hiệp hội xúc tiến thương mại của Tanzania đã ký Hiệp định hợp tác tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hoạt động.

Hiệp định thương mại Việt Nam - Tanzania được ký kết vào tháng 10/2001 với mục tiêu tạo thuận lợi và phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với luật pháp và quy định của mỗi nước và các nghĩa vụ quốc tế. Hiệp định thương mại khẳng định rằng hai nước sẽ áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết trong khuôn khổ pháp luật và các quy định của mỗi nước để thúc đẩy và tạo thuận lợi cho các quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước. Việt Nam và Tanzania sẽ nỗ lực để đạt được sự cân bằng thương mại giữa hai nước. Hiệp định thương mại Việt Nam - Tanzania tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

Về quy chế đãi ngộ Tối huệ quốc: Việt Nam và Tanzania dành cho nhau đãi ngộ Tối huệ quốc trong các lĩnh vực liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hoá giữa hai nước theo các quy định của Luật pháp quốc tế.

Về thông tin, tạo thuận lợi thương mại: để phát triển hơn nữa thương mại giữa hai nước, Việt Nam và Tanzania sẽ tạo thuận lợi tối đa có thể được cho việc trao đổi thông tin, các đoàn kinh doanh và thương mại.

Về thoả thuận thương mại: các giao dịch thương mại theo bản Hiệp định này sẽ có hiệu lực dựa trên cơ sở các hợp đồng được ký kết giữa các pháp nhân của nước Việt Nam và Tanzania. Các pháp nhân sẽ thực hiện các giao dịch thương mại của họ trên cơ sở tự chịu trách nhiệm về mọi phương diện.

Về giá cả hàng hoá: Việt Nam và Tanzania sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng giá cả các loại hàng hoá được trao đổi theo Hiệp định này sẽ được xác định trên cơ sở giá của thị trường thế giới. Đối với hàng hoá không xác định được giá của thị trường thế giới, mức giá cạnh tranh đối với các hàng hoá có chất lượng tương tự sẽ được áp dụng.

Về tham gia các hội chợ thương mại: theo mục đích của Hiệp định này và căn cứ vào luật pháp của mỗi nước, Việt Nam và Tanzania sẽ: (1) Khuyến khích việc tham gia các hội chợ và triễn lãm quốc tế của hai nước; (2) Cho phép việc tổ chức ở mỗi nước các hội chợ và triển lãm thương mại và cho phép sử dụng các phương tiện cần thiết của nhau để tổ chức các hội chợ và triễn lãm đó; (3) Cho phép và miễn thuế quan, thuế và các khoản phải nộp khác đối với việc nhập khẩu và xuất khẩu các hàng hoá không nhằm mục đích thương mại. Hiệp định thương mại cũng nêu ra các biện pháp tự vệ: với yêu cầu các biện pháp này không được áp dụng một cách tuỳ tiện hoặc phân biệt đối xử, các quy định của Hiệp định thương mại Việt Nam - Tanzania sẽ không giới hạn các quyền của mỗi bên thông qua hay thực hiện các biện pháp: (1) Vì lý do sức khoả cộng đồng, đạo đức, trật tự hay an ninh; (2) Để bảo vệ thực vật và động vật chống lại các loại bệnh và sâu bọ phá hoại; (3) Để bảo vệ khả năng tài chính đối ngoại và cán cân thanh toán; (4) Bảo vệ các tài sản quốc gia hoặc các giá trị nghệ thuật, lịch sử hay khảo cổ.

Một phần của tài liệu Quan hệ hợp tác thương mại giữa việt nam và các nước châu phi (từ 1986 đến nay) (Trang 93 - 96)