Các dạng tiêu đề báo chí thường gặp

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiêu đề văn bản báo chí (Trang 30 - 33)

Xét về mặt cấp độ, tít báo được chia thành hai dạng chính: tít chính, tít phụ…

Nhìn từ góc độ ma-két báo, có nhiều cách gọi tít khác nhau: tít đầu trang, tít đầu trang cố định, tít đầu trang biến động, tít chính, tít phụ, tít lớn, tít nhỏ, tít dẫn,…

Xét về phương diện thể loại của bài báo: tít tin, tít phóng sự, tít bài bình luận, tít tiểu phẩm…

Xét mặt ngữ pháp: tít có cấu trúc một từ, tít có cấu trúc một ngữ, tít có cấu trúc một câu.

Theo Hoàng Anh trong cuốn Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí, tác giả chia thành 7 kiểu tiêu đề (tít) cơ bản sau đây:

+ Tiêu đề xác nhận

Tiêu đề này, đúng với tên gọi của nó, chỉ có nhiệm vụ đơn giản là xác nhận sự tồn tại của các sự kiện, hiện tượng, hoàn cảnh,…nào đó trong thực tế khách quan. Kiểu tiêu đề này thường xuất hiện trong thể loại tin thông tấn, nó thường là một thông báo trọn vẹn và khá cụ thể, chẳng hạn: Mười tám thuyền viên tàu Hồng Sơn đã về đến Việt Nam (Tuổi trẻ, 23/3/2011); Ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh chi 36 tỉ đồng cho các hoạt động xã hội (Nhân Dân, 13/2/2011); Giá tàu Thống nhất sẽ tăng (Tuổi trẻ, 19/3/2011); TP HCM tuyên dương học sinh giỏi (Giáo dục và Thời đại, 12/7/2011); Hàn Quốc mở trường đa văn hóa (Giáo dục và Thời đại, 15/7/2011); Giá cà phê vượt qua 40.000đồng/kg (Nhân Dân, 6/2/2011); Nắng ấm tiếp tục duy trì tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ(Nhân Dân, 7/2/2011); Xã cuối cùng của tỉnh Lạng Sơn đã có điện (Nhân Dân, 10/2/2011); Câu lạc bộ M.U có chủ mới (Nhân Dân, 13/2/2011); Thêm 523 lao động Việt Nam tại Libi về nước (Nhân Dân, 28/2/2011);…

+ Tiêu đề câu hỏi

Tiêu đề câu hỏi được sử dụng với mật độ khá dày trên các trang báo. Chúng vừa gợi sự phán đoán của độc giả về một vấn đề bức xúc đáng quan tâm nào đó, vừa hứa hẹn câu trả lời thỏa đáng ở phía dưới. Ví dụ: Vụ “Mối tình đầu của Lượm”, một mình Thùy Dương có làm nên chuyện? (Tuổi trẻ, 23/3/2011); Ôn thi theo tài liệu nào? (Tuổi trẻ, 1/3/2011); Đâu rồi vỉa hè

(Nghệ An, 5/5/2011); Trách nhiệm hay năng lực? (Nghệ An, 27/5/2011); Sao không tìm “Rajagobal Việt Nam”? (Tuổi trẻ, 4/3/2011); Có thật vì quyền lợi thí sinh? (Tuổi trẻ, 10/3/2011); Sea Game cho ai? (Tuổi trẻ, 1/3/2011); Làm gì để giải quyết vấn nạn trong thi cử? (Giáo dục và Thời đại, 15/7/2011);…

+ Tiêu đề kêu gọi

Chúng kêu gọi bạn đọc hãy hướng tới một suy nghĩ, hành động cần thiêt (theo quan niệm của người viết) nào đó. Nó tồn tại dưới dạng câu cầu khiến, chẳng hạn: Thú rừng kêu cứu! (Giáo dục và Thời đại, 26/7/2011);

Cuộc chiến cam go! ( Nghệ An, 25/5/2011); Lại càng lo! (Tuổi trẻ, 14/3/2011); Thảm hoạ không của riêng ai! (Tuổi trẻ, 19/3/2011); Vô tình hay…cố ý! (Nghệ An, 3/5/2011); Hành động đẹp! (Nghệ An, 17/5/2011);

Cuộc chiến cam go! (Nghệ An, 25/5/2011); SLNA ơi! Chưa ngủ được đâu!

(Nghệ An, 25/5/2011); Ông Calisto đi là phải! (Tuổi trẻ, 3/3/2011); Thảm họa không chỉ riêng ai! (Tuổi trẻ, 19/3/2011); Để bằng giả không còn đất sống! (Giáo dục và Thời đại, 9/7/2011); Chúng ta cần sự đánh giá thật lòng!

