Với cái nhìn ngữ pháp, chúng tôi sẽ chỉ ra các kiểu cấu trúc từ đơn giản đến phức tạp trong các tiêu đề báo chí dựa trên các tiêu đề của báo Nhân dân
(tháng 2/2011), Tuổi trẻ (tháng 3/2011), Nghệ An (tháng 5/2011), Giáo dục và Thời đại (tháng 7/2011). Bằng con đường này, đương nhiên, phải xem xét cụ thể các thành tố làm nên tiêu đề bao gồm: tiêu đề do loại từ đảm nhiệm (từ đơn hay từ phức), do từ nào biểu hiện (động từ, tính từ, danh từ), do cụm từ nào gánh vác (cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ). Tiếp đến khảo sát tiêu đề do câu đảm nhiệm. Nếu là câu hai thành phần đề - thuyết (câu đơn) thì quan hệ giữa chúng thuộc loại nào (chủ ngữ - vị ngữ, đề ngữ - sự kiện ngữ hay điều kiện ngữ, hệ của ngữ). Tiêu đề do câu ghép đảm nhiệm. Dĩ nhiên,
trong nghiên cứu tiêu đề báo chí cần phải chú ý những tiêu đề có cấu trúc lạ, những cách tổ chức bất thường.
2.1.2.1. Tiêu đề có cấu trúc một từ
Khảo sát 2000 tiêu đề báo chí, chúng tôi nhận thấy chỉ có 24 tiêu đề có cấu trúc một từ, chiếm 1.2%. Đó là:
Lần cuối (Tuổi trẻ, 10/3/2011); Lời hứa (Tuổi trẻ, 14/3/2011); Thẹn
(Tuổi trẻ, 29/3/2011); Đánh bạc (Nhân Dân, 27/2/2011); Mất trộm (Nhân Dân, 27/2/2011); Cờ bạc (Nhân Dân, 26/2/2011); Tham ô (Nhân Dân, 18/2/2011); Cướp giật (Nhân Dân, 17/2/2011); Ngộ độc(Nhân Dân, 8/2/2011); Chết đuối (Nhân Dân, 8/2/2011)…Đi sâu vào tìm hiểu chi tiết, nếu xét số lượng thành tố của từ (đơn tiết/ đa tiết), ta sẽ thấy có 23 tiêu đề là từ đa tiết. Chẳng hạn: Cướp giật (Nhân dân, 12/2/2011); Đánh bạc (Nhân dân, 10/2/2011); Tham ô (Nhân dân, 18/2/2011); Mất trộm (Nhân dân, 23/2/2011) …Có 1 tiêu đề là từ đơn tiết. Đó là: Thẹn (Tuổi trẻ, 29/3/2011). Nếu xét từ loại của tiêu đề, chúng ta thấy có 11 tiêu đề do danh từ đảm nhận, tất cả chúng đều là danh từ chung. Ví dụ: Lần cuối (Tuổi trẻ, 11/3/2011); Lời hứa (Tuổi trẻ, 14/3/2011); Pháo lậu (Nhân dân, 1/2/2011); Cờ bạc (Nhân dân, 5/2/2011); Có 12 tiêu đề do động từ đảm nhiệm. Chẳng hạn: Tham ô (Nhân dân, 18/2/2011); Mất trộm (Nhân dân, 23/2/2011); Truy nã (Nhân dân, 11/2/2011); Cướp giật (Nhân dân, 12/2/2011); Đánh bạc (Nhân dân, 10/2/2011); Chết đuối (Nhân dân, 8/2/2011); Ngộ độc (Nhân dân, 8/2/2011) …Có một tiêu đề do tính từ đảm nhiệm. Đó là: Thẹn (Tuổi trẻ, 29/3/2011).
So với các cấu trúc tiêu đề khác, tiêu đề có cấu trúc một từ chiếm một tỉ lệ khiêm tốn. Bởi nó rất ít được ưa dùng. Khảo sát trên “Nhân dân chủ nhật” Vũ Quang Hào cũng đồng tình với ý kiến này khi ông nhận thấy có 1.6% loại này trong tổng số 1945 tiêu đề. Nói khác đi, tiêu đề báo chí ít sử dụng loại cấu trúc một từ. Tuy nhiên, trong các tiêu đề bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ưa dùng cấu trúc này, qua khảo sát 800 tiêu đề bài báo của Người, thì có tận 54 tiêu đề có cấu trúc một từ, chiếm tỉ lệ 7.75% [21, tr.43]. Qua tìm hiểu mối quan hệ giữa tiêu đề với nội dung bài báo, chúng tôi thấy những tiêu đề có cấu trúc một từ được Bác sử dụng đều thể hiện được một cách cô đúc nhất nội dung cốt lõi của bài báo.
