Những điều kiện để thiết lập tiêu đề báo chí đúng

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiêu đề văn bản báo chí (Trang 74)

a. Tiêu đề phải chứa những từ ngữ chuẩn chính tả

Chữ viết tiếng Việt, tức chữ quốc ngữ được xây dựng trên nguyên lí ngữ âm học, nghĩa là về nguyên tắc hễ phát âm như thế nào thì viết như thế ấy, nhưng các phương ngữ, kể cả phương ngữ Hà Nội - một phương ngữ được coi là chuẩn ngữ âm, đều không có đầy đủ các âm tố được phản ánh trên chữ viết. Cho nên, tính thống nhất của chuẩn chính tả rất cao, cũng có thể nói là tuyệt đối, ngoại trừ một số trường hợp hãn hữu nằm trong lưỡng khả. Như vậy, chuẩn chính tả, thực chất là chuẩn chữ viết được mọi người công nhận. Có thể liệt kê một số lỗi chính tả thường xuất hiện trong tiêu đề, như lỗi về phụ âm đầu nhất là sự lẫn lộn giữa tr/ch, s/x, l/n…, lỗi về phần vần, một loại lỗi có các dạng cụ thể rất khác nhau và lỗi về thanh điệu…Tuy nhiên, với một số dạng lỗi vừa nêu, phần nào cũng nói lên được tình hình lỗi chính tả trên sách báo hiện nay, đặc biệt là báo điện tử. Nhìn chung, các lỗi chính tả trên báo chí rất đa dạng và phong phú. Có thể chia chúng thành một số kiểu cơ bản sau:

-Viết sai phụ âm hoặc nguyên âm

Thường gặp hơn cả là việc viết sai các phụ âm trong các cặp, nhóm phụ âm đầu tr/ch, s/x, r/gi/d. Chẳng hạn, đáng ra phải viết là “chia sẻ”, “bổ sung”, “vô hình trung”, “bất trắc”, “giã biệt”, “di dời”, “xa rời”…thì người ta lại viết

thành “chia xẻ”, “bổ xung”, “vô hình chung”, “bất chắc”, “dã biệt”, “di rời”, “xa dời”. Đặc biệt sự nhầm lẫn giữa các từ “xuất/suất” và “giành/dành” xuất hiện với tần số khá cao trên các báo. Thực ra, việc phân biệt các cặp từ này không khó. Ta sẽ viết “suất” nếu nói đến một đại lượng nhận được nhờ sự phân chia một đại lượng lớn hơn (năng suất, suất ăn, công suất…), và sẽ viết “xuất”, nếu nói đến phương hướng đi ra ngoài (xuất khẩu, xuất cảnh, xuất giá…). Còn từ “giành” ta sẽ sử dụng khi nói về các thành tựu mà ai đó nhờ sự nỗ lực phấn đấu của bản thân (giành nhiều huy chương vàng, giành nhiều điểm tốt, giành thắng lợi…). Nó khác hẳn với từ “dành” có ý nghĩa là: giữ lại để dùng về sau, để riêng cho ai hay việc gì (dành tình thương cho con cháu, dành thời gian cho nghỉ ngơi).

Với các nguyên âm thì lỗi về chính tả ít gặp hơn. Đây đó , thỉnh thoảng có trường hợp viết sai khuôn vần như “tuềnh toàng” thành “tuyềnh toàng”, “trừu tượng” thành “trìu tượng”, “tiêu chí” thành “tiu chí”, “con hươu” thành “con hiêu”… Để khắc phục những lỗi này, có thể vận dụng mấy mẹo đơn giản:

Khuôn vần uê chỉ có thể đứng trước các phụ âm nh và ch (huyênh hoang, huếch hoác), còn khuôn vần uyê chỉ có thể đứng trước các phụ âm t và n (tuyết, tuyến)

Các từ Hán - Việt chỉ viết với ưu (trừu tượng, hưu trí, lưu lạc, vĩnh cửu…) hoặc với iêu (diễu hành, tiêu chí, hiệu trưởng, quan liêu…) chứ không viết với iu

