Trước khi có BLDS

Một phần của tài liệu Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi trái pháp luật gây ra theo bộ luật dân sự năm 2005 luận văn ths luật (Trang 50)

- Có người gánh chịu thiệt hại.

1.3.1.Trước khi có BLDS

Trong xã hội cổ đại, tranh chấp giữa các cá nhân với nhau chưa có nhiều định chế để giải quyết, chủ yếu được thực hiện bằng việc tự ý trừng phạt lẫn nhau, được gọi là chế độ phục cừu. Tại Việt Nam, khi nghiên cứu bộ luật Hồng Đức và bộ luật Gia Long, thấy đã xuất hiện chế độ phục cừu. Cổ luật không tách biệt trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm thuộc luật tư và cũng chỉ giải quyết các vấn đề thuộc trật tự công. Vì vậy, các điều luật trong bộ luật cổ như bộ Quốc triều Hình luật của nhà Lê hay Hoàng Việt Luật lệ của Gia Long đều quy định các điều khoản trách nhiệm về luật hình, ví dụ như Điều 582 Quốc triều hình luật đã quy định “Nếu những súc vật và chó đã húc, đá và cắn người mà cách làm hiệu và ràng buộc không đúng phép – (theo đúng phép vật nào hay húc người thì phải cắt hai sừng, đá người thì phải buộc hai chân, cắn người thì phải cắt hai tai)- hay là chó dại mà không giết thì người chủ phải phạt 60 lượng. Nếu vì cớ trên, có người chết hay bị thương thì phải tội quá thất. Nếu cố ý thả ra để làm cho người chết hay bị thương thì phải tội kém tội đánh người bị thương hay đánh chết người một bậc. Người được thuê đến để chữa bệnh cho súc

vật, hay là người cố trêu trọc những vật kia, mà bị thương hay chết, thì người chủ không phải tội” [37].

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp đặc biệt, cổ luật Việt Nam cũng quy định sự bồi thường. Nhưng ngoài những trường hợp đặc biệt, Cổ luật Việt Nam không phân biệt rõ rệt hai trách nhiệm hình sự và dân sự và cũng không nêu lên một nguyên tắc tổng quát nào về trách nhiệm dân sự. Trong Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ: hai Bộ luật điển hình của triều đại phong kiến thời Lê, Nguyễn đã ghi nhận điều khoản về trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng. Đối với trường hợp đánh người bị thương, Điều 468 Quốc triều hình luật đã quy định sự nuôi bảo cô. Ví dụ đánh bị thương bằng chân tay thì phải nuôi 10 ngày, bằng vật khác thì phải nuôi 20 ngày, bằng thứ có mũi nhọn hay bằng nước sôi, lửa, thì phải nuôi 40 ngày, đánh gãy xương thì phải nuôi 80 ngày…[37]. Tại Điều 466 Quốc triều hình luật quy định về đánh người gây thương tích, thì ngoài hình phạt về thân thể, người gây thiệt hại phải bồi thường như sau: “Sưng, phù thì phải đền tiền thương tích 3 tiền, chảy máu thì một quan, gẫy một ngón tay, một răng thì đền 10 quan, đâm chém bị thương thì 15 quan, đọa thai chưa thành hình thì phạt 30 quan, đã thành hình thì 50 quan, đứt lưỡi và hỏng âm- dương vật thì 100 quan. Đối với người quyền quý thì lại xử khác” [37]. Quy định bằng cách liệt kê những hành vi gây thiệt hại và ấn định mức phạt trên thực tế đã không phản ánh hết được tính chất và mức độ của hành vi này, bên cạnh đó còn có sự phân biệt giữa các đối tượng bi thiệt hại, phụ thuộc thân thế của người bị thiệt hại thì mức bồi thường cũng sẽ khác nhau. Điều này cho thấy, tuy vào thời kỳ đó, chế định BTTH ngoài hợp đồng đã được đặt ra nhưng còn khá sơ sài và không triệt để. Bên cạnh đó còn có sự phân biệt rõ ràng dựa vào thân thế giữa các đối tượng bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra để ấn định mức phạt, chính yếu tố lịch sử của chế độ phong kiến đã ảnh hưởng tới quy định

này. Như vậy có thể thể thấy Luật Hồng Đức chưa có sự phân biệt rõ rệt giữa trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự. Tuy chỉ được coi là một yếu tố cấu thành trong trách nhiệm hình sự và chưa được coi là một chế định riêng biệt về trách nhiệm dân sự (tức là chỉ bắt người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại mà không trừng phạt về hình sự), song Bộ luật Hồng Đức cũng đã ý thức được vai trò của bồi thường thiệt hại cũng vì thế mà trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã dần dần có xu hướng tách rời khỏi các trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, hai vấn đề là: cơ sở phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng và bồi thường thiệt hại đã được đề cập tới trong trách nhiệm dân sự.