Trong tiếng Việt, ngữ (còn gọi là cụm từ) là kết hợp của hai hay nhiều thực từ (không hoặc có cũng với các hư từ có quan hệ với chúng) gắn bó về mặt ngữ pháp, diễn đạt một khái niệm thống nhất và tên gọi phức tạp biểu thị các hiện tượng của thực tại khách quan. Đó là một kết cấu cú pháp được tạo thành bởi hai hay nhiều từ trên cơ sở liên hệ ngữ pháp phụ thuộc theo quan hệ chính phụ hay liên hợp. Trong một cụm từ (ngữ), từ đóng vai trò chủ yếu về mặt ngữ pháp và ngữ nghĩa, gọi là thành tố chính, các từ phụ thuộc vào thành tố chính gọi là các thành tố phụ. Thành tố chính của ngữ có thể là danh từ (tạo nên ngữ danh từ) có thể là động từ (tạo nên ngữ động từ) hay tính từ (tạo nên ngữ tính từ). Ngữ là phương tiện định danh, biểu thị sự vật, hiện tượng, quá trình, phẩm chất.
Khảo sát 2000 tiêu đề bài báo trên 4 báo Nhân dân (tháng 2/2011);
Tuổi trẻ (tháng 3/2011), Nghệ An (tháng 5/2011), Giáo dục và Thời đại (tháng 7/2011), chúng tôi nhận thấy: tiêu đề có cấu trúc một ngữ là loại tiêu đề có tần số xuất hiện cao nhất 1225 tiêu đề, chiếm 64.25% bao gồm ngữ danh từ, ngữ động từ, ngữ tính từ và ngữ liên hợp.
Trong số các kiểu ngữ nói trên, kiểu ngữ danh từ là được dùng tương đối nhiều với cấu trúc tiêu đề báo chí. Bởi mặc dù tiêu đề nhằm thông tin về nội dung bài báo nhưng nó là tên bài báo, do vậy cấu trúc của nó phải là cấu trúc định danh, một loại cấu trúc rất khác với cấu trúc thông báo. Cấu trúc thông báo trùng với cấu trúc câu và thường gồm đủ hai thành phần nòng cốt chủ ngữ - vị ngữ, thậm chí có cả bổ ngữ và trạng ngữ. Cấu trúc thông báo không phải là cấu trúc đắc dụng cho tiêu đề báo chí. Trở lại các tiêu đề bài báo đã thống kê, loại tiêu đề có cấu trúc là ngữ danh từ gồm 514 tiêu đề, chiếm 25.7%. Điều đó cho thấy các nhà báo đều rất ưa dùng và rất có ý thức khai thác tính thích dụng của ngữ danh từ trong các tiêu đề bài báo của mình, chẳng hạn: Chuyện người bán vé số (Tuổi trẻ, 4/3/2011); Hội thảo “Nhà báo nữ và nghề báo hiện đại” (Tuổi trẻ, 7/3/2011); Cây gậy của người khiếm thị
(Tuổi trẻ, 8/3/2011); Hiệp sĩ trên biển (Tuổi trẻ, 10/3/2011); Liên hoan tiếng hát giáo viên lần 3 (Nghệ An, 9/5/2011); Ngày hội toàn dân (Nghệ An, 20/5/2011); Nghịch cảnh nghề nuôi heo (Tuổi trẻ, 28/3/2011); Những cái chết trên trời rơi xuống (Tuổi trẻ, 30/3/2011); Nếp sống văn minh trong lễ hội
(Nhân Dân, 28/2/2011); Ngày thơ Việt Nam lần thứ IX (Nhân Dân, 18/2/2011); Lễ hội đền Thượng tại Lào Cai (Nhân Dân, 18/2/2011); Lễ khai