Vần ươu chỉ xuất hiện hạn chế trong mấy từ như cái bướu, con hươu, chai rượu

Theo chúng tôi, nguyên nhân quan trọng hàng đầu dẫn đến sự nhầm lẫn trên là bởi người ta phát âm không chuẩn xác (chẳng hạn, s được phát âm như x, tr như ch, r như gi và d; rồi ươu được phát âm như iêu, iêu như iu… tùy theo các khu vực dân cư). Vì chữ viết thực ra chỉ là hình thức ghi lại âm thanh bằng ký tự, nếu nói sai thì viết cũng dễ sai theo. Vậy nên, để hạn chế chúng một mặt, chúng ta phải phát âm đúng (lẽ đương nhiên, Đài truyền hình Trung ương và Đài tiếng nói Việt Nam phải giữ vai trò tiên phong trong việc này) mặt khác, chúng ta phải cố gắng nhớ mặt chữ khi viết (nếu có nghi ngờ nên tra cứu từ điển).

- Viết nhầm các dấu thanh điệu hỏi và ngã.

Các lỗi thuộc kiểu này chủ yếu gặp trên các tờ báo ở các tỉnh miền Trung và miền Nam. Chẳng hạn “kỹ năng” được viết thành “kỷ năng”, “vẩn vơ” thành “vẫn vơ”, “nghĩ” thành “nghỉ”,v.v … Theo cuốn “Tiếng Việt thực hành” của Bùi Minh Toán - Lê A - Đỗ Việt Hùng thì có hai quy tắc giúp phân biệt các thanh hỏi và ngã như sau:

Trong các từ láy âm tiếng Việt có quy luật bổng trầm: nếu từ láy gồm hai tiếng (chữ) thì cả hai tiếng hoặc đều là bổng hoặc đều là trầm: không có tiếng bổng láy với tiếng trầm và ngược lại. Hệ bổng gồm các thanh: không, hỏi, sắc: hệ trầm gồm các thanh: huyền, nặng, ngã. Do vậy, khi gặp một tiếng mà ta không biết là phải viết với thanh hỏi hay thanh ngã, ta hãy tạo ra một từ láy: nếu tiếng đó láy với tiếng bổng ta có thanh hỏi, ngược lại, nếu láy với tiếng trầm, ta có thanh ngã . Chẳng hạn: trong “vẩn vơ ” thì vơ thuộc hệ bổng (thanh không) nên vẩn phải phải mang dấu hỏi cùng hệ; còn trong “nghĩ ngợi” thì ngợi thuộc hệ trầm nên nghĩ phải mang dấu ngã cùng hệ .

(Số ngoại lệ của quy tắc này rất ít: ngoan ngoãn, vỏn vẹn, khe khẽ, se sẽ, trơ trẽn, lam lũ ).

Đối với các từ Hán - Việt (trong trường hợp này còn phân vân không biết viết với thanh hỏi hay thanh ngã), nếu chúng được bắt đầu bằng một trong các phụ âm : m, n, nh, v, l, d, ng (mình nên nhớ viết là dấu ngã ) thì đánh dấu ngã: mẫn cảm, nỗ lực, nhã nhặn, viễn thị, lễ độ, dũng mãnh, ngôn ngữ ,… Còn với những từ được bắt đầu bằng các phụ âm khác thì đánh dấu hỏi.

(Quy tắc này có chừng mười hai ngoại lệ như sau: kỹ năng, bãi khóa, bĩ cực, phẫu thuật, linh cữu, tống tiến, thực tiễn, hỏa tiễn, tiễu trừ, ấu trĩ, huyễn tưởng, tích trữ, hỗ trợ, hỗn chiến, hãm tài, phóng đãng, cùng quẫn, thư xã, hữu dụng, hưu phái, trì hoãn, công quỹ, cưỡng đoạt, tuẫn nạn, kỹ nữ, thi sĩ…).

