Giúp người đọc lựa chọn

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiêu đề văn bản báo chí (Trang 62 - 64)

Hiện nay, ở nước ta có hàng trăm tờ báo từ trung ương đến địa phương với số lượng tiêu đề được dùng trên mặt báo là rất lớn. Một câu hỏi được đặt ra cho giới báo chí là làm sao thu hút được người đọc. Một tiêu đề hay quyết định sự thành công cho bài báo. Thông thường, khi một tờ báo ấn hành những tin tức quan trọng sẽ được tòa soạn đưa lên trang nhất, người đọc sẽ tùy theo thói quen, sở thích, nhu cầu mà tìm đọc những tin tức khác nhau. Vì vậy, tiêu đề bài báo được độc giả quan tâm ở những mức độ khác nhau.

Tiêu đề có khả năng “phân biệt bài nào quan trọng hơn bài nào. Nó thể hiện sự lựa chọn của ban biên tập”. Do vậy mà “đọc toàn bộ các đầu đề trong một tờ báo, độc giả sẽ biết ngày hôm nay có gì mới và thông tin nào quan trọng hơn thông tin nào”. Ngoài ra, tác giả Lô-ic Éc-vu-ê còn cho rằng vai trò chính của đầu đề là “giúp độc giả lựa chọn”, nghĩa là có khi độc giả chỉ đọc đầu đề, họ sẽ xem luôn bài, nhưng cũng có khi họ đọc đầu đề rồi tự nhủ lát nữa sẽ quay lại bài này. Chính vì vậy, tác giả này yêu cầu “đầu đề phải nêu bật được chủ đề, nếu có thể được thì nêu luôn cả góc độ bài báo nữa. Đầu đề phải nhấn mạnh có gì mới, có gì hay đáng đọc” để độc giả có thể lựa chọn

ngay khi xem lướt qua tờ báo. Ví dụ: Giá dịch vụ lại nhảy múa (Tuổi trẻ, 10/3/2011); Thực hư thiết bị tiết kiệm xăng? (Tuổi trẻ, 19/3/2011); Đóng học phí một lần 9 tháng? (Tuổi trẻ, 9/3/2011); Tái chế dầu ăn từ rác (Tuổi trẻ, 7/3/2011).

Một tiêu đề bài báo ngắn hay dài, một sự lôi cuốn mạnh mẽ hay nhẹ nhàng thì ở bất kì một thể loại báo chí nào cũng phải coi yếu tố trung thực là tối thượng. Tiêu đề bài báo phải nói đúng sự thật cái đích thực của cuộc sống xã hội, lịch sử. Một tiêu đề bài báo không phải mang đến một trạng thái tò mò tức thời mà nó bắt buộc phải đọc nội dung bài báo. Nghĩa là, trong tiêu đề bài báo không có yếu tố nào là sản phẩm của trí tưởng tượng, hư cấu. Tính khách quan của hiện thực không bị tiêu đề bài báo làm mất đi. Dĩ nhiên, việc đặt tiêu đề bài báo đã thể hiện một thái độ, phát hiện, sáng tạo của tác giả, do đó, nó mang yếu tố của quan của nhà báo. Như vậy, tiêu đề bài báo hay, hấp dẫn khiến người đọc lựa chọn còn phải phản ánh đúng sự thật, không ngần ngại nhìn thẳng vào những thiếu sót, sai lầm. Tít báo hay phải chứa đựng ý đồ tốt đẹp của nhà báo. Tít báo không bôi đen hay tô hồng sự việc, hiện tượng. Tiêu đề bài báo hay, hấp dẫn không phải ở tính giật gân mà ở một cái nhìn đúng đắn về sự thật, ở ý đồ tốt đẹp mà tiêu đề bài báo nêu ra.

Với thái độ đúng đắn của mình, độc giả đi đến hành động cụ thể, có nghĩa là tiêu đề bài báo nêu bật được định hướng cho ý thức người đọc. Tiêu đề bài báo hay là thấy được tính tích cực của định hướng độc giả. Ví dụ: thể hiện điều tưởng như lớn lao của một người Mơ ước ngày 8 - 3 (Tuổi trẻ, 8/3/2011) nhưng lại là điều hết sức bình thường đối với những người khác. Đó là công việc phù hợp, một khoản thu nhập đủ lo cho gia đình khiến không ít người đọc phải chạnh lòng thông cảm và cũng là để cho nhiều người đọc nhận thức được đã hạnh phúc hơn nhiều người mà gìn giữ hiện tại. Hay tiêu đề bài báo Làm xấu mặt đàn ông

(Tuổi trẻ, 6/3/2011), là những tiêu đề định hướng thái độ độc giả. Hoặc như các tiêu đề: Nhiều nghịch lí trong “xã hội học tập” (Tuổi trẻ, 4/3/2011); Sao không tìm “Rajagobal” cho Việt Nam? (Tuổi trẻ, 4/3/2011); Ôn thi theo tài liệu nào?

(Tuổi trẻ, 1/3/2011); “Lái” thuyền giấy trên sông Thames (Nghệ An, 31/5/2011); “Hành thượng đế” (Nghệ An, 24/5/2011). Lúc này ta thấy thêm một sự hấp dẫn của tiêu đề bài báo đó là sự góp mặt của những dấu hỏi, dấu ba chấm…hay một cụm từ được đặt trong dấu ngoặc kép…đã tạo ra một sự liên tưởng, một sự suy nghĩ của trí óc, nó gợi mở cho bạn đọc những khía cạnh khác

nhau, rất phong phú. Đây chính là kết quả của sự sáng tạo của tác giả bài báo tác động tới thị hiếu của độc giả.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiêu đề văn bản báo chí (Trang 62 - 64)