(Giáo dục và Thời đại, 12/7/2011); tan tành một di tích! (Giáo dục và Thời đại, 14/7/2011); Đã thấy hình hài nông thôn mới! (Giáo dục và Thời đại, 19/7/2011); Đi tìm các trận đấu hay! (Giáo dục và Thời đại, 21/7/2011);…

+ Tiêu đề trích dẫn

Tiêu đề trích dẫn ở đây là lời trích dẫn trực tiếp tạo cảm giác rằng nguồn tin của người viết là hoàn toàn đáng tin cậy, chính xác. Ví dụ: Tổng thống Saddam Hussein: Nhân dân Iraq không muốn chiến tranh (Người lao động, 6/3/2003);…

+ Tiêu đề bình luận

Tác giả bộc lộ nhận xét, đánh giá của mình về con người hay một sự việc nào đó qua loại tiêu đề này, chẳng hạn: Trung tâm y yế huyện lắm…nỗi niềm ( Nghệ An, 25/5/2011); Chướng tai, gai mắt! (Nghệ An, 10/5/2011);

Cẩn thận với giấy lau vỉa hè (Nghệ An, 26/5/2011); Chống rác thải nhập lậu: cần một giải pháp toàn diện (Nghệ An, 27/5/2011); Cần đầu tư xây dựng cầu máng Tà Lạnh (Nghệ An, 29/5/2011); Đẹp và không đẹp tại một điểm du lịch

(Nghệ An, 31/5/2011); Ông Calisto đi là phải! (Tuổi trẻ, 3/3/2011); Bất thường giá thuốc (Tuổi trẻ, 5/3/2011); Cần hơn một lời xin lỗi (Tuổi trẻ, 12/3/2011); Vẫn khó tiếp cận vốn sản xuất (Tuổi trẻ, 19/3/2011);…

+ Tiêu đề giật gân

Nó dùng để khêu gợi sự chú ý của độc giả. Nó có thể nêu đích đích danh sự việc giật gân, hay quy tụ các tiêu đề cung cấp tín hiệu về sự việc giật gân còn chưa có tên gọi cụ thể, ví dụ: Thẹn (Tuổi trẻ, 29/3/2011); Khi bệnh viện thành… doanh nghiệp (Tuổi trẻ, 25/3/2011); Bệnh viện giao chỉ tiêu…số người phải cấp cứu (Tuổi trẻ, 24/3/2011); Tái chế dầu ăn từ rác (Tuổi trẻ, 7/3/2011); “Kỹ nghệ” tái chế đồ nhậu (Tuổi trẻ, 14/3/2011); “Hung thần” về đêm (Tuổi trẻ, 15/3/2011); “Ma thuốc độc và lời đồn thổi kinh hoàng (Giáo dục và Thời đại, 22/7/2011); Từ hội chứng mở trường đến hội chứng mở sân bay (Giáo dục và Thời đại, 23/7/2011);…

+ Tiêu đề gợi cảm

Tiêu đề này được tạo lập bởi cách diễn đạt, lối nói mới lạ, độc đáo, giàu hình ảnh, vì thế rất sinh động và hấp dẫn. Ví dụ: Sáng kiến ánh trăng (Tuổi trẻ, 23/3/2011); Sống lay lắt trên …đê chắn sóng (Giáo dục và Thời đại, 9/7/2011); Giành đất với thú hoang (Giáo dục và Thời đại, 8/7/2011); Chữa bệnh với “báu vật dân gian” (Giáo dục và Thời đại, số đặc biệt giữa tháng 7/2011); Đất giàu mà chữ vẫn nghèo…(Giáo dục và Thời đại, 22/7/2011);

Muôn nẻo…mát xa kí (Giáo dục và Thời đại, 22/7/2011); Éo le phận “lương hợp đồng” (Giáo dục và Thời đại, 22/7/2011); Thú rừng kêu cứu (Giáo dục và Thời đại, 26/7/2011); “Cắm” …đời (Giáo dục và Thời đại, số đặc biệt cuối tháng 7/2011). Chảy máu dược liệu quý (Giáo dục và Thời đại, 22/7/2011);…

Với cách đặt đầu đề có hai vế A và B, Nguyễn Thanh Bình trong bài

Về cách đặt tiêu đề bài báo, đăng trên tạp chí Người làm báo số 128, tháng 9/2002 đã đưa ra các dạng tiêu đề:

+ Dạng tiêu đề trong đó hai vế quan hệ tương phản + Dạng tiêu đề đặt vấn đề lựa chọn A hay B

+ Dạng tiêu đề hai vế có quan hệ liên kết dạng A và B + Dạng tiêu đề có quan hệ nhân quả A suy ra B

+ Dạng tiêu đề hai vế có quan hệ đồng nhất kiểu A bằng B + Dạng tiêu đề kết hợp dựa vào một quá trình ( từ A trở thành B) +Dạng tiêu đề nêu bật thông tin hay thuộc tính tiêu biểu A-B…

Sự phân loại đa dạng về tiêu đề các bài báo cho thấy các nhà nghiên cứu đã cố gắng đi vào phân loại cụ thể, chia nhỏ thành nhiều dạng tiêu đề bài báo để vận dụng, khám phá, sử dụng, giúp cho độc giả nhận diện được mức độ nội dung, mặt khác nó tạo điều kiện để người trình bày ma-két có cách trình bày, lựa chọn co chữ, cỡ chữ, màu chữ phù hợp.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiêu đề văn bản báo chí (Trang 30 - 33)