- Đánh dấu sai vị trí thanh điệu

Đây là dạng lỗi phổ biến ở nhiều báo trong cả nước. Chẳng hạn, đáng ra phải viết là hòa, thủy (dấu thanh điệu phải đánh vào a và y là các nguyên âm chính) thì không ít người lại viết thành hòa, thủy (tức dấu thanh điệu đuộc đánh vào các âm đệm o, u)…

- Viết hoa không đúng quy cách

Hiện nay, trong giao tiếp, chúng ta cần vận dụng một số quy tắc viết hoa cơ bản đã được thừa nhận và đang có tính phổ cập rộng rãi trong xã hội như sau:

Viết hoa tên người: Đối với tên người Việt Nam, chữ cái đầu của tất cả các âm tiết đều được viết hoa, ví dụ: Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Ngô Tất Tố, Xuân Diệu…

Đối với tên người nước ngoài, chỉ cần viết hoa chữ cái đầu ở mỗi bộ phận của tên, ví dụ: Vladimir Putin, Bill Clinton, Victor Hugo…

Riêng tên người nước ngoài được phiên âm qua âm Hán - Việt thì viết hoa như tên người Việt Nam, ví dụ: Tư Mã Thiên, Đỗ Phủ, Gia Cát Lượng, Bá Đa Lộc, Thành Cát Tư Hãn…

Viết hoa tên địa lý: Tên địa lý được viết hoa giống như tên người, ví dụ: Tên địa lý Việt Nam: Trường Sơn, Cửu long, Hà Nội, Việt Bắc, Ba Đình… Tên địa lý nước ngoài : Pari, Berlin, Washington, Moskva…

Tên địa lý nước ngoài được phiên âm qua âm Hán - Việt: Nhật Bản, Đài Bắc, Tây Ban Nha, Ba Lan …

Viết hoa tên các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội: với tên các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội …, chúng ta viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu tiên và các chữ cái đầu của các âm tiết đầu trong các từ nêu lên tính chất riêng biệt của tên, ví dụ: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Ủy ban Trung Ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam, Sở kế hoạch và Đầu tư…

- Viết hoa tu từ

Viết hoa tu từ là biện pháp dùng chữ hoa để riêng hóa các từ ngữ chung nhằm thể hiện màu sắc biểu cảm trong văn bản. Nó thường mang đậm dấu ấn sáng tạo riêng của người viết, nhất là các văn bản nghệ thuật. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp sau đây, việc viết hoa tu từ đang có xu thế trở thành chuẩn mực chung:

Thứ nhất, là những từ ngữ liên quan đến các đối tượng, sự kiện là niềm tự hào của đất nước, của dân tộc, ví dụ: Người (chỉ Bác Hồ), Cách mạng Tháng Tám, Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại Thắng Mùa Xuân năm 1975…

Thứ hai, là tên các chức vụ cao cấp của Đảng, Nhà Nước, như: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ …

Thứ ba, là các danh hiệu cao quý, như: Nhà giáo Nhân Dân, Nghệ sỹ Ưu tú, Anh hùng Lao động, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng …

Thứ tư là các giải thưởng cao quý, như: Huy chương Kháng chiến, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Độc lập hạng Nhất…

Trên đây là một số kiểu lỗi về chính tả thường gặp trong báo chí. Những kiểu lỗi này, trong nhiều trường hợp, có khả năng làm phương hại đáng kể đến diện mạo của tác phẩm, gây ấn tượng xấu đối với người đọc và do vậy, làm giảm sút hiệu quả tiếp nhận của họ.Vì thế, rất hi vọng rằng chúng sẽ được các nhà báo quan tâm đúng mức .

b. Tiêu đề phải chứa những từ ngữ đúng chuẩn từ vựng

So với chuẩn chính tả, chuẩn từ vựng có biên độ dao động rộng hơn, nhưng dĩ nhiên vẫn được hình thành theo quy ước xã hội. Tuy vậy vượt quá các biên độ cho phép thì sẽ trở nên sai. Có thể kể là các trường hợp dùng sai, dư, thiếu từ…mặc dù chúng hoàn toàn có thể xếp vào loại vi phạm chuẩn ngữ pháp.