ấn đầu xuân đền Trần (Nhân Dân, 17/2/2011); Ngân hàng lương thực cộng đồng (Nhân Dân, 12/2/2011); Cuộc thi “Tiếng ca học đường 2011” (Giáo dục và Thời đại, 15/7/2011); Muôn vẻ chuyện bán hàng qua truyền hình (Giáo dục và Thời đại, 15/7/2011); Liên hoan ảnh nghệ thuật phía Bắc (Giáo dục và Thời đại, 14/7/2011); Những “cục sạn” trong kinh doanh xăng dầu (Tuổi trẻ, 28/3/2011);…
Loại cấu trúc tiêu đề thứ hai cũng được các tác giả sử dụng rất phổ biến là cấu trúc ngữ động từ, gồm 492 tiêu đề, chiếm 24.6%. Chẳng hạn: Cảnh báo nguy cơ vỡ đập Bỉ (Nghệ An, 23/5/2011); Nghiêm trị kẻ phá hoại trang trại cam (Nghệ An, 25/5/2011); Đau đầu chuyện lãi suất (Tuổi trẻ, 1/3/2011);
Đua nhau nuôi yến (Tuổi trẻ, 5/3/2011); Bớt nhọc nhằn cho nhà nông (Tuổi trẻ, 4/3/2011); Làm xấu mặt đàn ông (Tuổi trẻ, 6/3/2011); Mơ ước ngày 8/3
(Tuổi trẻ, 8/3/2011); Nuông chiều chủ Nix thải (Tuổi trẻ, 11/3/2011); Cướp tiền giữa chợ (Nghệ An, 4/5/2011); Cảnh báo nạn cướp giật (Nghệ An, 4/5/2011); Bị sét đánh tử vong (Nghệ An, 9/5/2011); Trăn trở Na nhu (Nghệ An, 15/5/2011); Ngăn chặn từ xa (Nghệ An, 16/5/2011); Trăn trở đời sống công nhân khu công nghiệp (Nghệ An, 17/5/2011); Quản lí giá thuốc chữa bệnh (Nhân Dân, 24/2/2011); Quản lí giá sàn xuất khẩu gạo (Nhân Dân, 23/2/2011); Khai mạc lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Nhân Dân, 19/2/2011);
Kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu (Nhân Dân, 19/2/2011); Cướp giật tài sản
(Nhân Dân, 17/2/2011); Trộm tài sản (Nhân Dân, 17/2/2011); Mất tích trên biển (Nhân Dân, 9/2/2011); Làm rõ vụ giết người (Nhân Dân, 9/2/2011); Băn khoăn nhà vệ sinh trong trường học (Giáo dục và Thời đại, 9/7/2011);…
Cấu trúc ngữ tính từ không phù hợp với cấu trúc định danh của tiêu đề nên loại cấu trúc này các tác giả ít sử dụng hơn trong các tiêu đề bài báo của mình. Cụ thể, trong 2000 tiêu đề chỉ có 201 tiêu đề, chiếm 10.05%. Chẳng hạn: Rộn ràng giáo xứ Bảo Nham (Nghệ An, 23/5/2011); Từng bừng ngày hội non sông (Nghệ An, 23/5/2011); Cẩn thận với giấy lau ở quán vỉa hè (Nghệ An, 26/5/2011); Bất thường giá thuốc (Tuổi trẻ, 4/3/2011); Nồng nàn ngày 8/3 (Tuổi trẻ, 8/3/2011); Nhấp nhổm lo cháy rừng (Tuổi trẻ, 15/3/2011);
Nhộn nhịp trên công trường thủy điện bản Vẽ (Nghệ An, 5/5/2011); Nhọc nhằn học tiếng Ơ đu (Nghệ An, 15/5/2011); Rắc rối ảnh “nuy” (Tuổi trẻ, 28/3/2011); Gian nan thu hồi đất (Tuổi trẻ, 29/3/2011); Nhức nhối Chiềng Chăn (Giáo dục và Thời đại, 28/7/2011); Rực rỡ đường hoa Nguyễn Huệ
(Nhân dân, 1/2/2011); Bức xúc chuyện xăng, dầu tại Kiên Giang (Nhân Dân, 21/2/2011); Éo le phận “lương hợp đồng” (Giáo dục và Thời đại, 22/7/2011); …
