Bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm mồ mả

Một phần của tài liệu Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi trái pháp luật gây ra theo bộ luật dân sự năm 2005 luận văn ths luật (Trang 92 - 98)

- Có người gánh chịu thiệt hại.

2.3.2. Bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm mồ mả

2.3.2.1. Xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm mồ mả gây ra

Kế thừa những quy phạm đạo đức của xã hội, BLDS 2005 đã có những quy phạm đầu tiên quy định trách nhiệm dân sự với các hành vi xâm phạm mồ mả mà BLDS 1995 chưa điều chỉnh. Điều 629 BLDS 2005 quy định: “Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác gây thiệt hại đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại” [14]. Thiệt hại ở đây gồm thiệt hại về tài sản và thiệt hại về tinh thần.

* Thiệt hại về tài sản: Điều 629 BLDS 2005 quy định việc bồi thường

thiệt hại do xâm phạm mồ mả bao gồm các chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại [14].

Thiệt hại về tài sản do hành vi xâm phạm mồ mả gây ra là những chi phí hợp lý có liên quan để hạn chế, khắc phục thiệt hại. Tính hợp lý khi xác định thiệt hại về tài sản liên quan đến mồ mả bị xâm phạm được xác định tren cơ sở thực tế, bao gồm những chi phí về vật liệu, nhân công và những chi phí khác cho việc xây dựng, phục hồi lại tình trạng ban đầu của mồ mả. Vật liệu

xây dựng mồ mả và nhân công có thể được tính toán dựa trên cơ sở giá thị trường vào thời điểm bồi thường thiệt hại. Bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm mồ mả cũng dựa trên nguyên tắc gây thiệt hại bao nhiêu thì phải bồi thường bấy nhiêu (bồi thường toàn bộ). Những chi phí này phải mang tính hợp lý, loại trừ những chi phí mà bên bị thiệt hại bỏ ra như chi phí cúng bái, thuê người xem phong thủy hoặc cầu khấn …

* Thiệt hại về tinh thần: Người có hành vi xâm phạm mồ mả không

những xâm phạm đến quyền nhân thân bất khả chuyển dịch của cá nhân có mồ mả mà còn xâm phạm đến tinh thần của người thân thích của cá nhân có mồ mả. Người xâm phạm mồ mả của người khác ngoài trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản là những khoản chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại thực tế đã xảy ra còn phải bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của người có mồ mả bị xâm phạm. Bởi quyền nhân thân của cá nhân có mồ mả được pháp luật bảo đảm sự toàn vẹn và cấm mọi hành vi xâm phạm đến mồ mả của cá nhân. Trường hợp mồ mả của cá nhân bị xâm phạm dẫn đến tình trạng hài cốt không được nguyên vẹn, bị hủy hoại đã gây ra những tổn thất nặng nề về tinh thần cho những người còn sống thì người có hành vi gây thiệt hại cho mồ mả có trách nhiệm bồi thường, bù đắp tổn thất về tinh thần cho những ngươi thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm. Trong văn hóa Á Đông, mồ mả và quan niệm về mồ mả có một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, bởi vậy bổn phận của những người thân thích của người có mồ mả phải chăm nom, tôn tạo mồ mả của người thân thích như gìn giữ những điều thiêng liêng của cuộc sống, đó là truyền thống lâu đời trong xã hội của chúng ta.

Xác định trách nhiệm dân sự của cá nhân, chủ thể gây thiệt hại đến mồ mả của người khác là cần thiết. Việc giải quyết những tranh chấp do hành vi xâm phạm mồ mả của cá nhân gây ra không những bảo vệ quyền và nghĩa vụ

của các bên liên quan mà còn ngăn chặn kịp thời những hành vi cố ý xâm phạm đến mồ mả của cá nhân, bảo đảm cho những quy định của pháp luật, quy phạm đạo đức được tôn trọng, bảo vệ trong đời sống xã hội hiện đại.