Ví dụ 1: Hiệu lực án văn (Pháp luật TPHCM, 1/3/1993), Nếp sống thể thao của tổng thống Mỹ, thủ tướng Anh và các nguyên thủ quốc gia thế giới

(Tiền phong, tháng 1/1993), Tập huấn chiến thuật chủ nhiệm pháo binh

(Quân đội nhân dân, 7/5/1993), Chùa Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh (Đại đoàn kết, tháng 3/1992).

Án văn là cái gì? Có lẽ người viết muốn rút gọn cụm từ "văn bản thi hành án = án văn". Nhưng cách nói rút gọn ấy tuy tiết kiệm nhưng không rõ nghĩa và rất dễ hiểu khác đi. Các nguyên thủ quốc gia thế giới là một cụm từ sai. Trên thực tế mọi người đều rõ không có nguyên thủ loại này. So sánh, đối chiếu với ngữ đoạn đi trước thêm từ trên vào trước thế giới thì phát ngôn trở nên bình thường. Tương tự như vậy, không có chiến thuật chủ nhiệm pháo binh. Quy chiếu vào nội dung phần còn lại của văn bản thì thấy, chính xác phải viết là : Tập huấn chiến thuật cho các chủ nhiệm pháo binh. Chùa Hoa

cũng chưa đủ rõ nghĩa, chùa của người Hoa hay được trang trí bằng các hoa văn? Để tránh những hiểu lầm trên lí thuyết có thể có, cần chỉnh lại : Chùa của người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh.

Ví dụ 2 : Đôi nét về trung tâm dạy nghề và xúc tiến việc làm thanh niên

(Long An, 4/8/1994), Cần có biện pháp mạnh và cách mạng hơn chống tham nhũng (Công an TPHCM, 11/11/1994), Các đơn vị địa phương triển khai chỉ thị công an năm 1994 (Công an nhân dân, 1/12/1994).

Đối với lỗi thiếu từ thì cần thêm vào để các tiêu đề văn bản rõ nghĩa hơn : "Xúc tiến việc làm thanh niên" thành "Xúc tiến việc làm cho thanh niên", " ...biện pháp mạnh và cách mạng hơn chống tham nhũng " thành

thị công an…" thành " triển khai chỉ thị về công an…" hay " triển khai chỉ thị về công tác an ninh…"

Ví dụ 3 : Buôn lậu đang thách thức dữ dội đối với bộ máy pháp luật ở Long An (Long An cuối tuần, 31/10/1992), Vĩnh Phú cần làm ra nhiều hơn sản phẩm hàng hóa, tìm hướng xuất khẩu, tạo thuế làm giàu cho dân, cho tỉnh (Nhân dân, 3/6/1993), Hội nông dân Việt Nam thực hiện chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình với nông dân và nông thôn (Nhân dân, 3/6/1993).

Đối với lỗi dư từ thì cần bỏ đi để các tiêu đề văn bản trở thành phát ngôn chuẩn: "….thách thức dữ dội đối với bộ máy thực thi pháp luật ở Long An" thành "….thách thức dữ dội chính quyền Long An", "làm giàu cho dân, cho tỉnh" thì chọn một trong hai khả năng : làm giàu hoặc cho dân, hoặc cho tỉnh, "đối với nông dân và nông thôn" thì chọn một trong hai từ.

Có thể xếp vào loại vi phạm chuẩn từ vựng các trường hợp sau: phiên âm không nhất quán các tên riêng nước ngoài xuất hiện trong tiêu đề và phần còn lại của văn bản. Cùng một tên riêng nước ngoài đó nhưng viết vừa nguyên dạng, vừa phiên âm. Ví dụ: Giang Kan Sen, Jiang Kanzhen và Giang Cảnh Sâm (Lao Động, 7/6/1990).

Dùng nguyên xi tiếng nước ngoài đối với tên cơ quan, tên tổ chức xã hội vốn chưa phổ biến tại Việt Nam. Ví dụ: Marie de Medeiros (Đại đoàn kết, số 29/ 1994), Jacques Tuobon, Stanley Zankel (Giáo dục và Thời đại, 15/4/1994).