Cả Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ đều đã có sự phân định giữa thiệt hại vật chất và thiệt hại tinh thần. Theo đó, thiệt hại vật chất là những tổn thất vật chất thực tế, xác định được bằng một khoản tiền cụ thể được quy định trong hầu hết các điều luật liên quan đến việc BTTH do có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác. Thiệt hại về tinh thần thì không được quy định cụ thể, tuy nhiên, khi xem xét nội dung của một số điều luật cụ thể thì đã thấy được trong thời kỳ đó, thiệt hại tinh thần đã được đề cập tới. Ví dụ tại Điều 472 Quốc triều hình luật quy định: “trường hợp người nào đánh quan chức bị thương thì ngoài khoản BTTH thương tích còn phải đền một khoản gọi là tiền tạ” [37], nhưng nếu người bị thiệt hại là thường dân thì pháp luật phong kiến lại không quy định. Điều này thể hiện rõ sự phân biệt thân phận và giai cấp cũng như sự bất công trong chế độ phong kiến, pháp luật chỉ bảo vệ danh dự của quan lại mà không bảo vệ danh dự của thường dân.

Thời kỳ Pháp thuộc, nước ta tồn tại song song hai bộ Dân luật, bộ Dân luật Bắc kỳ được áp dụng tại miền Bắc, bộ Dân luật Trung kỳ (Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật) áp dụng tại miền Trung. Chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và bồi thường thiệt hại do hành vi trái

pháp luật gây ra nói riêng đã bắt đầu được định hình rõ nét và phát triển trong thời gian khá dài. Trong Dân luật Bắc kỳ và Dân luật Trung kỳ đã có các quy định cụ thể về các yếu tố làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại đó là: có thiệt hại xảy ra, có hành vi vi phạm, có lỗi, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây ra thiệt hại và hậu quả xảy ra. Cụ thể tại các điều khoản như Điều 22, Điều 712, Điều 713 Dân luật Bắc kỳ và Điều 716, Điều 762 Dân luật Trung kỳ…

Trước khi BLDS 1995 ra đời, chế định BTTH ngoài hợp đồng dưới chế độ mới cũng được các nhà làm luật khá quan tâm để hướng dẫn giải quyết tranh chấp về BTTH ngoài hợp đồng do hành vi trái pháp luật gây ra. Minh chứng cho điều này chính là Thông tư số 173/1972/TANDTC ngày 23/3/1972 đã ra đời để hướng dẫn xét xử về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với nội dung tương đối đầy đủ với đường lối chỉ đạo giải quyết về BTTH ngoài hợp đồng và đề cập tới xác định TNBTTHNHĐ trong một số trường hợp cụ thể.

Dù ra đời trong bối cảnh nền lập pháp nước nhà đang trong giai sơ khai, chưa phát triển, nhận thức của các nhà làm luật cũng như những người có chức năng giải thích luật còn hạn chế rất nhiều… Tuy nhiên, Thông tư 173 vẫn được xây dựng với nội dung tương đối đầy đủ, hướng dẫn đường lối giải quyết về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra nói riêng với những quy định khá sát với pháp luật hiện hành.

Thông tư quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi có đủ 4 điều kiện:

Thứ nhất, phải có thiệt hại xảy ra: Là những thiệt hại về vật chất, cụ thể là thiệt hại về tài sản hoặc là những giảm sút về chi phí do thiệt hại về tính mạng, sức khỏe. Thiệt hại này phải đã xảy ra và

có thể tính toán được. Những thiệt hại về tài sản trong tương lai như hoa màu sắp tới ngày thu hoạch bị phá, súc vật sắp tới ngày sinh con mà bi làm chết thì cần xem xét khách quan và thích đáng để xác định trách nhiệm bồi thường [28].

Như vậy, chúng ta có thể thấy được rằng quy định về tổn thất tinh thần trong các trường hợp bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng vẫn chưa được hiện diện trong Thông tư 173.

Thứ hai, phải có hành vi gây thiệt hại trái pháp luật: Hành vi trái pháp luật theo thông tư này có thể là một việc phạm pháp về hình sự, một vi phạm pháp luật về dân sự, một vi phạm đường lối chính sách của Đảng hoặc một vi phạm quy tắc xã hội.

Thứ ba, phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại trái pháp luật và thiệt hại: Thiệt hại xảy ra phải đúng là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật hay ngược lại [28].