2.3.2.2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do có hành vi xâm phạm mồ mả

Tôn trọng và bảo vệ mồ mả của con người không chỉ là vấn đề tâm linh, tôn giáo của cộng đồng mà còn được pháp luật công nhận và bảo vệ. Không chỉ thời hiện đại những quy phạm mang tính đạo đức này được pháp điển hóa trong một văn bản quy phạm có giá trị như BLDS, mà từ thời phong kiến, hành xi xâm phạm mồ mả đã có những chế tài xử phạt cụ thể.

Quốc triều hình luật, bộ luật cổ xưa nhất được lưu giữ đầy đủ cho đến ngày nay là bộ luật đầu tiên đưa ra vấn đề trách nhiệm dân sự trong đó có trách nhiệm bồi thường (nộp tiền tạ) do xâm phạm mồ mả của người khác, tuy nhiên, các chế tài chính vẫn là chế tài hình sự. Điều 32 Quốc triều hình luật quy định: “Kẻ đào trộm mồ mả của người khác mà lấy đồ vật gạch ván thì bị lưu đi châu xa, nếu đã mở quan tài ra thì phải tội chém. Nếu lấy trộm thây hay làm hủy nát thì xử nặng tội thêm một bậc, và đều phải nộp tiền tạ như tội đánh người có quan tước” [37]. Không chỉ những hành vi cố ý xâm phạm mồ mả bị trừng phạt, những hành vi vô ý xâm phạm tới mồ mả cũng bị xử phạt nặng. Quốc triều hình luật còn nghiêm cấm một số hành vi xâm phạm vào đất mộ như: Cấy trộm vào đất mộ thì kẻ phạm lỗi không có quan chức thì bị xử vào tội đồ làm khao định và phải nộp tiền tạ lỗi 30 quan. Táng trộm vào ruộng đất của người khác thì phải bắt dời mộ đi nơi khác. Không trình xã quan mà tang trộm đi thì bị phạt tại Điều 359 [37].

Điều 33 Quốc triều hình luật quy định: “Đào đất thấy tử thi mà không chôn lại, thì xử biếm hai tư. Nếu hun hang chuột cáo ở phần mộ người ta, mà để cháy đến quan tài, thì xử tội đồ; cháy đến

thây thì xử tội đồ làm tượng phường binh; nếu là mộ của bậc tôn trưởng từ hàng ty ma (chỉ những người có họ phải để tang 3 tháng) trở lên, thì cứ mỗi bậc tăng thêm tội một bậc. Con cháu mà hun cáo chuột ở phần mộ ông bà cha mẹ, đày tớ hun bắt chuột ở mộ chủ, thì xử tội đồ làm tượng phường binh; để cháy quan tài thì xử lưu đi châu gần, cháy vào thây thì lưu châu xa, và đều phải nộp phạt tiền tạ theo tội nặng nhẹ; là mộ nhà quyền quý thì xử cách khác”[37]. Những quy định và hình phạt trên đây đề cao việc tôn trọng và bảo vệ mồ mả và thi thể đã được chôn cất trong mồ mả. Đặc biệt là việc con cháu không được làm những hành vi đào xuống đất gần phần mộ tổ tiên (như đào hố để hun chuột). Mồ mả của những người có địa vị khác nhau thì hình phạt cũng tăng nặng khác nhau.

Hoàng Việt luật lệ (hay luật Gia Long) cũng có những quy định trừng phạt người có hành vi xâm phạm mồ mả của người khác. Điều 91 phần 8 – “Khí hủy khí vật giá sắc đằng” (tức là Bỏ phế phá hư những đồ vật, cây trồng) quy định: “Nếu phá hư cột đá trong, bia bên trong mồ mả, những thứ bằng đá thì phạt 80 trượng, phá bài vị người ta phạt 90 trượng. Phạm những cột đá tròn, bia đá, thú đá, bài vị, phòng ốc, tường rào, các thứ ấy được lệnh sửa chữa mà lại làm cho hư thêm thì đối với nhà quan tăng 2 bậc tội, theo tang vật là phải sửa sang lại trả cho quan. Còn như lỡ làm hư bia, cột đá, thú đá, bài vị thì không buộc tội. Luận về chuyện bỏ bê, phá hư đồ vật thì bắt tội theo tội ăn trộm” [36].