Loại cấu trúc tiêu đề là một cụm từ liên hợp (đẳng lập) ít xuất hiện trong thực tế nhưng cũng được các tác giả sử dụng và thực sự có hiệu quả. Tiêu đề có cấu trúc là cụm từ liên hợp gồm 18 tiêu đề, chiếm 0.9%. Chẳng hạn: Niềm tin, kì vọng (Nghệ An, 23/5/2011); Người nhạc trưởng và tiếng chuông điện thoại (Tuổi trẻ, 2/3/2011); Quan tham và bồ nhí (Tuổi trẻ, 3/3/2011); Nói ít, làm nhiều (Nghệ An, 5/5/2011); Tiếc một đồng, mất không tiền triệu (Nghệ An, 6/5/2011); Vô tình hay…cố ý (Nghệ An, 3/5/2011);
Chướng tai, gai mắt (Nghệ An, 10/5/2011); Trên thừa, dưới…thiếu (Nghệ An, 9/5/2011); Chênh lệch giới tính - hệ lụy nhãn tiền (Giáo dục và Thời đại, 14/7/2011); Một đô một tô (Tuổi trẻ, 15/3/2011); Bằng cấp và CEO (Tuổi trẻ, 26/3/2011);…
2.1.2.3. Tiêu đề có cấu trúc một câu
Như chúng ta đã đề cập đến ở phần trên, cấu trúc thông báo không phải là cấu trúc đắc dụng cho tiêu đề cho nên trong thực tế số lượng tiêu đề có cấu trúc một câu có số lượng không lớn. Mặc dù chưa có một tài liệu nào đưa ra những tiêu chí xác định một tiêu đề báo chí nói riêng, tiêu đề văn bản nói chung có cấu trúc như thế nào là lí tưởng nhưng xét ở góc độ ngôn ngữ thì hiển nhiên tiêu đề là một câu ( nghĩa là có cấu trúc thông báo) khả năng định danh của nó rất kém. Nói theo cách nói nghề nghiệp thì đó là loại tiêu đề “chân phương” chối từ khéo léo.
Mặc dù vậy, qua khảo sát tiêu đề trên 4 báo Nhân dân (tháng 2/2011),
Tuổi trẻ (tháng 3/2011), Nghệ An (tháng 5/2011), Giáo dục và Thời đại (tháng 7/2011), chúng tôi nhận thấy: loại tiêu đề có cấu trúc một câu chiếm số lượng khá lớn, bao gồm 751 tiêu đề, chiếm 37.55%. Đây là một tỉ lệ khá cao, trong số tiêu đề là câu có 678 tiêu đề có cấu trúc câu đơn, chủ yếu là câu tường thuật, chẳng hạn: Ga Sài Gòn khuyến mãi 30% (Tuổi trẻ, 6/3/2011); Gía vàng trong nước hụt hơi (Tuổi trẻ, 6/3/2011); Vi rút máy tính gây thiệt hại 5.900 tỉ đồng/năm (Tuổi trẻ, 6/3/2011); Cựu tổng thống Pháp hầu tòa vì tham nhũng
(Tuổi trẻ, 7/3/2011); Toàn bộ lao động Việt Nam đã ra khỏi Libya (Tuổi trẻ, 7/3/2011); Đá rơi kín mặt đường (Tuổi trẻ, 7/3/2011); 12 ngư dân bị nạn trên biển Đông (Tuổi trẻ, 9/3/2011); Nhật có ngoại trưởng mới (Tuổi trẻ,
9/3/2011); Giá dịch vụ lại nhảy múa (Tuổi trẻ, 10/3/2011); Quảng Nam công bố dịch lở mồm long móng (Tuổi trẻ, 10/3/2011); Vượn đen má trắng chạy rông (Tuổi trẻ, 10/3/2011); Giá lúa gạo giảm nhẹ (Tuổi trẻ, 10/3/2011); Nữ nhi trộm chó (Tuổi trẻ, 12/3/2011); Nước sông Hồng nhiễm chì (Tuổi trẻ, 12/3/2011); Hồ Ba Bể kêu cứu (Tuổi trẻ, 15/3/2011); Chân cầu kêu cứu (Nghệ An, 17/5/2011); Hành động đẹp! (Nghệ An, 17/5/2011); Chồng đâm chết vợ
(Tuổi trẻ, 28/3/2011);…
