- Có người gánh chịu thiệt hại.
3.1.1. Thực tiễn áp dụng pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm mồ mả
hại do hành vi xâm phạm mồ mả
3.1.1.1. Tình huống
Trên Website của Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh đưa tin: về một vụ kiện khá lạ mà TAND tỉnh Phú Yên đã xử phúc thẩm: Cụ thể như sau: Ông B kiện ông S đòi bồi thường thiệt hại 03 triệu đồng vì cho rằng ông S đã làm mộ vợ ông bị sạt lở, phải mất công sức, tiền bạc để di dời đi chỗ khác [39].
Theo đơn kiện của ông B, năm 1985 vợ ông chết, được an táng tại khoảnh đất đồi nằm ở thôn Phước Lý (Sông Cầu) mà ông S có một mảnh đất cạnh khoảnh đồi đó. Cách đây khoảng vài năm, ông S thuê xe đào múc đất phía dưới chân mộ vợ ông để lấy mặt bằng và có xây một bờ tường chắn phía dưới chân mộ. Mùa mưa năm 2007, mưa lũ kéo dài làm sạt lở bờ tường khiến mộ vợ ông bị hư hỏng nên ông phải di dời mộ đi nơi khác. Ông B cho rằng: nguyên nhân mộ vợ ông bị hư hỏng là do ông S đào múc đất sâu, cách mộ chỉ khoảng 1 mét nên khi mưa lớn đã gây ra sạt lở. Ông B đã nhiều lần yêu cầu ông S cùng với mình khắc phục chi phí di dời mộ đi nơi khác nhưng ông S không chịu. Do đó, ông B đành phải khởi kiện ra tòa, yêu cầu tòa buộc ông S phải bồi thường 03 triệu đồng để khắc phục thiệt hại do hành vi xâm phạm mồ mả.
Ông S trình bày: cách đây bảy năm, ông được cha mẹ cho một diện tích đất nằm giáp quốc lộ 1A, phía trên cao có mộ vợ ông B và một số mộ khác. Phần đất này qua nhiều thời kỳ làm quốc lộ 1A nên đã đào múc đất còn cách mộ vợ ông B khoảng hai mét. Mặt đất phía chân mộ vợ ông B lồi lõm nên ông đã thuê xe đào san lấp cho bằng phẳng để xây nhà. Vì sợ đất trên núi hàng năm hay sạt lở nên ông đã xây một bờ tường, móng đá che chắn ngang phía dưới chân các ngôi mộ. Mùa mưa năm 2007, mưa kéo dài, nước trên núi đổ xuống làm sạt lở đất, đổ bờ tường và sạt lở gần hết mộ vợ ông B. Việc mộ bị sạt lở là do mưa lũ gây ra, là lý do khách quan nên ông không đồng ý bồi thường.
Ngày 3-6, TAND huyện Sông Cầu xử sơ thẩm đã nhận định: Việc mộ vợ ông B bị sạt lở không phải do lỗi của ông S Từ đó, tòa đã bác yêu cầu đòi bồi thường của ông B. Không đồng ý, ông B lập tức kháng cáo.
Ngày 15-8, TAND tỉnh Phú Yên đã mở phiên xử phúc thẩm vụ án. Tại phiên xét xử, tòa nhận định: Việc ông B cho rằng nguyên nhân làm hư hỏng mộ của vợ ông do lỗi hoàn toàn thuộc về ông S là không có căn cứ. Ông S chỉ có một phần lỗi gián tiếp mà thôi. Tòa phân tích trên thực tế, việc đào ủi, hạ thấp độ cao để làm đường quốc lộ 1A đã có từ trước khi ông S san ủi mặt bằng khu đất của mình. Sau đó, năm 2002, ông S thuê xe san ủi cho khu đất bằng phẳng, vuông vức nên đã tạo ra độ sâu và khoảng cách nhất định. Ông S cũng thấy và biết sẽ có nguy cơ sạt lở đất, gây hư hại mồ mả của người khác nên đã chủ động xây bờ kè, móng đá để hạn chế hậu quả có thể xảy ra. Năm 2007, do mưa lớn kéo dài nhiều ngày, mộ vợ ông B lại ở khu vực trên cao nên bị sạt lở. Việc này đúng là có một phần lỗi gián tiếp do việc san ủi đất của ông S gây ra.
Trên cơ sở thiệt hại thực tế được xác định là ba triệu đồng, cuối cùng TAND tỉnh Phú Yên đã chấp nhận một phần kháng cáo của ông B và sửa án sơ thẩm, buộc ông S phải bồi thường 1/3 thiệt hại (một triệu đồng) do xâm phạm mồ mả cho ông B [39].
