Tiêu đề bài báo phải khái quát được nội dung của cả bài báo trong một cấu trúc ngôn ngữ định danh xác định, chuẩn mực, ngắn gọn và có thể có sức biểu cảm (đối với một vài loại tiêu đề bài báo). Điều này cho ta thấy ngay mối quan hệ chặt chẽ giữa tiêu đề bài báo và bài báo. Quan hệ ấy thể hiện ở chỗ: tiêu đề thể hiện được hết nội dung của bài. Có khi, tiêu đề không chỉ thể hiện hết nội dung của bài mà còn có tác dụng nâng bài báo lên một tầm mới. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp, tiêu đề không thể hiện được hết nội dung của bài, thậm chí, có tiêu đề lại không hề ăn nhập với bài báo. Lúc này, chính tiêu đề dở lại làm ảnh hưởng đến giá trị bài báo. Đó là các loại tiêu đề: tiêu đề mơ hồ, tiêu đề có cách dùng từ, đặt câu sai, tiêu đề có những thành tố không có căn cứ, tiêu đề thiếu đặc trưng, tiêu đề phạm lỗi logic. Bên cạnh những lỗi trên thì có loại tiêu đề tuy không sai nhưng do cấu trúc bị lặp tới mức nhàm chán cũng có thể coi là tiêu đề bài báo không có sức hấp dẫn. Và cũng có loại tiêu đề do số lượng thành tố của nó (số lượng tiếng trong một tiêu đề) quá lớn, không đảm bảo cấu trúc định danh, không có sức khái quát…cũng bị quy vào loại tiêu đề không đạt yêu cầu. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới giá trị bài báo cũng như ảnh hưởng xấu tới độc giả. Bởi lẽ, hàng ngày, có hàng triệu người đọc báo, bên cạnh đó chúng được xem là chuẩn mực trong việc dùng ngôn từ. Chính vì thế, các sai sót về mặt ngôn ngữ rất nhanh chóng sẽ trở thành sai sót chung toàn xã hội. Và từ đây nảy sinh một vấn đề khá quan trọng nhưng chưa được quan tâm đúng mức: vấn đề trách nhiệm của nhà báo trong việc nói đúng và viết đúng, nhằm góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, và cũng có nghĩa là góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, không ít nhà báo chỉ chú trọng phần nội dung bài báo chứ chưa để ý nhiều đến hình thức diễn đạt thông tin cũng như bộ mặt của bài báo, chính là tiêu đề bài báo. Bởi vậy, họ bỏ qua khá nhiều lỗi về ngôn từ ở mọi cấp độ: từ, câu, đoạn văn, thậm chí bố cục
toàn văn bản. Cụ thể như: chính tả thiếu chuẩn xác, câu thiếu thành phần nòng cốt, từ dùng không đúng nghĩa… Chúng làm cho hiệu quả tiếp nhận thông tin của người đọc bị giảm sút. Cao hơn, chúng sẽ làm người đọc không hiểu hay hiểu sai vấn đề. Thậm chí, cao hơn, những sai sót này nếu không bị phát hiện (nghĩa là sẽ được xem như đúng) sẽ ảnh hưởng và lan truyền trong cộng đồng như một thứ dịch bệnh.