Như vậy, các quy định về hành vi và hình phạt cho tội xâm phạm mồ mả của người khác được quy định rải rác, không có chương mục riêng trong các bộ luật trước đây, cũng không phân biệt rõ giữa trách nhiệm dân sự và hình sự.

thường thiệt hại do có hành vi xâm phạm mồ mả như sau. Điều 629 quy định về Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả: “Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác gây thiệt hại đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại” [14].

Như vậy, cách xác định thiệt hại khi có hành vi xâm phạm mồ mả không giống như trường hợp có hành vi xâm phạm thi thể, những thiệt hại về tinh thần không được tính đến trong trường hợp này. Khi xác định thiệt hại, các nhà làm luật chỉ xem xét đến những chi phí hợp lý về tài sản để khắc phục những thiệt hại của mồ mả như chi phí xây dựng lại mồ mả, chi phí mua vật liệu xây dựng, thuê nhân công xây dựng lại mồ mả. Tất cả các chi phí này xác định được bằng một khoản tiền vào thời điểm bồi thường thiệt hại. Bồi thường thiệt hại về mổ mả cũng tuân theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại chung: gây thiệt hại bao nhiêu thì người gây thiệt hại phải bồi thường bấy nhiêu (bồi thường toàn bộ thiệt hại).

Tác giả cho rằng trong trường hợp này vẫn cần xem xét đến những yếu tố thuộc về tinh thần của thân nhân người có mồ mả. Bởi theo truyền thống, mồ mả tổ tiên là những giá trị thiêng liêng về tinh thần của gia đình, dòng họ. Những thiệt hại gây ra không chỉ ảnh hưởng đến yếu tố tâm linh của người thân như tài lộc, may rủi, mà còn tạo một áp lực tinh thần rất lớn tới người còn sống. Đồng thời, danh dự của những người thân thích của người có mồ mả được xác định theo quy định của pháp luật là tổn thất về tinh thần. Vậy thân nhân của người có mồ mả bị xâm phạm có được coi tương tự như trong trường hợp thiệt hại do danh dự, uy tín bị xâm phạm theo quy định tại Điều 611, BLDS 2005 hay không? Điều 611 chỉ quy định thiệt hại về tinh thần do danh dự, uy tín bị xâm phạm cho người còn sống nhưng không quy định quyền nhân thân gắn liền với cá nhân có mồ mả bị xâm phạm. Vậy liệu thân

nhân của người có mồ mả có được hưởng khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần do hành vi xâm phạm mồ mả của người thân của mình không? Tác giả cho rằng khi xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm mồ mả gây ra thì cũng phải tính đến những thiệt hại do tổn thất về tinh thần với thân nhân của người có mồ mả bởi lẽ những hành vi xâm phạm mồ mả đó sẽ ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý, khoét sâu vào nỗi đau khi đã mất người thân, ảnh hương tới tinh thần của họ. Vì vậy mà người có hành vi xâm phạm mồ mả phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp những tổn thất tinh thần đó. Tuy nhiên, nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa sẽ không quá 10 tháng lương tối thiểu theo quy định tại khoản 2 Điều 611 [14]. Chính vì quan niệm truyền thống của người Á Đông về những giá trị tâm linh, giá trị đạo đức nên việc áp dụng khoản 2, Điều 611, BLDS 2005 để giải quyết các tranh chấp liên quan tới hành vi xâm phạm mồ mả là hết sức cần thiết và không trái các quy định của pháp luật dân sự.

Chương 3

Một phần của tài liệu Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi trái pháp luật gây ra theo bộ luật dân sự năm 2005 luận văn ths luật (Trang 92 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)