- Có người gánh chịu thiệt hại.
2.3.1. Mồ mả và hành vi xâm phạm mồ mả
2.3.1.1. Mồ mả và quan niệm về mồ mả
Khi cá nhân chết đi, theo tín ngưỡng, tôn giáo, thi thể của cá nhân sẽ được mai táng. Mỗi dân tộc có phương thức mai táng khác nhau theo phong tục của dân tộc mình sẽ mang những ý nghĩa khác nhau. Nếu thi thể cá nhân sau khi chết được tôn trọng và bảo vệ như chính bản thân người đó khi còn sống thì nơi mai táng hay mồ mả, mộ chí theo nhiều cách gọi khác nhau mang ý nghĩa rất quan trọng với đời sống tâm linh của thân nhân, dòng tộc của người chết. Mồ mả là nơi được dùng để chôn cất thi thể hoặc hài cốt của cá nhân. Bảo vệ mồ mả dù ở bất kỳ xã hội nào cũng đều được quan tâm theo phong tục, tập quán, tín ngưỡng và tôn giáo. Pháp luật Việt Nam có các quy định về bảo vệ mồ mả của cá nhân, đồng thời cũng xây dựng các chế tài để
trừng trị người có hành vi xâm phạm mồ mả của người khác. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, pháp luật cũng quy định các chế tài hình sự với các tội danh cho hành vi xâm phạm mồ mả của cá nhân.
Từ thời xưa, thuyết phong thủy hướng dẫn cho con người tìm huyệt đạo cát địa để mai táng tổ tiên, cha mẹ hoặc làm nhà ở, dựng cung điện, thành quách… đã có tác động đến đời sống của con người, trở thành một bộ phận văn hoá phương Đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng. Có thể nói việc mai táng và nơi mai táng, trong văn hóa phương Đông là một việc vô cùng hệ trọng không chỉ với người chết mà còn liên quan tới cả những thế hệ con cháu sau này.
Như vậy, việc mai táng, mồ mả cũng như việc thờ phụng tổ tiên là vấn đề tâm linh, văn hóa lâu đời, đến thời kỳ hiện đại ngày nay cũng còn nguyên giá trị, mồ mả xét dưới góc độ văn hóa còn là giá trị truyền thống, đạo đức xã hội đáng được coi trọng.
Từ cơ sở lý luận nêu trên chúng ta rút ra được các khái niệm: Mồ mả là nơi mai táng thi thể, hài cốt, tro hài cốt của người chết, được đánh dấu bằng những hình khối hoặc những vật chất khác để người thông thường có thể nhận biết được nơi đó là nơi mai táng người chết. Mô mả là quyền nhân thân gắn liền và vĩnh viễn với người chết, không thể chuyển dịch và không thể đổi cho người khác. Mồ mả cũng là quyền nhân thân của những người thân thích, người trong dòng họ của người có mồ mả đó.
Hành vi xâm phạm đến mồ mả là hành vi bị lên án và cần có chế tài yêu cầu bồi thường cụ thể.
2.3.1.2. Hành vi xâm phạm mồ mả
BLDS 2005 đã pháp điển hóa và đưa quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả, cụ thể tại Điều 629 BLDS 2005: “Cá nhân, pháp nhân,
chủ thể khác gây thiệt hại đến mồ mả của người khác thì phải bồi thường thiệt hại. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.” [14].
