Hấp dẫn (níu mắt) người đọc

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiêu đề văn bản báo chí (Trang 60 - 62)

Một tiêu đề báo hấp dẫn được quy định đầu tiên bởi yếu tố hấp dẫn cuốn hút người xem. Một tiêu đề hấp dẫn trước tiên nó đáp ứng được nhu cầu về thị giác, kích thích trí tò mò của người đọc. Có nghĩa là, nó đập vào mắt người đọc, khiến họ phải đọc nó mới thỏa mãn thị hiếu của mình. Có những độc giả thường cầm tờ báo lên xem và lướt qua, một tiêu đề báo hay ngay lập tức sẽ “níu mắt” người đọc. Ngôn từ trong tiêu đề báo phải có sức thu hút để lôi kéo sự quan tâm của độc giả.

Một tiêu đề hấp dẫn là tiêu đề khiến người đọc chú ý, bằng việc khích thích sự tò mò, thích thú trong họ khi sử dụng các phương thức tạo nên nghĩa hàm ẩn như: lối nói bỏ lửng, dùng từ, cụm từ đối nhau, dùng hình thức nói lái, dùng những từ đồng âm, dùng từ, cụm từ vừa đồng âm, đồng nghĩa, nói giảm, nói quá, dùng hình ảnh có tính chất biểu trưng, dùng lối nói ẩn dụ, nhân hóa, đảo cấu trúc…Chúng là những biện pháp có khả năng khơi gợi nhu cầu nhận thức, khám phá và đặc biệt là những khả năng liên tưởng bất ngờ đối với người đọc. Chẳng hạn như: Tăng cường quản lí…cá lau kính (Tuổi trẻ, 7/3/2011); Bắt giữ hơn 130 “quái xế” tham gia “bão đêm” (Tuổi trẻ, 7/3/2011); Tái chế dầu ăn từ rác (Tuổi trẻ, 7/3/2011); Mai này sếu về đâu…

(Tuổi trẻ, 7/3/2011); Từ quốc hoa…tới quốc nạn (Tuổi trẻ, 7/3/2011); Nông thôn “nóng” trên màn ảnh (Tuổi trẻ, 23/3/2011); Chết do…nhậu (Tuổi trẻ, 24/3/2011); Bỏ tiền tỉ “thuê” xe gian (Tuổi trẻ, 24/3/2011); Khi người tiêu dùng hết là thượng đế (Tuổi trẻ, 24/3/2011); Giảng viên “chạy điểm” lãnh án

(Tuổi trẻ, 26/3/2011); Rồng rắn mua dầu (Tuổi trẻ, 28/3/2011); Bán thịt rừng giữa đường (Tuổi trẻ, 30/3/2011); Những trái tim nóng cùng sĩ tử (Giáo dục và Thời đại, 2/7/2011); Giành đất với thú hoang (Giáo dục và Thời đại, 8/7/2011); Côlômbia “tính nhầm” vụ ma túy kỉ lục (Giáo dục và Thời đại, 9/7/2011); Chữa bệnh với “báu vật dân gian” (Giáo dục và Thời đại, số đặc biệt giữa tháng 7/2011); Hãy tránh xa “những hung thần đường phố” (Giáo dục và Thời đại, 21/7/2011); Đất giàu mà chữ vẫn nghèo…(Giáo dục và Thời đại, 22/7/2011); Chảy máu dược liệu quý (Giáo dục và Thời đại, 22/7/2011);

“thú chơi” phá rừng (Nhân dân, 13/2/2011); Gần mà…xa (Nghệ An, 31/5/2011).

Một tít báo dù ở thể loại nào cũng bao gồm hai mặt nội dung và hình thức. Tiêu đề được viết theo cách nào giúp người đọc nhận ra nội dung chủ đề và hơn hết là góc độ khía cạnh mà tác giả bài báo đề cập đến có gì mới, có gì lạ, có gì hấp dẫn. Nhà báo cũng là một chủ thể tinh thần sáng tạo. Vì thế, lúc này, cái thu hút được độc giả chính là cái mà anh ta sáng tạo ra. Cái đó phải khác hơn người khác, lạ hơn người khác. Nó thể hiện năng lực, sức sáng tạo, khám phá, khai thác hiện thực của người làm báo. Một tít báo hấp dẫn phải nói được cái hay cái độc đáo mà bài báo đề cập đến. Đó có thể là một vấn đề mới mẻ có tính thời sự nóng hổi, cũng có thể đó là một cái nhìn, cách xem xét mới về những vấn đề tưởng như đã cũ. Ở đây, hai mặt nội dung và hình thức của tít báo chi phối lẫn nhau, tác động lẫn nhau. Một tiêu đề bài báo hay phải tìm được một hình thức phù hợp nhất với nội dung mà tác giả bài báo muốn đề cập. Nó phản ánh đúng, chạm vào bản chất vấn đề, sự việc, hiện tượng được nêu. Ví dụ: Nạn “xe dù, bến cóc” ở Quảng Ngãi (Nhân dân, 16/2/2011);