Sử dụng các yếu tố viết tắt trong và ngoài nước trong kết cấu tiêu đề, mà các yếu tố viết tắt này chưa trở nên quen thuộc với người đọc. Do vậy, khi gặp chúng, công chúng không dễ gì có thể nhận biết ngay được. Ví dụ: Thành Đạt Ltd, Miền Đông GEC, C.D.D Co Ltd… Các trường hợp vừa nêu xuất hiện với tần suất cao trong tiêu đề văn bản báo chí.

c. Tiêu đề phải đúng với chuẩn ngữ nghĩa - cú pháp

Liên quan đến chuẩn ngữ nghĩa - cú pháp là hàng loạt kiểu câu sai rất phức tạp. Trọng tâm chủ yếu của tiểu mục này không phải là phân loại chúng. Do đó, để tiện trình bày, chúng tôi xếp vào đây tất cả các loại tiêu đề có vấn đề nằm trong địa hạt ngữ nghĩa - cú pháp, bao gồm các loại lỗi như: không liên thông ngữ nghĩa, vi phạm tính logic, quy chiếu, phát ngôn mơ hồ…Cũng cần nói ngay, việc định danh các lỗi chỉ có ý nghĩa tương đối. Bởi vì, như đã

nói, cùng một ngữ liệu vi phạm chuẩn mực có thể có cách gọi tên khác nhau, thủ pháp sửa chữa cũng rất khác nhau.

Chúng ta hãy lần lượt phân tích một số tiêu đề sau:

+ Ví dụ 1: Chống lại sự cám dỗ của đồng tiền dễ dàng (Tuổi trẻ, 27/9/1994); Triển khai quy định mới về xuất khẩu gỗ quá chậm (Tuổi trẻ, 6/1/1994)…

Cả hai tiêu đề trên đều mơ hồ về mặt ngữ nghĩa do đặt không đúng vị trí của từ ngữ. Ở tiêu đề 1, người đọc có thể tự hỏi: Chống lại dễ dàng sự cám dỗ của đồng tiền? / Chống lại sự cám dỗ dễ dàng của đồng tiền? / Chống lại sự cám dỗ dễ dàng của đồng tiền (làm) dễ dàng?

Cũng vậy, Triển khai quá chậm quy định mới về xuất khẩu gỗ / Triển khai quy định mới về xuất khẩu gỗ quá chậm? Có lẽ nên viết: Chống lại dễ dàng sự cám dỗ của đồng tiền Triển khai quá chậm quy định mới về xuất khẩu gỗ.

+ Ví dụ 2: Ngân hàng cho vay…người buôn vịt trời (Tuổi trẻ, 31/11/1991) Trong tiếng Việt, động từ “cho vay” thường bị chi phối bởi các nhân tố sau: ai cho vay? Cho ai vay? Và vay cái gì? Cách thiết kế tiêu đề như trên khiến người đọc dễ nhận thức rằng: người buôn vịt trời là vật bị tác động (vay cái gì?) chứ không phải người hưởng lợi, tức không phải đối thể - chỉ người nhận.

Nhưng đối chiếu với nội dung văn bản thì thấy, ý của người viết muốn phê phán: ngân hàng làm việc bất chấp thủ tục, toàn cho những người không có khả năg hoàn trả vay. Vì vậy, phát ngôn trên phải sửa lại: Ngân hàng cho …”người buôn vịt trời” vay.

+ Ví dụ 3: Trao đổi với Chủ tịch Ủy ban chấu Á - Thái Bình Dương các phòng thương mại Mỹ, bà Mathihde Genovese “Lĩnh vực nào có lợi đều được các nhà kinh doanh Mỹ quan tâm” (Thời báo kinh tế Sài Gòn, 11/3/1992).

Nếu tách rời khỏi lời giới thiệu ở đầu văn bản, cách bố trí của ngữ đoạn

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiêu đề văn bản báo chí (Trang 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(158 trang)
w