Tiêu đề có cấu trúc câu đơn là câu nghi vấn và câu cảm thán chiếm số lượng không đáng kể, chẳng hạn: Có thật vì quyền lợi thí sinh? (Tuổi trẻ, 10/3/2011); Hoàng tử Harry sẽ lấy ai? (Nghệ An, 5/5/2011); Phép thử với truyền thông? (Giáo dục và Thời đại, 5/7/2011); Tại sao Hà Nội vẫn “nóng” tuyển sinh đầu cấp? (Giáo dục và Thời đại, 8/7/2011); Làm gì để giải quyết vấn nạn tiêu cực trong thi cử? (Giáo dục và Thời đại, 15/7/2011); Bao giờ thú rừng biến mất? (Giáo dục và Thời đại, số đặc biệt cuối tháng 7/2011); Hạt giống làm nên “Mùa vàng”? (Nhân dân, 5/2/2011); Để bằng giả không còn đất sống! (Giáo dục và Thời đại, 9/7/2011); Thêm một con voi rừng bị sát hại? (Tuổi trẻ, 28/3/2011); Thảm họa không của riêng ai! (Tuổi trẻ, 19/3/2011); Ông Calisto đi là phải! (Tuổi trẻ, 3/3/2011)…. Câu đơn sử dụng thường có cấu trúc ngắn gọn, súc tích, mục đích là chuyển tải được đơn vị thông tin tối đa cho độc giả bằng một hình thức ngắn gọn nhất. Chúng ta thường thấy câu có nòng cốt chủ ngữ - vị ngữ được sử dụng khá nhiều. Chẳng hạn: Voi Đắc Lắc kêu cứu (Nhân dân, 22/2/2011); Bệnh viện thi đua (Tuổi trẻ, 25/3/2011); Một nữ công nhân bị đâm chết (Tuổi trẻ, 25/3/2011); Cảnh sát giao thông bắt cướp (Tuổi trẻ, 24/3/2011); Sông Ba ô nhiễm nặng (Tuổi trẻ, 23/3/2011); Ba học sinh lớp 4 chết đuối (Tuổi trẻ, 21/3/2011); Hồ Ba Bể kêu cứu (Tuổi trẻ, 15/3/2011); Chân cầu kêu cứu (Nghệ An, 17/5/2011); AC Mi lan muốn có tiền đạo người Hàn Quốc (Giáo dục và Thời đại, 8/7/2011); Di tích khảo cổ Phong Lệ đã được khai quật (Giáo dục và Thời đại, 8/7/2011); Mĩ và Pháp chia sẻ dữ liệu không gian (Nhân dân, 10/2/2011); Người giúp việc trộm tài sản (Nhân dân, 19/2/2011); Trường học bị mất trộm con dấu
(Nhân dân, 22/2/2011);… Đôi khi, để rút ngắn độ độ dài của câu và nhằm khẳng định nội dung thông tin của tiêu đề, các tác giả còn sử dụng các biện pháp như lược bỏ các yếu tố không cần thiết mà người đọc vẫn hiểu được nội dung như: Tai nạn giao thông, 3 người chết (Nhân dân, 7/2/2011); Buôn bán
ma túy, hối lộ 20 triệu đồng (Nhân dân, 27/2/2011); Sáu vụ tai nạn giao thông, bảy người chết (Nhân dân, 6/2/2011); hay đảo trật tự các thành phần nòng cốt trong câu như trong tiêu đề: Đổi thay xóm nghèo Phước Bình (Nhân dân, 10/2/2011)…Để tăng lượng thông tin cho tiêu đề, tác giả còn tổ chức những tiêu đề có cấu trúc là câu đơn ngoài hai thành phần chính còn có thêm thành phần phụ. Chẳng hạn: Tàu biển chở hơn 1.100 khách quốc tế đến Bà Rịa - Vũng Tàu sáng 11/3 (Tuổi trẻ, 21/3/2011); Cựu tổng thống Pháp hầu tòa vì tham nhũng (Tuổi trẻ, 7/3/2011); Sông Hồng mất màu phù sa do thủy điện thượng nguồn (Tuổi trẻ, 4/3/2011); Hai tháng, 148 người chết vì tai nạn giao thông (Tuổi trẻ, 19/3/2011); Năm 2010, tỷ lệ nhiễm mới HIV chỉ còn 0.26% (Nhân dân, 26/2/2011); Tháng 2, kim nghạch xuất khẩu đạt 5.25 tỷ USD (Nhân dân, 26/2/2011); Hôm nay (26/2), kênh VTC 16 phát kênh thời tiết trên biển (Nhân dân, 26/2/2011); Hai xe tải bốc cháy do đâm nhau (Nhân dân, 26/2/2011); Tháng 1, kim nghạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản đạt 1.6 tỉ USD (Nhân dân, 10/2/2011); Sau Tết, giá dịch vụ ăn uống và trông giữ xe ở Hà Nôi tăng cao (Nhân dân, 8/2/2011); Khuất tất trong việc khai thác rừng trồng ở Diễn Lợi - Diễn Châu: Bỏ quên quyền lợi người dân? (Nghệ An, 9/5/2011); Khai thác vàng trái phép tại Tương Dương: cần biện pháp ngăn chặn triệt để! (Nghệ An, 4/5/2011); Sáng ngày 10 tháng 3, bộ trưởng Bộ VH - TT & DL đã kí quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với công trình di tích lịch sử văn hóa Trường Lũy (Quảng Ngãi) (Tuổi trẻ, 11/3/2011);
UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản nghiêm cấm chủ đầu tư dự án khởi công khi công trình khi chưa có mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu (Tuổi trẻ, 11/3/2011); … Trên đây là những tiêu đề dài nhất trong các tiêu đề mà chúng tôi khảo sát. Độ dài bất thường của các tiêu đề này có dụng ý, bởi nội dung của bài báo đã thâu tóm vào tiêu đề. Tiêu đề có cấu trúc là câu ghép bao gồm 41 tiêu đề, chiếm tỉ lệ 2.05%. Chẳng hạn: Anh bắt giữ 9 đối tượng trọng vụ một ngân hàng bị phá sản ở Iceland (Tuổi trẻ, 11/3/2011); Hai chiến sĩ cảnh sát cơ động bị ô tô đâm tử vong (Tuổi trẻ, 5/3/2011); Việt Nam phản đối Trung Quốc diễn tập ở quần đảo Trường Sa (Tuổi trẻ, 4/3/2011). Sở dĩ, câu ghép không được ưa chuộng bởi nó không phù hợp với tiêu chí bằng một hình thức, cô đúc ngắn gọn nhất phải chuyển tải được một lượng thông tin tối đa của báo chí nói chung.
Trong các tiêu đề có cấu trúc là một câu, có 32 tiêu đề là câu đặc biệt, chiếm tỉ lệ 1.6%. Chẳng hạn: Chờ 2012…(Tuổi trẻ, 4/3/2011); Trên thừa, dưới…thiếu (Nghệ An, 5/5/2011); Từ quốc hoa…tới quốc nạn (Tuổi trẻ, 7/3/2011); Hôm nay ngày 8 tháng 3 (Tuổi trẻ, 9/3/2011); Cắm…đời (Giáo dục và Thời đại, số đặc biệt cuối tháng 7). Tiêu đề là câu hỏi: Mua ngoại tệ trả phí? (Tuổi trẻ, 25/3/2011); Đâu rồi vỉa hè? (Nghệ An, 5/5/ 2011); Do nhận thức hay cố ý? (Nghệ An, 5/5/ 2011); bao giờ cấp giấy đỏ cho nhà tái định cư? (Tuổi trẻ, 1/3/2011); …Tiêu đề là câu cảm thán: Khó hiểu quá!
(Tuổi trẻ, 20/3/2011); Lại càng lo! (Tuổi trẻ, 14/3/2011); Như con buôn!
(Tuổi trẻ, 12/3/2011)Như thảm họa sóng thần! (Tuổi trẻ, 31/3/2011); Gần mà…xa! (Nghệ An, 31/5/ 2011); Đóng dấu…thu tiền! (Nghệ An, 30/5/ 2011);
Chướng tai, gai mắt! (Nghệ An, 10/5/ 2011); Mất chi của ai! (Nghệ An, 30/5/ 2011); Lòng nhân ái! (Nghệ An, 3/5/ 2011); Ngăn chặn từ xa! (Nghệ An, 16/5/ 2011)…Đây là những tiêu đề định danh có sắc thái biểu cảm, thể hiện thái độ của tác giả với vấn đề đặt ra trong bài báo.