Nhiều công trình nước sạch ở Quảng Bình không sử dụng được (Nhân dân, 18/2/2011); Bức xúc chuyện xăng, dầu ở Kiên Giang (Nhân dân, 21/2/2011);

“Kỹ nghệ” tái chế đồ nhậu (Tuổi trẻ, 14/3/2011).

Sức hấp dẫn của tiêu đề bài báo còn là ở tính mới mẻ của vấn đề, hiện tượng, sự kiện nêu ra. Một vấn đề nóng hổi nhất định sẽ thu hút được độc giả hơn những vấn đề đã cũ. Những vấn đề cấp bách, thường xuyên sẽ thu hút hơn một vấn đề lâu dài, không cần phải giả quyết mau chóng. Trên thế giới và trong nước luôn nảy sinh những vấn đề thời sự. Ví dụ: Chung quanh việc tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Cam pu chia (Tuổi trẻ, 7/3/2011); Xả súng ở Mỹ làm một người chết, 11 người bị thương (Nhân dân, 8/2/2011); Mỹ trừng phạt hai quan chức Iran (Nhân dân,28/2/2011); Vàng “ngấp nghé” mức 38 triệu đồng (Nghệ An, 5/5/2011); Công bố môn thi thứ 3 tuyển sinh vào lớp 10 (Nghệ An, 10/5/2011); Việt Nam Airline tăng giá vé từ 16-5 (Nghệ An, 12/5/2011); USD tự do còn 21.700 đồng (Tuổi trẻ, 2/3/2011); Bác sĩ Việt Nam đã ghép được tim người (Tuổi trẻ, 3/3/2011); Cùng với nhiều bài báo hay là những tiêu đề bài báo hấp dẫn như: Tấm thẻ đỏ nhanh nhất thế giới

(Nhân dân,19/2/2011); Tuyển sinh vào lớp 1 dễ mà khó (Giáo dục và Thời đại, 7/7/2011); Như thảm họa sóng thần! (Tuổi trẻ, 31/3/2011); Cá lau kính

lên bàn nhậu (Tuổi trẻ, 30/3/2011); Đủ chiêu “độ” cân (Tuổi trẻ, 28/3/2011);

Trao giải cho gói cước …ảo (Tuổi trẻ, 27/3/2011); Lãnh án vì …thả vợ xuống giếng (Tuổi trẻ, 25/3/2011); Khi bệnh viện thành …doanh nghiệp (Tuổi trẻ, 25/3/2011).

Do mục tiêu là đưa đến cho độc giả những tin tức, sự kiện, vấn đề mang tính thời sự, phản ánh đúng hiện thực cuộc sống, kinh tế, xã hội nên ngôn ngữ tiêu đề bài báo phải là ngôn ngữ chuẩn mực để không gây cho độc giả cách hiểu nhập nhằng, không có yếu tố thừa. Ngôn từ tiêu đề bài báo hay ở chỗ những từ mà tác giả sử dụng phát huy tốt nhất vai trò của nó làm sáng rõ nội dung tiêu đề bài báo và mục đích của bài báo. Nghĩa là ngôn ngữ của tiêu đề bài báo phải nêu được thông tin độc đáo ở chỗ nào, phù hợp với nội dung, mục đích của bài báo. Và một yếu tố không kém phần quan trọng tạo nên sức hút của tiêu đề bài báo là phông chữ, màu và nền.

Tóm lại, sức hấp dẫn của tiêu đề bài báo là ở sự lôi cuốn, thu hút của ngôn từ, ở nội dung thông tin chính xác, mang ý nghiã thời sự ở mục đích định hướng, tác động vào nhận thức tư tưởng người đọc, ở một cấu trúc cô đọng, diễn đạt đắt nhất vấn đề mục đích bài báo nêu ra.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiêu đề văn bản báo chí (Trang 60 - 62)