Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi trái pháp luật gây ra

Một phần của tài liệu Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi trái pháp luật gây ra theo bộ luật dân sự năm 2005 luận văn ths luật (Trang 29)

hợp đồng do hành vi trái pháp luật gây ra

Trong khoa học pháp lý cũng như trong thực tiễn xét xử, việc xác định trách nhiệm BTTHNHĐ do hành vi trái pháp luật gây ra hầu hết đều phải căn cứ vào bốn điều kiện phát sinh trách nhiệm BTTH được quy định tại BLDS 2005. Và đây được xem là chuẩn mực pháp lý để làm cơ sở giải xác định có hay không sự kiện bồi thường và giải quyết những tranh chấp cụ thể phát sinh trong đời sống xã hội.

Thứ nhất, có thiệt hại xảy ra. Đây là tiền đề của trách nhiệm bồi thường bởi lẽ mục đích của trách nhiệm bồi thường là khôi phục lại tình trạng trước khi xảy ra thiệt hại nên trách nhiệm thường gắn liền với việc bồi thường (tài sản hoặc tiền).

Thứ hai, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật. Mọi công dân

đều có quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, mọi hành vi xâm phạm đến những quyền tuyệt đối này đều là trái pháp luật, dù là lỗi cố ý hay vô ý, thậm chí cả trường hợp không có lỗi.

Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt

hại xảy ra. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi thiệt hại xảy ra

là do chính kết quả trực tiếp, tất yếu của hành vi trái pháp luật. Đó là mối quan hệ của sự vận động nội tại theo quy luật nguyên nhân phải xảy ra trước kết quả trong khoảng thời gian xác định.

Thứ tư,người gây thiệt hại có lỗi.

Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được tính đến khi có đủ bốn điều kiện trên. Với trường hợp BTTHNHĐ do hành vi trái pháp luật gây ra thì 4 điều kiện đó được hiểu cụ thể như sau:

1.2.1.1. Có thiệt hại xảy ra

Dưới góc độ pháp lý thì “thiệt hại” được hiểu như thế nào? Nó bao gồm những loại gì?

Sự thiệt hại là yếu tố tất yếu được đặt ra đối với trách nhiệm dân sự nói chung và TNBTTHNHĐ nói riêng vì nếu không, nó sẽ trái ngược với nguyên tắc cơ bản và tiên quyết trong luật dân sự và luật tố tụng dân sự là “không có thiệt hại thì không có trách nhiệm dân sự” và “không có quyền lợi thì không thể thực hiện quyền”. Tuy nhiên, không phải tất cả những thiệt hại mà một người phải gánh chịu trong đời sống xã hội lại có thể yêu cầu đòi bồi thường.

Ví dụ sự cạnh tranh hợp pháp của một doanh nhân trong nền kinh tế thị trường có thể gây thiệt hại cho các doanh nhân khác nhưng những người này không thể hành sử bất cứ một tố quyền nào đòi bồi thường.

Thiệt hại là sự giảm bớt những lợi ích vật chất mà một người được hưởng hoặc lẽ ra họ được hưởng, gồm thiệt hại về vật chất và tinh thần. Pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới cũng quy định thiệt hại là tổn thất về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, tài sản của cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo vệ. Hiện nay, Điều 310, BLDS 2005 của Việt Nam quy định: “trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất và trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần” [14]. Như vậy, so với các quy định trước đó, khái niệm thiệt hại được mở rộng với nội dung mới là thiệt hại về tinh thần. Điều quan trọng cần phải xác định đúng thiệt hại xảy ra dựa trên các yếu tố khách quan, là những thiệt hại xảy ra trên thực tế và có thể xác định được. Mọi thiệt hại do suy đoán đều không được xem là thiệt hại bởi đó cũng chính là một trong những yếu tố xác định trách nhiệm bồi thường và phạm vi bồi thường của người gây thiệt hại.

Thiệt hại vật chất được hiểu là những tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền. Thiệt hại tinh thần được hiểu là sự thiệt hại về các giá trị tinh thần, tình cảm hoặc sự suy sụp về tâm lý, tình cảm của cá nhân, đây là những thiệt hại phi vật chất, không thể có công thức chung để quy ra bằng tiền cho mỗi trường hợp cụ thể được. Số tiền bồi thường đó nhằm mục đích an ủi, động viên và phần nào tạo điều kiện để người bị thiệt hại để họ có thể khắc phục khó khăn. Bộ luật dân sự của Việt Nam đưa ra khái niệm “tiền bù đắp tổn thất tinh thần” với ý nghĩa bồi thường thiệt hại về tinh thần đồng thời phù hợp với quan điểm giá trị tinh thần không thể thay thế bằng giá trị vật chất.

Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP của Toà án nhân dân tối cao thì thiệt hại gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.

Thiệt hại về vật chất là thiệt hại do tài sản, sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm theo quy định tại các điều 608, 609, 610 BLDS; Sự tổn thất về tinh thần tuy được thể hiện tại Điều 609, khoản 4; Điều 610, khoản 2 và Điều 611, khoản 2 nhưng BLDS 2005 lại không đưa ra một định nghĩa chính xác. Nhìn chung ta có thể chấp nhận “tổn thất tinh thần là những tổn thất liên quan đến các quyền không có tinh chất tài sản, đến những lợi ích phi vật chất cần thiết cho cuộc sống: danh tiếng, tình cảm”[7].