3.1.1.2. Bình luận
Đây được đánh giá là một vụ án “lạ” do hiếm có Toà án nào thụ lý và xét xử việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm mồ mả gây ra trừ những án hình sự. Cho đến nay, chưa có một văn bản pháp luật cụ thể nào hướng dẫn cho tòa án hay Uỷ ban nhân dân giải quyết những tranh chấp về mồ mả, hài cốt. Ngay cả TANDTC cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn riêng cho các phân tòa về việc xét xử những vụ việc liên quan tới vấn đề này cho dù BLDS 2005 cũng có quy định về việc bồi thường thiệt hại khi có hành vi xâm phạm đến mồ mả. Vấn đề mồ mả, ngoài phương diện pháp luật còn liên quan đến phong tục, tập quán và tâm linh nên còn nhiều vướng mắc trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan.
- Về tính chất của vu việc: Tòa án cũng đánh giá rằng ông S thực tế
không cố tình xâm phạm đến mồ mả của vợ ông B, Ông S còn rất chú ý xây kè, tường bao khi san lấp đất do biết đất dễ sạt lở, ảnh hưởng đến ngôi mộ. Việc ngôi mộ bị sạt lở, nguyên nhân trực tiếp là do mưa bão dài ngày và nguyên nhân gián tiếp mà Tòa án cấp phúc thẩm đánh giá là việc san ủi đất của ông S gây nên. Do vậy, ông S phải bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm mồ mả cho ông B. Mức bồi thường thấp hơn thiệt hại thực tế bởi tính chất lỗi là vô ý, gián tiếp gây thiệt hại.
Việc hai cấp xét xử có hai bản án khác nhau với hai kết luận trái ngược, cấp sơ thẩm tuyên ông S vô can, cấp phúc thẩm tuyên ông S phải bồi thường thiệt hại với lỗi vô ý cho thấy: việc đánh giá như thế nào là một hành vi xâm phạm mồ mả, lỗi và mối liên hệ nhân quả giữa hành vi với thiệt hại thực tế còn tùy thuộc vào kinh nghiệm và khả năng đánh giá của cơ quan xét xử. Việc TAND cấp sơ thẩm tuyên vô can không hẳn là sai và TAND cấp phúc thẩm tuyên có lỗi phải bồi thường thiệt hại cũng có cơ sở, bởi trong thực tiễn, những vụ việc trên có xảy ra nhưng luật pháp lại chỉ có một quy
định chung chung và chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Xem xét sự việc và hành vi vi phạm, chúng ta có thể thấy:
- Về hành vi xâm phạm mồ mả: Hành vi của ông S là san lấp đất thuộc
quyền sử dụng của mình nhưng lại làm ảnh hưởng đến địa tầng nơi có mộ, khiến đất tại khu vực có mộ có nguy cơ sản lở cao hơn, nên khi có mưa lớn đã làm sạt lở toàn bộ khu đất, gây biến dạng, làm mất dấu vết của mộ. Sự kiện san lấp đất tuy không trực tiếp tác động đến phần mộ nhưng lại gián tiếp tác động đến địa tầng nơi đặt mộ. Tuy ông S đã có động thái nhằm hạn chế nguy cơ sạt lở nhưng vẫn không chặn đứng được nguy cơ sạt lở phần mộ của vợ ông B.
- Yếu tố lỗi: ông S không cố ý gây sạt lở mộ phần nhưng ông S biết
rằng đất khu vực núi dễ sạt lở và phải biết rằng dù có xây kè chắn, tường bao nhưng việc san bằng khu vực chân mộ sẽ khiến kết cấu đất ở đó đã yếu nay càng dễ sạt lở hơn do không còn điểm tựa. Lỗi của ông S ở đây được Tòa án xác định là lỗi vô ý do ông S biết nhưng không lường hết được hậu quả là đất sẽ bị sạt lở rất nhanh sau nhiều ngày mưa lớn. Nếu căn cứ vào khoản 2, Điều 308, BLDS 2005, lỗi vô ý được xác định như sau: “vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được” [14]. Như vậy, lỗi của Ông S đã thỏa mãn quy định tại điều khoản này, ông S tuy không mong muốn, không để mặc thiệt hại xảy ra nhưng lại không kiểm soát được diễn biến của sự kiện do hành vi vô ý của mình tạo ra.
- Mối liên hệ nhân quả giữa hành vi san lấp đất của ông S và thiệt hại đến mộ phần của vợ ông B: việc san lấp đất không trực tiếp tác động đến phần mộ nhưng chính việc san bằng khu vực đất ở chân mộ của ông S khiến
địa tầng khu đất đã yếu nay càng bất ổn hơn nên chỉ sau vài ngày mưa lớn thì đất đã bị lở, gây sụt lở mộ.
Nhận định của Tòa án cấp phúc thẩm tỉnh Phú Yên là có cơ sở và hợp lý, thiệt hại xảy ra là do lỗi vô ý nhưng không chỉ ông S mà cả ông B cũng có lỗi khi đã biết khu vực đặt mộ địa tầng bất ổn, đã từng bị sạt lở nhưng không tiến hành di dời đi chỗ khác. Bởi vậy, ông B cũng phải gánh chịu một phần thiệt hại, thiệt hại mà ông S phải bồi thường chỉ là một phần, tương xứng với hành vi và mức độ lỗi mà ông S gây ra.