Đây là một quy định phù hợp với thực tế, bởi trong thời gian qua, khi nền kinh tế nước ta phát triển mạnh theo xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhiều khu công nghiệp mới được xây dựng, khu nhà chung cư, nhà cao tầng, sân bay, bến cảng mọc lên, giao thông và đô thị mở rộng… Để phục vụ cho các dự án công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, việc giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng cũng được đẩy mạnh. Ngoài ra, nhu cầu mở rộng nhà ở sinh hoạt, mặt bằng kinh doanh của người dân cũng rất cao. Từ những điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh và giải phóng mặt bằng, không hiếm trường hợp các chủ đầu tư đã vô tình hay hữu ý xâm phạm đến mồ mả của người khác trên phạm vi diện tích quyền sử dụng đất được giao; hoặc có hành vi lấn chiếm, mở rộng diện tích đất đã xâm phạm đến mồ mả của người khác, những trường hợp này không còn hiếm mà đã xảy ra khá phổ biến. Những hành vi của cá nhân, tổ chức xâm phạm đến mồ mả được xác định gồm:
- Một người có hành vi với bất kỳ mục đích gì mà xâm phạm trực tiếp đến xác, hài cốt của người chết; xâm phạm tính nguyên trạng của xác, hài cốt hoặc làm hao hụt hài cốt, tro hài cốt đã được mai táng dưới mọi hình thức;
- Người có hành vi di chuyển vị trí chôn cất xác, tro hài cốt, hài cốt của cá nhân trái với ý chí của những người thân thích của người chết, ngoại trừ trường hợp phải di dời mồ mả theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Người có hành vi thay đổi bia mộ ghi tên người được mai táng hài cốt, tro hài cốt dưới mộ, gây ra sự nhầm lẫn đối với người thân thích của người đó.
- Người có hành vi san phẳng mồ mả của người chết, làm mất dấu tích của ngôi mộ, khiến không thể phát hiện được vị trí của ngôi mộ đó.
Bất kể cá nhân, tổ chức có một trong các hành vi nêu trên là cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm mồ mả. Ngoài ra, tất cả những hành vi xâm phạm đến không gian, phạm vi, hình dáng ngôi mộ, tường rào bao bọc xung quanh mộ cũng được coi là hành vi xâm phạm mồ mả. Bởi vị trí và khuôn viên xây dựng ngôi mộ có mối liên hệ hữu cơ với mục đích giữ gìn, bảo vệ mộ, bảo vệ hài cốt được mai táng dưới mộ.
Hành vi xâm phạm mồ mả là những hành vi như làm biến dạng bề mặt của mồ mả, đánh tráo bia có khắc tên người có mồ mả, làm mất dấu vết của mồ mả, ăn cắp hài cốt, gây thiệt hại đến phạm vi bảo vệ mồ mả được bao bọc bởi các bức tường, cây cối … tức là các hành vi xâm phạm đến vị trí mai táng, hài cốt, tro hài cốt của người chết theo phong tục, nghi lễ, tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư.
Khi xác định hành vi xâm phạm mồ mả cần phải phân biệt với những hành vi không bị coi là xâm phạm mồ mả, nhưng thuộc trách nhiệm dân sự khác. Hành vi bịa đặt những giai thoại, tin tức thất thiệt gây tổn hại đến danh dự của người có mồ mả khi còn sống, tạo ra những dư luận không có lợi hoặc làm giảm sút uy tín, danh dự của người có mồ mả khi còn sống, ảnh hưởng tới tâm lý của thân nhân người có mồ mả… là hành vi trái pháp luật nhưng không bị coi là hành vi xâm phạm mồ mả.
Trong thực tế, cũng có những trường hợp do nhầm lẫn mà xâm phạm tới mồ mả của người khác. Ví dụ khai quật nhầm mồ mả của cá nhân do thiếu sự cẩn trọng hoặc định vị sai vị trí của mồ mả. Vậy sự nhầm lẫn đó có bị coi là hành vi xâm phạm mồ mả hay không? Nếu xét theo hình thức lỗi thì hành vi đào nhầm mồ mả là lỗi vô ý gây thiệt hại tới mồ mả của người khác.
Nhưng xét về hậu quả của hành vi thì dù là đào nhầm mồ mả cũng là xâm phạm tới mồ mả và cũng đều gây ra những thiệt hại về tài sản và tổn thất về tinh thần nhất định với những đối tượng có liên quan. Hành vi xâm phạm mồ mả bao giờ cũng làm phát sinh thiệt hại về vật chất hoặc về cả vật chất và tinh thần với những người còn sống là thân thích của người có mồ mả. Việc xác định lỗi vô ý hay cố ý chỉ có ý nghĩa trong việc xác định có hay không hành vi phạm tội của người xâm phạm mồ mả mà thôi, còn trách nhiệm dân sự mà cụ thể là trách nhiệm BTTH vẫn không thay đổi trong mọi trường hợp. Do đó người gây thiệt hại dù là lỗi vô ý cũng vẫn phải bồi thường.