Phần I, khoản 1, điểm 1.1, tiểu điểm b của Nghị quyết 03/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã chỉ rõ những thiệt hại do tổn thất về tinh thần như sau: “Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương buồn phiền, mất mát về tình cảm; bị giảm sút hoặc mất uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm...và cần phải được bồi thường một khoản bù đắp tổn thất mà họ phải chịu. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của pháp nhân và các chủ thể khác không phải là pháp nhân (gọi chung là tổ chức) được hiểu là do danh dự, uy tín bị xâm phạm, tổ chức đó bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm, lòng tin ... vì bị hiểu nhầm ...”[7].

Như vậy, thực chất sự tổn thất về tinh thần có hai dạng:

- Gắn liền với sự tổn thất vật chất, ví dụ nạn nhân trong một tai nạn giao thông phải chịu một sự tổn thất về chi phí thuốc men nhưng đồng thời cũng chịu những đau đớn về mặt tinh thần vì phải gánh chịu một bệnh tật.

- Không gắn liền với tổn thất vật chất mà hoàn toàn thuần túy về tinh thần ví dụ nỗi đau vì mất đi một người thân; uy tín bị giảm sút hoặc bị mất, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm...do một hành vi trái pháp luật của người

khác và cần phải được bồi thường một khoản bù đắp tổn thất mà họ phải chịu Quyền đòi bồi thường vì bị thiệt hại chỉ có thể được thực hiện với một số điều kiện sau đây:

- Sự thiệt hại phải chắc chắn có và được xác định.

Tính chất chắc chắn có cũng như được xác định không có nghĩa là phải đã xảy ra hoặc đang diễn ra. Thiệt hại về tinh thần hay thiệt hại trong tương lai cũng có thể được chấp nhận.Ví dụ nạn nhân của một tai nạn giao thông có thể được bồi thường không những về: các chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi đưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút; các khoản thiệt hại về tài sản gắn liền với tai nạn như đã bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng mà còn được bồi thường về: một cơ hội hưởng lợi bị đánh mất ví dụ mất đi không thể ký kết một hợp đồng vì đã quá hạn hoặc một cơ hội có được việc làm đã bị trôi qua vì không có mặt đúng ngày giờ hẹn tiếp nhận công việc hoặc các khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại không thể có được trong thời gian không thể làm việc về sau.

Nếu một sự thiệt hại trong tương lai có thể chấp thuận được thì trái lại, một sự thiệt hại giả định hoặc thiệt hại dự kiến trong những hoàn cảnh không chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai lại không thể chấp thuận, ví dụ một Luật sư được thân chủ ủy quyền quên ký kháng cáo trong thời hạn luật định không thể bị bồi thường nếu thân chủ cho rằng mình đã thua kiện vì mất đi quyền kháng cáo (trách nhiệm ngoài hợp đồng) nhưng có thể buộc Luật sư chịu trách nhiệm bồi thường trên cơ sở nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng (nghĩa vụ phải làm một công việc nào đó: kháng cáo đúng thời hạn).

- Thiệt hại phải phải được xác định rõ trong quan hệ bồi thường giữa

người gây thiệt hại và người bị thiệt hại.

Lẽ đương nhiên mỗi khi sự thiệt hại đã được bồi thường thì nạn nhân không thể khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại một lần nữa. Nguyên tắc trên tuy

có vẻ đơn giản nhưng trong thực tế trong một vài trường hợp cũng khó biết là nạn nhân đã được bồi thường chưa?

- Nạn nhân trước đó đã ký một hợp đồng bảo hiểm về tính mạng theo quy định của Điều 578 của Bộ Luật dân sự 2005, nay gặp phải một tai nạn và đã được bên bảo hiểm bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm đã kí trước đó. Liệu có thể người bị tai nạn có thể yêu cầu người gây ra tai nạn bồi thường các tổn thất nữa hay không? Nói cách khác đương sự có thể kiêm lĩnh hai khoản tiền này không? Thực tế, khoản tiền mà bên bảo hiểm đã chi trả không phải là một khoản tiền bồi thường thiệt hại, nó chỉ là đối khoản những khoản phí bảo hiểm mà người đó phải đóng trước đó cho bên bảo hiểm. Tai nạn xảy ra chỉ là một sự kiện để bên bảo hiểm phải thi hành nghĩa vụ của mình, đó là việc phải trả cho khách hàng một số tiền đã được ấn định trong hợp đồng bảo hiểm.Vì vậy nghĩa vụ của bên bảo hiểm không phải là một nghĩa vụ bồi thường mà là nghĩa vụ thi hành hợp đồng khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Do vậy, nạn nhân có quyền khởi kiện người gây ra tai nạn cho mình phải bồi thường thiệt hại và họ có quyền hưởng hai khoản tiền nói trên vì có sự khác biệt về tính chất pháp lý của hai khoản tiền này. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Đối với loại bảo hiểm về trách nhiệm dân sự theo quy định của Điều 580, BLDS 2005 cũng tương tự như vậy. Ví dụ một tai nạn giao thông xảy ra, hãng bảo hiểm đã đứng ra ký hợp đồng bảo hiểm cho chủ xe có trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân. Tuy nhiên khoản tiền bồi thường này chỉ có thể bằng hoặc thấp hơn thiệt hại mà nạn nhân phải chịu vì nó tùy thuộc vào mức bảo bảo hiểm mà chủ xe đã thỏa thuận với hãng bảo hiểm. Vì thế, trong trường hợp số tiền mà hãng bảo hiểm bồi thường cho nạn nhân kém hơn sự thiệt hại mà nạn nhân phải gánh chịu, người này có quyền khởi kiện người gây ra tai nạn để xin bồi thường phần thiệt hại chênh lệch chưa được bồi thường.

Một phần của tài liệu Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi trái pháp luật gây ra theo bộ luật dân sự năm 2005 luận văn ths luật (Trang 29)