Thông tư đã có sự phân biệt giữa hành vi là nguyên nhân trực tiếp với hành vi là nguyên nhân gián tiếp của thiệt hại: Có trường hợp tuy hành vi trái pháp luật không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại xảy ra nhưng lại có ý nghĩa quyết định đối với thiệt hại và được coi là quan hệ nhân quả với thiệt hại. Nghĩa là khi có thiệt hại xảy ra dù nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp thì người có hành vi gây thiệt hại trái pháp luật vẫn phải bồi thường Thứ tư, phải có lỗi của người gây thiệt hại: Thông tư nêu rõ: “Người gây thiệt hại phải nhận thức được hoặc có thể nhận thức được rằng hành vi của mình là trái pháp luật và có thể gây thiệt hại cho người khác: cố ý hay vô ý đều là có lỗi” [28].

Như vậy, Thông tư số 173 đã xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi thỏa mãn bốn điều kiện trên. Bên cạnh đó

còn có sự phân biệt rõ TNBTTH của nhiều người và của một người, TNBTTH do người vị thành niên và người trưởng thành gây ra. Thông tư cũng đưa ra quy định về việc ấn định mức BTTH, đặt ra sau khi đã xác định rõ ràng người gây thiệt hại có trách nhiệm bồi thường. Theo đó, nguyên tắc BTTH là: gây thiệt hại bao nhiêu thì phải bồi thường bấy nhiêu, tức là phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Đó là nguyên tắc công bằng, hợp lý, cần bảo đảm thực hiện cho phù hợp với mục đích, ý nghĩa của việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, trong những trường hợp nhất định, cần xem xét mức độ thiệt hại đối chiếu với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại, mức độ lỗi của người bị hại để, hoặc buộc người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, hoặc có thể châm chước một phần, tức là ấn định mức bồi thường thấp hơn thiệt hại (cũng có thể gọi là bồi thường một phần thiệt hại).

Việc ấn định mức bồi thường toàn bộ thiệt hại theo nguyên tắc, đường lối nói trên được biểu hiện cụ thể như sau:

- Ấn định mức bồi thường toàn bộ thiệt hại khi người gây thiệt hại có hành vi cố ý; hoặc khi có hành vi vô ý mà thiệt hại không quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại;

- Ấn định mức bồi thường thấp hơn thiệt hại khi người gây thiệt hại có hành vi vô ý mà thiệt hại lại quá lớn so với khả năng kinh tế truớc mắt và lâu dài của người gây thiệt hại; hoặc khi người gây thiệt hại có hành vi vô ý, mà người bị thiệt hại cũng có hành vi vô ý nặng.

Ngoài ra, Toà án nhân dân các cấp có thể dựa vào sự tự nguyện thoả thuận của cá nhân người bị thiệt hại, kết hợp với ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để quyết định giảm mức bồi thường hay miễn trách nhiệm bồi thường cho người gây thiệt hại.

Mặt khác, Toà án nhân dân các cấp không nên lẫn lộn việc ấn định mức bồi thường thiệt hại với việc thi hành án, vì trong khi thi hành án, người không có khả năng kinh tế trước mắt có thể được tạm hoãn việc thi hành án.

Về người được hưởng BTTH: Người được hưởng bồi thường là người bị gây thiệt hại (cá nhân hay cơ quan xí nghiệp). Trong cả hai trường hợp này, Toà án cần báo cho cơ quan hay công đoàn cấp trên của những tổ chức được hưởng bồi thường và cho cơ quan tài chính địa phương biết để tiện theo dõi.

Có thể thấy, sự phân biệt rành mạch các đối tượng được hưởng BTTH đã giúp cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết triệt để các vụ kiện đòi BTTH trên tinh thần đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng một cách công bằng và bình đẳng.

Với những hướng dẫn khá cụ thể, phù hợp với thực tiễn pháp luật, Thông tư 173/TT-UBTP đã góp phần rất lớn vào công tác xét xử, giải quyết tranh chấp liên quan đến việc xác định trách nhiệm bồi thường nói chung và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra nói riêng, đánh dấu một bước quan trọng trong sự phát triển của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra. Thông tư này được áp dụng tới ngày Bộ luật dân sự 1995 có hiệu lực. Thông tư 173 đã đặt nền móng cho những quy định trong Bộ luật dân sự 1995 và Bộ luật dân sự 2005 sau này.

Một phần của tài liệu Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi trái pháp luật gây ra theo bộ luật dân sự năm 2005 luận văn ths luật (Trang 50)