B. Nội dung
2.3.5. Quan hệ thương mại Việt Na m Nigeria
Cộng hoà Liên bang Nigeria nằm ở Tây Phi, Nigeria có diện tích 923,768km2, dân số 131,8 triệu người (ước tính 2006). GDP đầu người đạt 1000USD (PPP, 2005). Việt Nam và Nigeria thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/5/1976. Tháng 6/2001 hai nước đã ký Hiệp định thương mại, tạo cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại. Việc thành lập cơ quan thương vụ tại Nigeria năm 2005 sẽ tạo điều kiện thúc đẩy thương mại song phương trong thời gian tới.
Về quan hệ thương mại, hoạt động buôn bán Việt Nam - Nigeria còn khiêm tốn từ năm 1991 đến 1994, hầu như không có trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nigeria (ngoại trừ năm 1992, Việt Nam xuất khẩu được 44.000 USD). Từ năm 1995, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu ổn định sang Nigeria và từ năm 1998 bắt đầu nhập khẩu từ thị trường này. Tổng trị giá trao đổi hàng hoá hai chiều trong cả giai đoạn 1991 - 2001 giữa Việt Nam sang Nigeria 46,823 triệu USD. Trong thời kỳ này, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nigeria đạt 28,28 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu từ Nigeria đạt 18,543 triệu USD. Bắt đầu từ năm 2001, mậu dịch giữa Việt Nam và Nigeria phát triển mạnh. Năm 2003, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 20,9 triệu USD. Đến năm 2005, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước năm 2005 đạt 47,8 triệu USD, bằng kim ngạch cả 10 năm 1991 - 2001.
Những năm gần đây, hoạt động buôn bán giữa Việt Nam và Nigeria liên tục tăng trưởng ổn định. Các doanh nghiệp hai bên đã bắt đầu quan tâm
đến thị trường của nhau. Hàng năm Nigeria có nhu cầu nhập khẩu rất nhiều loại hàng hoá, trong đó có nhiều mặt hàng là thế mạnh của nước ta.
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Nigeria khá đa dạng, bao gồm gạo, sản phẩm cao su, hàng dệt may, đồ điện - điện tử, giày dép, sản phẩm nhựa, hàng thủ công mỹ nghệ, cà phê, chè, vật liệu xây dựng, bột gia vị... Trong đó gạo là mặt hàng quan trọng do Nigeria là một thị trường tiêu thụ lớn với mức nhập khẩu chính thức hàng năm lên tới 1,5 - 1,7 triệu tấn. Xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,8 triệu USD năm 1998; 1,4 triệu USD năm 1999. Tuy nhiên, trong 3 năm 2000, 2001, 2002 nước ta lại không xuất khẩu gạo sang thị trường này. Hiện nay, các sản phẩm cao su (chủ yếu là săm lốp) được xuất khẩu ổn định nhất với kim ngạch trên dưới 4 triệu USD/năm. Những mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất là gạo, các sản phẩm cao su, tivi và các sản phẩm nhựa, vật liệu xây dựng và sác sản phẩm gỗ.
Những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Nigeria gồm có nhựa, nguyên liệu, phân bón, hoa quả, bông, khoáng sản... Đặc biệt, hiện nay ngành công nghiệp chế biến hạt điều của Việt Nam tương đối phát triển. Việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu để phục vụ chế biến hạt điều xuất khẩu cũng là một vấn đề cần thiết khi trong nước chưa đáp ứng đủ. Trong số các nguồn cung cấp hạt điều thô, Nigeria là thị trường rất quan trọng. Nhập khẩu hạt điều thô từ Nigeria vào Việt Nam chiếm tỷ trọng tuyệt đối, lần lượt chiếm, 99% giá trị nhập khẩu năm 99; 88% năm 2000 và 90% năm 2003. Bên cạnh đó, hoa quả cũng là một sản phẩm ta nhập nhiều từ nước này: 5 triệu USD năm 2002.
Về hợp tác, Nigeria quan tâm hợp tác nông nghiệp (thâm canh), tiểu thủ công nghiệp, trao đổi chuyên gia trên lĩnh vực điện tử, bưu chính viễn thông, sản xuất thuốc tân dược; Việt Nam có thể hợp tác trên lĩnh vực khai khoáng, thăm dò và khai thác dầu khí, xây dựng cơ sở hạ tầng, trao đổi kinh nghiệm phát triển nông nghiệp...
Ngoài thương mại hàng hoá, giữa hai nước hiện nay chưa có quan hệ song phương trên các lĩnh vực thương mại dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, hoạt động buôn bán giữa hai nước vẫn còn một số khó khăn nhất định. Kim ngạch trao đổi hàng hoá giữa hai bên còn khiêm tốn. Hiện nay thông tin về thị trường giữa hai nước còn hạn chế. Đối với các công ty xuất nhập khẩu của Việt Nam và đối với nhiều công ty trên thế giới, Nigeria được biết đến như một thị trường kinh doanh có nhiều rủi ro. Phía Việt Nam chưa hiểu các chính sách và luật lệ thương mại của Nigeria và ngược lại nước bạn cũng chưa hiểu rõ các chính sách của ta. Các doanh nghiệp hai bên chưa hiểu biết nhiều về thị trường, cách thức và tập quán kinh doanh của nhau.
Mặc dù Việt Nam và Nigeria đã ký Hiệp định thương mại, trong đó hai bên dành cho nhau quy chế Tối huệ quốc nhưng nhìn chung thuế suất đánh vào các mặt hàng nhập khẩu của Nigeria vẫn còn khá cao và cơ chế nhập khẩu phức tạp. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa ta và Nigeria xa nên cước phí vận tải thường chiếm một tỷ lệ lớn trong hàng và làm giảm tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam. Thêm vào đó, các Ngân hàng của Việt Nam chưa thiết lập quan hệ đại lý với các Ngân hàng Nigeria nên việc thanh toán cũng gặp nhiều hạn chế. Đây là những yếu tố bất lợi và gây tâm lý ngại giao dịch với thị trường này cho các nhà xuất khẩu của ta.