a.Tiêu đề cố độ dài quá lớn
Đến hiện tại, chưa có một quy định cụ thể nào về việc tiêu đề bài báo phải có độ dài chuẩn là bao nhiêu tiếng. Nhưng rõ ràng, trong thực tế, với những tiêu đề có độ dài trên 30 tiếng đã vượt quá ngưỡng độc giả ở trình độ văn hóa trung bình có thể hiểu được rõ ràng từ đầu cho đến hết tiêu đề bài báo đó. Những tiêu đề như thế chỉ khác tin ngắn ở chỗ nó được in co chữ lớn và đặt ở đầu bài viết. Nguyên nhân chính là ở chỗ tác giả bài viết đã quá tham lam khi đưa thông tin lên tiêu đề, để nội dung bài báo tràn lên tiêu đề bài báo. Tác giả đã không chọn lọc những nội dung đặc trưng nhất, tiêu biểu nhất. Đáng tiếc là lại tiêu đề này vẫn tồn tại không hiếm trên mặt báo. Chúng không chỉ dài tới 30 - 40 tiếng mà cá biệt còn có tiêu đề có độ dài 50 tiếng. Ví dụ:
Hà Nội tổ chức mít tinh chào mừng thắng lợi của kì họp thứ 3 Quốc hội khóa 6 và phát động phong trào đồng khởi thi đua xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh phong trào cách mạng ở Thủ đô, phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước. Hay Chương trình phối hợp vận động phụ nữ biên giới, bờ biển,hải đảo giữa bộ đội biên phòng và Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã thực sự làm chuyển biến đời sống kinh tế, văn hóa vùng biên giới, đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo vệ biên giới ở Cao Bằng.[9, tr.190].
b. Tiêu đề mơ hồ
Mơ hồ ngôn ngữ là một hiện tượng mà với một cấu trúc ngôn ngữ không rõ ràng có thể khiến người đọc, người nghe hiểu thế này hay thế kia theo nhiều cách khác nhau. Bên cạnh một số trường hợp, mơ hồ được tạo ra một cách cố ý theo yêu cầu khách quan (như đôi khi gặp ở ngôn ngữ ngoại giao, hay thường gặp ở ngôn ngữ dân gian) thì nói chung đây là hiện tượng ngôn ngữ đáng bị loại trừ, đặc biệt là đối với ngôn ngữ của truyền thông đại chúng, cần độ chính xác cao.
Đối với tiêu đề bài báo, mơ hồ bị xem là lỗi chứ không phải dụng ý nghệ thuật, bởi lẽ, nó tạo ra nhiều cách hiểu cho cùng chỉ một nội dung bài báo. Nguyên nhân làm xuất hiện loại lỗi này, có thể kể đến một vài lí do sau:
+ Tiêu đề đặt thiếu từ chỉ quan hệ giữa các thành tố của nó. Đây là nguyên nhân chủ yếu bởi loại tiêu đề mơ hồ xuất phát từ nguyên nhân này chiếm 50% số tiêu đề mơ hồ. Ví dụ: Cảm nghĩ nhân chuyến thăm Đông Nam Á của thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tuyên dương công trạng của Ủy ban thường vụ quốc hội, Ảnh Trọng Thanh tại Mỹ [9, tr.187].
+ Tiêu đề có cấu trúc không thể hiện rõ được ý nghĩa quan hệ giữa các thành tố, ví dụ: Đoàn đại biểu Việt Nam đi dự đại hội 79 đảng Quốc đại, Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp Bộ trưởng dân số In đô nên xi a và đại sứ Nhật Bản tới chào từ biệt, Hội nghị sinh viên quốc tế chống chế độ phát xít, Chi lê ủng hộ Việt Nam [9, tr.188].
+ Tiêu đề do xuất hiện từ đồng âm, ví dụ: Trẻ sinh năm đầu tiên trong ống nghiệm, Năm con trâu nghĩ về đất nước, Những con số không đáng có
[9, tr188].
c. Tiêu đề sai so với bài
Loại tiêu đề này xảy ra các trường hợp sau: tiêu đề có thể to hơn bài báo (tiêu đề đưa ra vấn đề rộng trong khi nội dung bài chỉ đề cập đến một phần của vấn đề tiêu đề nêu).. Với dạng này, ta có thể hiểu, một là, tác giả bài báo đặt tiêu đề cho bài trước khi viết tác phẩm báo chí đó, cho nên, khi đặt tiêu đề nghĩ đến, mong là viết được vấn đề lớn nhưng bắt tay vào thực hiện lại “cạn” lời. Mặt khác, do khi biên tập, làm ma-ket, biên tập viên cho là bài báo quá dài đã cắt một cách máy móc nhưng cắt rồi mà không sửa tiêu đề. Hai là, không loại trừ trường hợp đặt tiêu đề như vậy để “câu khách”. Ví dụ: Tiêu đề là Trẻ em và ti vi nhưng chỉ nêu tác hại của ti vi đối với trẻ em [9, tr.189].
Tiêu đề có thể nhỏ hơn bài báo (tiêu đề không khái quát được nhiều nội dung của bài báo). Nguyên nhân chính phải kể đến là do khả năng khái quát hóa của tác giả không tốt hay do chính những vấn đề của nội dung bài viết quá vụn vặt…Ví dụ: Quan tài pha lê của Chủ tịch Mao Trạch Đông, nhưng trong bài lại chủ yếu nói đến lăng, đến nghệ thuật ướp xác [9, tr.189].
Ngoài ra, trong tiêu đề mơ hồ thì còn hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là tiêu đề không ăn khớp với nội dung bài báo và tiêu đề có những chi tiết không đúng với bài. Với hai lỗi này khó có thể do nhầm lẫn mà chỉ có
thể kết luận do chính tác giả đã không có trách nhiệm với tác phẩm của mình và điều này không thể chấp nhận được.
d. Tiêu đề thiếu căn cứ để hiểu
Xét một cách chính xác, đây không phải là loại tiêu đề mắc lỗi. Tuy nhiên, ở loại tiêu đề này có những yếu tố (chủ yếu là yếu tố định lượng) không có căn cứ để so sánh nên thông tin định lượng ấy ở tiêu đề rất ít hiệu quả. Chẳng hạn như: Mỹ giảm thuế tôm nhập khẩu của Việt Nam ( Tuổi trẻ, 4/3/2011); Vàng tiếp đà tăng nhẹ (Nghệ An, 25/5/2011); Giá cà phê tăng gần 1 triệu đồng/tấn ( Nghệ An, 20/5/2011); Tai nạn giao thông tăng trong dịp lễ
(Nghệ An, 5/5/2011).
e. Tiêu đề theo mẫu có sẵn
Đó là tiêu đề có cấu trúc hết sức công thức, chẳng hạn, công thức thường thấy là “ Từ + danh ngữ, “chuyện + danh ngữ”, “Cần + động ngữ”, “Thêm một + danh ngữ hoặc cụm c - v”, “Vẫn + ngữ động từ” : Từ chuyện cái biển chỉ dẫn giao thông (Nghệ An, 24/5/2011); Từ quốc hoa …tới quốc nạn (Tuổi trẻ, 7/3/2011); Từ mộ gió đến bia chiêu hồn (Tuổi trẻ, 15/3/2011);
Chuyện về người cháu Bác Hồ và phong trào hiến đất ở Nam Đàn (Nghệ An, 18/5/2011); Chuyện trao quà tại đám cưới (Nghệ An, 26/5/2011); Chuyện người bán vé số (Tuổi trẻ, 4/3/2011); Cần đầu tư xây dựng cầu máng Tà Lạnh
(Nghệ An, 29/5/2011); Cần xử lí dứt điểm và cương quyết (Nghệ An, 31/5/2011); Thêm một khoa Báo chí - truyền thông (Tuổi trẻ, 9/3/2011); Thêm một bệnh nhân chết ở phòng khám tư nhân (Tuổi trẻ, 9/3/2011); Thêm nhà máy bia 100 triệu lít/ năm (Tuổi trẻ, 11/3/2011); Thêm đường bay Trung Quốc (Tuổi trẻ, 9/3/2011); Thêm 250 triệu đồng chống nạ rải đinh;Thêm một con voi rừng bị hạ sát (Tuổi trẻ, 28/3/2011); Vẫn gian lận ở cây xăng (Tuổi trẻ, 21/3/2011); Vẫn niêm yết giá bằng ngoại tệ (Tuổi trẻ, 22/3/2011).
Một loại tiêu đề công thức khác do dùng lại khuôn mẫu một tiêu đề nào đó, được coi là hay tại một thời điểm nào đó, ví dụ: Hiên ngang Cu Ba xuất hiện, với cấu trúc phụ trước, chính sau, đã trở thành công thức cho hàng loạt tiêu đề ra đời, như: Hỗn loạn nơi biên giới (Tuổi trẻ, 4/3/2011); Nhộn nhịp trên công trường thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An, 5/5/2011); Trăn trở Na Nhu
(Nghệ An, 15/5/2011); Nhọc nhằn học tiếng Ơ đu (Nghệ An, 15/5/2011);
Trăn trở Xiêng My (Nghệ An, 19/5/2011); Rộn ràng giáo xứ Bảo Nham
22/7/2011). Hay như: Kỹ nghệ lấy Tây - Vũ Trọng Phụng được lặp lại theo kiểu: Kỹ nghệ tái chế đồ nhậu (Tuổi trẻ, 14/3/2011).
Thực tế cho thấy, nếu người viết chỉ biết lặp lại người khác một cách máy móc thì các hình thức biểu cảm mà anh ta đưa ra không chỉ mất đi dấu ấn cá nhân mà còn mất đi tính hiệu quả. Chức năng biểu cảm của chúng bị vô hiệu hóa và chúng dần dần trở thành khuôn mẫu. Trong thực tế, chúng ta đã gặp không ít trường hợp như vậy. Chẳng hạn: từ câu hát “Em ơi, Hà Nội phố” người ta đã tái bản thành tiêu đề của một loạt các bài báo khác nhau: nào là “Em ơi, Hà Nội…mũ”, nào là “Em ơi, Hà Nội…shop”, rồi thì “Em ơi, Hà …lội nước”,…Từ tiêu đề truyện ngắn “Có một đêm như thế” của Nguyễn Thị Minh Thư, người ta đã cải biên thành “Có một tập thể như thế”, “Có một lò võ như thế”…Đối với các trường hợp như vậy, chỉ có vay mượn lần đầu tiên là được người đọc hưởng ứng, vì nó độc đáo, mới lạ. Còn sự lặp lại lần hai, lần ba…rất dễ gây cảm giác nhàm chán cho độc giả.